11/01/2025

Giá điện tăng, chất lượng vẫn “mập mờ”

Tập đoàn Điện lực VN (EVN) tiếp tục kêu do chi phí đầu vào tăng, đồng thời thừa nhận vẫn còn khoản lỗ tỉ giá đang chờ “xử lý” vào giá điện.

 

Giá điện tăng, chất lượng vẫn “mập mờ”

 

Tập đoàn Điện lực VN (EVN) tiếp tục kêu do chi phí đầu vào tăng, đồng thời thừa nhận vẫn còn khoản lỗ tỉ giá đang chờ “xử lý” vào giá điện.

 

 

 

 

Nhân viên thu tiền điện tại nhà người dân ở P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM – Ảnh: T.T.D. – Dữ liệu: C.V Kình – Đồ họa: V.Anh

Ngày 6-3, trả lời những chất vấn của báo chí về việc tăng giá điện, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) tiếp tục kêu do chi phí đầu vào tăng, đồng thời thừa nhận vẫn còn khoản lỗ tỉ giá đang chờ “xử lý” vào giá điện.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Quang Tri – phó tổng giám đốc EVN – cho rằng nếu không tăng giá, năm 2015 EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỉ đồng, do giá than từ đợt điều chỉnh tăng giá gần đây nhất (ngày 1-8-2013) đã tăng trên 50%, giá khí cũng tăng khoảng 40-50%… Nhưng giá bán điện vẫn giữ nguyên.

Vẫn còn gần 8.000 tỉ đồng lỗ tỉ giá chờ… tính vào giá điện

Theo ông Tri, từ ngày 1-8-2013 đến cuối năm 2014, giá thành đầu vào tăng và EVN đã nhiều lần tính toán, trình Bộ Công thương phương án tăng giá nhưng chưa được chấp thuận do kinh tế trong nước khó khăn. Tháng 1-2015, EVN tiếp tục có tờ trình xác định các chi phí đầu vào tăng khoảng 12,8%, nhưng chỉ kiến nghị tăng 9,5%.

Nếu được đồng ý phương án này, EVN sẽ có lợi nhuận 3% trên vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, Bộ Công thương đã đưa ba phương án: tăng 7,5%, 8,5% và 9,5%. Cuối cùng, Chính phủ chọn tăng 7,5%. Theo ông Tri, với phương án này, năm 2015 EVN sẽ tăng được doanh thu khoảng 13.000 tỉ đồng, lãi khoảng 1% vốn chủ sở hữu, tức khoảng 1.500 tỉ đồng.

Với mức tăng cho phép là 7,5%, ông Tri cho biết tới đây Bộ Công thương sẽ có quyết định về mức tăng cụ thể cho từng đối tượng như điện sản xuất, điện sinh hoạt cũng như giá điện theo các bậc thang sử dụng.

Tuy nhiên, có một số đối tượng giá điện sẽ tăng trên mức trung bình, như các hộ sản xuất công nghiệp đang hưởng mức giá thấp sẽ tăng cao hơn mức 7,5%, một số đối tượng có mức tăng thấp hơn 7,5% như hộ kinh doanh đang có mức giá điện cao, hộ gia đình dùng dưới 100kWh/tháng…

Giải đáp câu hỏi của báo chí, đặc biệt là chất vấn những chi phí cụ thể nào đã tăng, giá dầu thế giới giảm mạnh đã giúp giảm bao nhiêu chi phí, EVN đã cung cấp bảng thống kê chi tiết.

Theo đó, tính từ ngày 1-8-2013 đến hết 31-1-2015, giá dầu trong nước bình quân giảm đã giúp giảm chi phí mua điện chỉ 219,2 tỉ đồng. Bên cạnh đó, giá dầu thế giới giảm, giúp giá khí (giá tính theo giá dầu) giảm, kéo giảm chi phí mua điện của các nhà máy nhiệt điện khí 1.366,6 tỉ đồng.

Tuy nhiên, mức giảm trên không thấm vào đâu so với các chi phí tăng. EVN cho biết tổng giá khí tăng trong gần hai năm qua khiến chi phí tăng trên 4.000 tỉ đồng.

Giá than cũng tăng trên 4.400 tỉ đồng. Tỉ giá thay đổi cũng làm chi phí mua điện tăng 105,6 tỉ. Thuế tài nguyên nước tăng cũng từ 2% lên 4%… Tổng cộng chi phí đầu vào đã tăng tới 8.833 tỉ đồng.

