Học để thi hay thi để học?
“Với chương trình phổ thông và cách dạy học đại trà hiện nay thì việc đổi mới phần ngọn là thi cử chỉ làm gia tăng sự đối phó. Thầy đối phó bằng cách ôn tập cho học sinh bám sát hướng ra đề mà mình phán đoán, trò cũng học tủ, học lệch”.
Học để thi hay thi để học?
“Với chương trình phổ thông và cách dạy học đại trà hiện nay thì việc đổi mới phần ngọn là thi cử chỉ làm gia tăng sự đối phó. Thầy đối phó bằng cách ôn tập cho học sinh bám sát hướng ra đề mà mình phán đoán, trò cũng học tủ, học lệch”.
Một tiết học môn tiếng Anh của học sinh lớp 12A8 Trường THPT Lương Văn Can, Q.8, TP.HCM – Ảnh: Như Hùng |
Nhiều giáo viên, chuyên gia đã cho biết như thế.
Một giáo viên từng dạy ngoại ngữ ở Trường THPT Hà Nội – Amsterdam cho biết xu hướng dạy học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng lâu nay luôn bị lệch. Ban đầu thì lệch hoàn toàn vào việc dạy cấu trúc, ngữ pháp.
Hơn 10 năm nay, ngoài việc tiếp tục duy trì dạy ngữ pháp để đối phó với thi cử, các nhà trường phổ thông cũng như người học chú trọng hơn việc dạy kỹ năng nghe nói. Ít ai coi trọng việc dạy học viết bằng ngoại ngữ. Việc cho học sinh làm quen với kỹ năng viết luận bằng ngoại ngữ chỉ có ở các trường chuyên với một liều lượng khiêm tốn.
“Nhiều người vẫn không ý thức được rằng việc học viết tiếng Anh quan trọng như thế nào, nhất là đối với những người có ý định học tập và làm việc bằng tiếng Anh” – giáo viên này cho biết.
“Không luyện thì rớt hết?!”
Đó là câu hỏi của rất nhiều giáo viên tiếng Anh ở TP.HCM khi nói về tình trạng dạy và học theo kiểu đối phó. Họ giải thích mục đích cuối cùng của học sinh lớp 12 là phải thi đậu tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH. Nếu giáo viên trong trường phổ thông không dạy cho các em để đi thi thì các em cũng sẽ ra trung tâm học luyện thi.
Nguyễn Thị Thu Quỳnh, thủ khoa ngành ngôn ngữ Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2013, khẳng định: “Dù đã có cái nền khá vững nhưng trước kỳ thi tuyển sinh ĐH mình cũng phải tải các đề mẫu, xin thêm từ các thầy cô để tập làm. Như vậy đi thi mới đạt điểm cao được”.
Một giáo viên môn tiếng Anh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM cũng chia sẻ: “Nói một cách khách quan, giáo viên môn ngoại ngữ trong trường phổ thông hoàn toàn có thể lồng ghép tất cả bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết trong tiết dạy của mình với điều kiện: số tiết dạy ngoại ngữ tăng lên (chứ không hạn chế như hiện nay) và giảm sĩ số học sinh/lớp.
Riêng ở bậc THPT, cần phải xem quá trình học ngoại ngữ của học sinh ở những bậc học trước như thế nào. Vì có những trường hợp giáo viên dạy nghe, nói nhưng học sinh không tiếp thu được.
Trong khi đó, nguyện vọng duy nhất của phụ huynh là con em họ thi đậu. Đây là một trong những lý do chính khiến một số giáo viên tập trung vào việc dạy để cho học sinh đi thi. Do vậy, người thầy vẫn phải ôn thi, phải rèn cho các em theo trọng tâm của đề thi”.
Minh Anh – cựu học sinh THPT Sơn Tây, Hà Nội – cho biết: “Không nói những học sinh đại trà mà cả học sinh chuyên như chúng em cũng ít được làm quen với viết luận bằng tiếng Anh. Ngoài chương trình học bình thường, chủ yếu chúng em được học thêm nghe nói, giao tiếp.
Năm 2014, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT có phần thi viết, mặc dù nói chính xác đó chưa phải là viết luận mà chỉ yêu cầu viết những nội dung đơn giản, nhưng em thấy nhiều học sinh cũng chật vật với việc này do không được dạy học đầy đủ ở phổ thông.
Nhiều em học sinh lớp 12 năm nay quan tâm tới phần viết luận, nhưng cũng chỉ lo đi copy các bài viết theo các chủ đề khác nhau để học thuộc lòng”.
Có cần “tự luận” trong đề thi?
Trở lại việc đổi mới của Bộ GD-ĐT với việc bổ sung phần bài luận môn ngoại ngữ trong đề thi THPT quốc gia sắp tới, cô Hồng Nhung – giáo viên THPT ở Hà Nội – chia sẻ: “Cho dù không phải năm nay mà năm sau hay năm sau nữa đề thi quốc gia có phần viết luận thì nếu chỉ có vậy, chất lượng dạy học ngoại ngữ cũng chưa thể thay đổi theo hướng toàn diện hơn khi chương trình, cách tổ chức dạy học, yêu cầu kiểm tra đánh giá trong quá trình không được chú trọng”.
