10/01/2025

Cái gì của dân cứ để dân làm

Trong hàng trăm ý kiến của các chuyên gia và bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ, hầu hết đều cho rằng việc các lễ hội bị biến tướng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu cực trong lễ hội hiện nay.

 

Cái gì của dân cứ để dân làm

 

 Trong hàng trăm ý kiến của các chuyên gia và bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ, hầu hết đều cho rằng việc các lễ hội bị biến tướng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu cực trong lễ hội hiện nay. 


Dưới đây là ý kiến của TS NGUYỄN MINH HOÀ, Trường ĐH KHXH và NV TP.HCM:

Hàng nghìn người dân tràn vào Đền Trần gây ra tình trạng tắc nghẽn và hỗn loạn trong lễ khai ấn Đền Trần - Ảnh: Nguyễn Khánh
Hàng nghìn người dân tràn vào Đền Trần gây ra tình trạng tắc nghẽn và hỗn loạn trong lễ khai ấn Đền Trần – Ảnh: Nguyễn Khánh

Bất cứ làng xã Bắc bộ nào và một phần của Trung bộ truyền thống đều là không gian đóng, khép kín. Chúng được bao bọc bởi các luỹ tre làng, chỉ với một cổng làng ra vào duy nhất và các biểu tượng tâm linh như đình, chùa, cây đa, giếng nước.

Các dòng họ trong làng cũng là những tổ chức khép kín, các quan hệ hôn nhân, tang tế, giỗ kỵ chủ yếu là hướng nội. Do vậy mà lễ hội của làng này khác làng khác, đình của làng này khác đình của làng khác.

Lễ hội truyền thống sinh ra là để thoã mãn các thành viên trong cộng đồng, những người tổ chức, thực hiện, hưởng thụ đều là bà con anh em với nhau.

Chủ lễ, chủ tế là các bô lão, trưởng họ, những người trong nhóm hành động (nay gọi là nhóm hạt nhân) được chọn ra từ những người tử tế, đức hạnh, khoẻ mạnh, không có điều tiếng về thân nhân, gia đình để tham gia nghi lễ khênh kiệu, vác cờ phướn, bê mâm lễ vật, đánh trống khua chiêng.

Chính vì những đặc điểm cơ bản đó mà lễ hội quê rất an lành, giản dị.

Các bậc trưởng thượng kiểm soát được lễ hội một phần vì nó có quy mô nhỏ, phần khác đều là con cháu trong nhà cả, thanh niên trai tráng biết trọng danh dự của cha mẹ, của dòng họ và làng xã, biết kính trên nhường dưới.

Nhưng hơn 15 năm nay, từ khi đô thị hóa nhanh, tiến hành mở cửa, thực hiện kinh tế thị trường (chưa hoàn thiện) thì làng xã đã hoàn toàn khác xưa về tất cả phương diện, đặc biệt là cấu trúc của nó.

Làng nay được mở toang hoác bởi nhiều trục đường ngang dọc xuyên qua, cổng làng bị bỏ phế, rặng tre bị chặt bỏ, nhà ba gian hai chái gắn với vườn theo kiểu trước cau sau chuối nay biến tướng nhào hết ra mặt đường thành nhà ống mái bằng thò thụt, cao thấp dị dạng;

Các phong tục, tập quán trong đó có lễ hội không còn là tài sản riêng của làng mà nay bỗng dưng bị là tài sản của toàn xã hội để cho ai cũng được thụ hưởng.

Từ khi có “xã hội hoá” lễ hội, tức là khi mà người ta tính đến chuyện tiền bạc, lời lỗ thì mọi chuyện bắt đầu hỏng, cứ trượt dài.

Các nhóm vụ lợi ngửi thấy mùi “kim tiền” là nhảy vào giành giật với danh nghĩa nhà đầu tư “bất vụ lợi”, các cơ quan công quyền địa phương nhảy ra gánh vác trách nhiệm quản lý nhà nước để vừa kiểm soát cho có hình thức vừa để khai thác cho đơn vị mình.

Các cơ quan chức năng trung ương cũng thấy đấy là “cơ hội vàng” để đẩy chuyện làng lên thành hoạt động của ngành ở tầm mức quốc gia, tỉnh thành.

Thậm chí, đang có phong trào “quốc tế hoá di sản, di tích, tập tục địa phương” và coi đó là thành tích “bảo vệ văn hoá dân tộc”, “hội nhập văn hoá bản địa với nhân loại”…

Mỗi thứ một tí cộng lại làm cho lễ hội truyền thống bị đẩy vượt ra khỏi luỹ tre làng, ra khỏi vòng tay những người sản sinh ra nó để làm quà cho thiên hạ, cho người nước ngoài chiêm ngưỡng.

Từ lễ hội làng chất phác trở thành “sân khấu hoá” diêm dúa loè loẹt mà cái nào cũng na ná giống nhau bởi chỉ từ một vài bàn tay phù thuỷ biến hoá.

Từ chỗ các cụ cao niên “đức cao vọng trọng” thay mặt dân làng đọc văn tế cầu “quốc thái dân an” thì nay là một vị quan đầu tỉnh, đầu bộ mặc đồ veste đọc diễn văn viết sẵn lại có thêm tiếng Tây sang sảng kèm theo cho sang, dịch cho vài ba, thậm chí cho một nhóm người nước ngoài nghe.

Từ chỗ mọi người, mọi gia đình, dòng họ tự nguyện góp lễ thì nay là nơi các đại gia nhảy vào tranh nhau, xí phần, bán vé, thu lời;

Từ chỗ lộc ban ai cũng có phần vì mỗi dòng họ chỉ cử một vài người đại diện ra thi tài nhận lộc thì nay cả vạn người tranh nhau chút lộc còm nên máu ắt phải đổ.

Nhiều lễ hội xưa nay đều lành mạnh có phần linh thiêng thì nay trở nên quá dung tục, bê tha. Mọi chuyện đã đi quá xa mất rồi.

Từ chỗ mọi người, mọi gia đình, dòng họ tự nguyện góp lễ thì nay là nơi các đại gia nhảy vào tranh nhau, xí phần, bán vé, thu lời; từ chỗ lộc ban ai cũng có phần vì mỗi dòng họ chỉ cử một vài người đại diện ra thi tài nhận lộc thì nay cả vạn người tranh nhau chút lộc còm nên máu ắt phải đổ.

Nhiều lễ hội xưa nay đều lành mạnh có phần linh thiêng thì nay trở nên quá dung tục, bê tha

Việc có thể làm được là phần lễ trả lại cho làng xã và chủ thể chính của nó là nhân dân địa phương để họ giữ lại phần nguyên thuỷ với những nghi lễ trang trọng và hướng nội.

Còn phần hội thì tách riêng biệt ra, buông hẳn cho thị trường, có đấu thầu, có đóng thuế, Nhà nước được lợi, cơ quan chức năng tham dự quản lý nhà nước có chăng chỉ là đảm bảo được an ninh trật tự, đưa ra luật và kiểm soát.

Cái gì của dân thì cứ để cho dân làm, như thế phần thiêng may ra mới còn, phải tin vào dân vì thiết chế nào cũng có cơ chế tự điều tiết.

 

TS NGUYỄN MINH HÒA (Trường ĐH KHXH và NV TP.HCM)