Theo ông Tri, đó là chưa kể đến chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn 1.019 tỉ, chi phí lắp đặt tụ bù để nâng cao chất lượng điện áp, bổ sung chi phí môi trường rừng năm 2011, 2012…

Đáng lưu ý, theo ông Tri, với mức tăng giá điện 7,5%, EVN sẽ chỉ “xử lý” được trên 926 tỉ đồng trong khoản lỗ tỉ giá bị “treo” chưa tính vào giá điện trong tổng số trên 8.800 tỉ đồng. “Vì vậy, vẫn còn trên 7.800 tỉ lỗ phải “treo” tiếp, để các năm sau xử lý” – ông Tri nói.

Chất lượng điện không thể tăng ngay được

Trả lời câu hỏi về việc tăng giá điện sẽ tác động đến các hộ dùng điện, ông Tri cho biết hiện chưa có biểu giá điện chi tiết nên chưa thể tính toán cụ thể. Tuy nhiên sơ bộ, có thể nêu với người dùng điện sinh hoạt 50 kWh/tháng thì chỉ tăng chi phí chưa đến 4.800 đồng/tháng. Với hộ sản xuất, cơ cấu giá tới đây, mức chi phí tăng sẽ từ 0,06% đến 0,6%.

Cũng theo ông Tri, giá điện sắp tới điều chỉnh như thế nào sẽ thực hiện đúng quy định theo quyết định của Thủ tướng. EVN sẽ tính toán hằng tháng, nếu đủ điều kiện tăng thì trình phương án tăng.

Tuy nhiên, nếu giá khí, than… ổn định thì điều chỉnh thêm giá điện trong năm nay sẽ không cần, chỉ trừ có biến động lớn.

Giá điện cũng phụ thuộc một phần vào tiết kiệm điện. Nếu tiết kiệm tốt, áp lực đầu tư không lớn thì sẽ giảm áp lực tăng giá điện. Nhưng sau tết, tăng trưởng điện nhiều nơi tăng tới 14-15%, có tỉnh tăng 20%. Nên bức tranh phụ thuộc không chỉ EVN, mà cả người tiêu dùng điện.

Giá điện trong phần còn lại 2015 chắc tương đối ổn định. Tỉ giá theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước sẽ không biến động nhiều, giá khí cũng có quyết định tương đối rõ, giá than chưa có thông báo tăng.

Giá than thế giới giảm cũng tạo sức ép để giá trong nước không thể tăng, mà phải dần theo thị trường. Đây là yếu tố giúp giá điện trong nước ổn định.

“Minh bạch giá điện ai cũng muốn, bản thân EVN cũng muốn minh bạch. Nhưng đặc thù ngành điện là sản xuất – tiêu thụ xảy ra đồng thời, số lượng hộ tiêu thụ cực lớn, khoảng 22 triệu. Hiện công ty mẹ EVN tự sản xuất chỉ chiếm khoảng 15-17% tổng sản lượng điện. Hợp đồng cũng có nhiều dạng: thuỷ điện mua cố định, 10% theo giá thị trường điện cạnh tranh. Nhiệt điện cũng thanh toán hai phần…” – ông Tri nói.

Theo ông Tri, kể cả không tăng giá, EVN vẫn chỉ đạo tăng năng suất, chất lượng theo yêu cầu của Thủ tướng. Năm 2014 EVN chỉ đạo giảm thời gian cần để được cung ứng điện. EVN cũng quán triệt việc trực 24/24 giờ, giao các điện lực chỉ số bình quân khách hàng bị cắt bao nhiêu phút/năm và yêu cầu lập kế hoạch giảm xuống. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ phụ thuộc đầu tư.

Chẳng hạn, việc đảm bảo N-1, tức mất điện một đường dây thì có đường khác thay thế, ở TP.HCM đạt trên 90%, tức hầu hết khách hàng đã được cấp điện từ ít nhất hai nguồn. Rồi áp dụng sửa chữa nóng, tức sửa không cắt điện.

Nhưng ở miền Bắc thì chưa triển khai được nhiều nên có nơi mất điện cả huyện, trọn ngày khi phải cắt điện một đường dây để đấu nối. Cũng phải nói điện không phải ngày nay tăng giá mai tăng chất lượng được, mà tăng giá sẽ đủ tiền, đủ điều kiện vay để tiếp tục đầu tư để đủ điện, cấp điện an toàn, chất lượng tốt lên.