Theo cô Nhung, hiện tại trong quá trình dạy học thầy cô giáo vẫn có những tiết học yêu cầu học sinh viết những nội dung ngắn, cơ bản theo các chủ đề gần gũi dễ hiểu. Nhưng đó chưa phải viết luận và rèn kỹ năng viết luận. Vì muốn đạt được yêu cầu này, học sinh phải có vốn hiểu biết nhất định về các lĩnh vực cuộc sống, có khả năng trình bày suy nghĩ, quan điểm về một vấn đề.
Việc dạy học sinh biết viết luận bằng tiếng Việt đã là một việc khó, viết bằng tiếng Anh còn khó hơn nhiều trong khi điều kiện, yêu cầu dạy học chưa được chú trọng và chưa có quá trình đủ dài để làm được việc này.
Tương tự, cô Tố Tâm – giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) – cũng nhận xét: “Học sinh cần có quá trình dài để làm quen với cách học viết, trao đổi, bàn luận về các vấn đề khác nhau và thể hiện lại bằng bài viết, được giáo viên chỉnh sửa và thường xuyên đánh giá.
Việc bất ngờ đưa phần viết luận vào bài thi khó có thể tác động trở lại quá trình dạy học ngay lập tức. Cách bắt chín ép như vậy sẽ dẫn tới lối học đối phó với thi cử”.
Trong khi đó, TS Đoàn Huệ Dung (trưởng khoa ngoại ngữ sư phạm Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh TP.HCM) khẳng định: “Xét thấy một kỳ thi tiếng Anh dành cho hơn 1 triệu thí sinh thì bài thi theo hướng trắc nghiệm khách quan ở thời điểm này vẫn là tối ưu.
Thêm phần thi tự luận không mang lại nhiều tác dụng về mặt chuyên môn, ngược lại có nhiều trở ngại do việc chấm thi tự luận mang nhiều cảm tính, ảnh hưởng đến kết quả thi. Cũng giống như kỹ năng nghe và nói tiếng Anh cũng cần được đánh giá, nhưng ở các kỳ thi có số lượng thí sinh quá lớn chúng ta không thể tổ chức được.
Ngoài ra, một đội ngũ rất lớn giáo viên tiếng Anh cần phải được tập huấn về cách thức chấm bài viết tiếng Anh cho chính xác và công bằng. E rằng sự chuẩn bị này khó thực hiện được trong năm 2015.
Hơn nữa, nếu chỉ để kiểm tra kỹ năng viết tiếng Anh cơ bản của học sinh chứ không phải khả năng viết nghị luận bằng tiếng Anh thì có rất nhiều dạng thức kiểm tra kỹ năng viết bằng câu hỏi trắc nghiệm. Điều này đơn giản và hiệu quả hơn so với việc đưa phần tự luận vào bài thi năm nay”.
TS Đoàn Huệ Dung: Chất lượng đề và cách tổ chức thi là điều vô cùng quan trọng Không chỉ môn ngoại ngữ mà môn học nào cũng vậy, vai trò của giáo viên là góp phần giúp học sinh có kiến thức, kỹ năng để sử dụng trong cuộc sống và để học tiếp các bậc học cao hơn. Những mâu thuẫn mà giáo viên đang phải chịu đựng suy cho cùng là do áp lực của bệnh thành tích mà ra. Nếu xem kiểm tra, đánh giá, thi cử là một khâu tất yếu của quá trình học chứ không phải là mục đích cuối cùng của việc học thì người học mới có hứng thú học tập và người dạy có được sự tự tin, hứng thú trong công việc giảng dạy. Chính vì thế, chất lượng đề thi và cách thức tổ chức thi là điều vô cùng quan trọng. Cách nói nôm na “học gì thi nấy” thật ra là nguyên tắc của thi cử. Hiện nay chương trình ngoại ngữ ở bậc phổ thông đang hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh thì đề thi hướng đến việc kiểm tra năng lực sử dụng tiếng Anh là đúng hướng. Tất cả đề thi tiếng Anh theo chuẩn quốc tế hiện nay đều đánh giá tất cả kỹ năng tiếng Anh: nghe, nói, đọc, viết, sử dụng từ vựng và cấu trúc câu đúng ngữ cảnh. Như vậy, để xóa bỏ quan điểm “học để thi”, để giảm bớt tình trạng dạy và học đối phó hiện nay, để không còn tình trạng học tủ, dạy tủ thì đầu tiên là ngăn chặn căn bệnh thành tích, không lấy điểm của học sinh và tỉ lệ đậu rớt để đánh giá thành tích của giáo viên. Thứ hai là nội dung và hình thức học tiếng Anh phải hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh của học sinh, và đề thi cũng hướng đến mục tiêu này. Một giáo viên môn tiếng Anh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM: Phải chấp nhận một đề thi như hiện nay Trong điều kiện như hiện nay, tôi nghĩ khó có thể thực hiện được một đề thi nhằm kiểm tra cả bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết như bài thi để lấy các chứng chỉ quốc tế. Việc cho học sinh nộp chứng chỉ quốc tế để được miễn thi là một trong những phương pháp hiệu quả để chống căn bệnh dạy và học theo kiểu đối phó. Tuy nhiên, chi phí dự thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khá cao, không phải học sinh nào cũng có điều kiện dự thi. Thế nên chúng ta vẫn phải chấp nhận một đề thi nhằm kiểm tra kiến thức – kỹ năng một cách tương đối như hiện nay. |