Tăng năng suất EVN đã làm quyết liệt. Từ năm 2013, đặc biệt là năm 2014, toàn EVN không cho tăng biên chế, trừ trường hợp đặc biệt phải trình tập đoàn phê duyệt. EVN đã tách ba tổng công ty phát điện, sẽ tiến hành cổ phần hoá, sẽ tạo sức ép tuyển dụng hợp lý. Về cơ chế, EVN cũng giao đơn giá tiền lương trên tổng doanh thu trừ chi phí.

Nên nếu tuyển nhiều, sẽ bị giảm lương. Năm 2014 năng suất của EVN tăng 9%. Kế hoạch 2015 sẽ chỉ đạo tiếp tục tăng năng suất 9%.

Theo ông Tri, năm 2015 tổn thất điện được yêu cầu giảm xuống 8% (năm 2014 khoảng 8,46%). Hiện tổn thất điện ở công ty phân phối đã hoàn thành tốt, riêng tổng công ty truyền tải không hoàn thành nhưng họ có lý do khách quan.

Năm 2014 miền Nam thiếu điện, nên EVN phải truyền từ miền Bắc, miền Trung vào làm truyền tải tăng đột biến, dẫn đến tổn thất cao. “Không ai có thể ăn cắp trên đường dây 500kV, hoàn toàn do kỹ thuật. Chúng tôi kiến nghị tăng tiến độ các dự án điện miền Nam để giảm truyền tải, giảm tổn thất” – ông Tri khẳng định.

Ông Nguyễn Anh Tuấn (cục trưởng Cục Điều tiết điện lực):

Đã công khai minh bạch!

Bộ Công thương đã thành lập các tổ kiểm tra giá thành, có đại diện các bộ ngành, hội, Mặt trận Tổ quốc… Tổ đã kiểm tra báo cáo tài chính được cơ quan kiểm toán độc lập soát xét. Khi kiểm tra, tổ thực hiện căn cứ đúng theo quy định hiện hành.

Phương án giá năm 2015, chúng tôi đã kiểm tra các yếu tố giá đầu vào, tính toán các yếu tố tăng và giảm, đã thực hiện công khai minh bạch theo đúng quy định nhà nước.

Tăng giá điện lần này không phải mục tiêu tăng lợi nhuận cho EVN. Hướng sắp tới sẽ xem xét làm sao thiết kế thang giá điện đơn giản hơn.

Theo kế hoạch, Nhà nước sẽ độc quyền khâu truyền tải và Nhà nước sẽ đầu tư. Hiện trong danh sách dự án tài trợ ODA của các tổ chức quốc tế, họ ưu tiên đặc biệt khâu truyền tải. Vừa qua, chúng tôi phải bảo lãnh để Tổng công ty Truyền tải (NPT) thu xếp vốn.

Đến nay hạn mức bảo lãnh NPT của EVN hết rồi, đã đạt mức vốn đầu tư của EVN vào NPT là 22.000 tỉ đồng. EVN sẽ phải có hàng loạt giải pháp để tăng năng lực tài chính cho NPT như: ngay sau tăng giá bán lẻ lần này sẽ điều chỉnh phí truyền tải cho NPT.

Mức giá hiện nay Bộ Công thương phê duyệt cho truyền tải là 86,4 đồng/kwh, năm 2014 NPT có lãi trên 200 tỉ đồng, so với vốn điều lệ thì đúng là quá thấp. Ngoài ra, EVN sẽ cân đối, nếu dư sẽ cấp tăng vốn điều lệ cho NPT…

TS Nguyễn Đức Độ (phó viện trưởng Viện Kinh tế – tài chính):

Cần có thị trường điện cạnh tranh

Việc người tiêu dùng băn khoăn mỗi lần nghe thông tin tăng giá điện là điều dễ hiểu vì chỉ thấy giá điện tăng mà không có giảm. Hơn nữa, người tiêu dùng cũng không được giải thích đầy đủ về việc tại sao điện lại tăng ngoài chuyện ngành điện bị lỗ do giá điện bán thấp hơn giá thành.

Thực tế, người tiêu dùng ít có cơ hội được biết các chi phí của giá điện. Họ rất khó giám sát giá điện và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điện. Vì EVN là doanh nghiệp của Nhà nước 100%.

Để thông tin công khai minh bạch, người dân không kêu mỗi khi giá điện tăng, chỉ có một cách là chúng ta phải có thị trường điện cạnh tranh. Để có thị trường cạnh tranh, các công ty truyền tải điện, phát điện, sản xuất điện phải được cổ phần hoá, tức là có thêm nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành điện. Thật ra, Chính phủ cũng đặt ra lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh nhưng mới ở giai đoạn ban đầu triển khai.

L.THANH ghi

Doanh nghiệp “choáng” với giá điện tăng

Ông Trần Việt Anh, tổng giám đốc Tổng công ty Nam Thái Sơn – doanh nghiệp chuyên doanh trong lĩnh vực ngành nhựa, cho biết mỗi tháng chi phí điện năng công ty sử dụng khoảng 2,5 tỉ đồng và giá điện đang chiếm 5% trong giá thành sản xuất. Với mức tăng 7,5%, công ty buộc phải chi thêm gần 190 triệu đồng bù cho tiền điện tăng.

“Tết vào sức mua đã yếu, lương mới lại vừa áp dụng, giờ tăng thêm giá điện thì doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn” – ông Việt Anh âu lo. Chưa kể, với các hợp đồng xuất khẩu ký đến tháng 6 hoặc hết năm nay, khả năng điều chỉnh giá là không có. Còn với các nhà mua nội địa, nếu họ chia sẻ được chi phí điện tăng với công ty thì mừng, còn không thì… đành chịu.

“Nhưng nếu khả năng xấu nhất xảy ra thì đến đầu tháng 5-2015 chúng tôi buộc phải tăng giá bán sản phẩm. Khi đó người tiêu dùng sẽ là người chịu thiệt thòi nhất, dù chúng tôi không hề muốn tăng giá” – ông Việt Anh phân trần.

Trong khi đó, ông Đỗ Duy Thái – chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Việt (Pomina) – cho rằng việc điều chỉnh giá điện tăng lên 7,5%/lần “là quá cao”. Theo ông Thái, bộ Công thương có quyền điều chỉnh giá điện nhưng không nên điều chỉnh mức tăng quá cao như vậy, mà chỉ nên điều chỉnh không quá 5%/lần.

Hiện ngành thép trong nước đang phải cạnh tranh rất gay gắt với thép Trung Quốc nhập khẩu ngay tại thị trường nội địa, khi giá thép Trung Quốc đang có xu hướng rẻ hơn thép sản xuất trong nước khoảng 1 triệu đồng/tấn.

Còn nếu xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu thép VN khó lòng cạnh tranh với thép của Thái Lan đang xuất khẩu sang thị trường Campuchia – nơi đang là thị trường thép xuất khẩu chính của cả ngành thép VN. Tùy theo trình độ công nghệ sản xuất của từng doanh nghiệp, mức tiêu hao điện năng cho mỗi tấn sản phẩm thép sẽ nhiều hay ít.

Tại Pomina, chỉ mất khoảng 355kWh để luyện ra một tấn phôi thép – mức tiêu hao điện năng thuộc loại thấp nhất hiện nay – nhưng doanh nghiệp này phải chi xấp xỉ 746 tỉ đồng/năm và phải bù thêm gần 56 tỉ đồng cho đợt tăng giá điện sắp điều chỉnh này.

Ông Hồ Quỳnh Hưng, chủ tịch HĐQT Công ty CP bóng đèn Điện Quang, cho biết với mức giá điện vừa điều chỉnh tăng lên 7,5%, công ty phải bù thêm 52,5 triệu đồng/tháng.

“Dù giá điện chỉ chiếm 1% trong giá thành sản xuất, nhưng với chi phí điện năng phải trả hằng tháng lên đến 700 triệu đồng, nên mức bù thêm do giá điện tăng cũng không hề nhỏ chút nào” – ông Hưng chia sẻ.

Theo ông Hưng, bất luận giá điện được điều chỉnh nhiều hay ít, điều chỉnh mấy lần thì cũng đều gây trở ngại rất lớn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, vì cạnh tranh gay gắt không chỉ diễn ra ở thị trường xuất khẩu mà ngay tại sân nhà cũng tương tự như nhau.

TRẦN VŨ NGHI

CẦM VĂN KÌNH