27/11/2024

Cải cách đương nhiên gặp chống đối

“Mọi cuộc cải cách đều khó khăn, càng gặp kháng cự, càng cho thấy cuộc cải cách đó là cải cách thực sự”.

 

Cải cách đương nhiên gặp chống đối

 

“Mọi cuộc cải cách đều khó khăn, càng gặp kháng cự, càng cho thấy cuộc cải cách đó là cải cách thực sự”.

 

 
 
 
Cải cách đương nhiên gặp chống đối - ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp ông Tony Blair tại Trụ sở Chính phủ chiều qua  – Ảnh: TTXVN
Đó là nhận định của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair trong vai trò cố vấn cao cấp cho Chính phủ VN, tại hội thảo “Vai trò kinh tế mới của doanh nghiệp nhà nước”, do Bộ KH-ĐT tổ chức hôm qua.

Cải cách vì đời sống người dân

 
 
Cải cách đương nhiên gặp chống đối - ảnh 2
Chúng tôi thấy không cần phải nhiều người cải cách mà là cần đúng người, đúng vị trí để khi cần có thể vượt qua
Cải cách đương nhiên gặp chống đối - ảnh 3
 
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair
 
Theo ông Tony Blair, nếu như mục tiêu của VN là thay đổi nhằm đem lại sự phát triển, thịnh vượng thì cải cách khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải là một phần trong đó, bản chất của việc này là để cải thiện đời sống của người dân. “Tôi đã làm thủ tướng 10 năm, qua 2 nhiệm kỳ và tôi rút ra bài học lớn nhất là: Khó nhất đối với Chính phủ là nhận được ý tưởng tốt và thực hiện được nó vì có nhiều ý tưởng hay nhưng không thực hiện được. Bài học thứ hai là mọi cuộc cải cách đều khó khăn và có sự cản trở”, ông Tony Blair nói.
Theo ông, trong cải cách kinh tế, vai trò của Chính phủ rất cần thiết trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, tạo khuôn khổ cho nền kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân phát triển. Tuy nhiên, vai trò của Chính phủ không hiệu quả lắm trong điều hành các tổ chức kinh doanh, đưa ra sáng kiến với doanh nghiệp (DN).
Tại hội thảo, đại diện Văn phòng Tony Blair cũng trình bày bản báo cáo tư vấn rất chi tiết cho Chính phủ VN về vai trò mới của khối DNNN. Theo báo cáo này, VN cần làm rõ hơn những mục tiêu chính của cổ phần hoá (CPH), vì hiện nay việc CPH khối DNNN đang hướng đến nhiều mục tiêu khác nhau, như tiến tới nền kinh tế thị trường; cải thiện hiệu quả khối DNNN; giảm nợ công hay do áp lực hội nhập quốc tế. Bởi nếu xác định mục tiêu chính là hướng tới nền kinh tế thị trường thì phạm vi CPH sẽ phải rộng hơn so với mục tiêu nâng cao hiệu quả DNNN.
Theo ông Tony Blair, CPH ở VN khác với tư hữu hoá vì Chính phủ vẫn giữ tỷ lệ sở hữu lớn tại phần lớn DNNN. “Với cách tiếp cận thu hẹp như vậy về CPH, Chính phủ VN không thể kỳ vọng thấy được những tác dụng tích cực tương tự như quá trình CPH mang lại ở nhiều quốc gia khác”, ông Tony Blair nhấn mạnh. Trên thực tế, trong một số trường hợp, CPH ở VN chủ yếu là phương thức huy động vốn cho DN chứ chưa phải hướng đến giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước hay thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển.

 
 
Chương trình cải cách phải được thiết kế tốt
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nhận xét như vậy khi trao đổi với PV Thanh Niên sau hội thảo. Theo ông Thiên, những ý kiến tư vấn của ông Tony Blair như việc phải chọn khâu yếu kém nhất để cải cách thì dễ đem lại kết quả là ý kiến có giá trị thực dụng. “Chúng ta cũng cần phải thực dụng trong mục tiêu. Mục tiêu càng rõ thì cải cách mới đi đúng hướng”, ông Thiên nói.
Cũng theo TS Thiên, một ý kiến tư vấn xác đáng của ông Tony Blair là để cải cách khối DNNN thì cần phải có lực lượng thay thế, nếu không có sự chuẩn bị, thay thế, hẫng hụt đi thì lực lượng bảo thủ lại có cớ chống lại cải cách. “Trước đây, VN chưa chú ý nhiều đến vấn đề này”, ông Thiên nói. Ngoài ra, ông Thiên đánh giá cao quan điểm của ông Tony Blair về việc cải cách càng mạnh thì lực lượng chống đối càng mạnh. “Do đó, các chương trình cải cách càng phải được thiết kế tốt”, TS Thiên nói.

 

 
Báo cáo tư vấn của Văn phòng Tony Blair cho rằng hiện các DNNN của VN đảm nhiệm nhiều mục tiêu và sứ mệnh như là công cụ chính sách ngành, công cụ ổn định kinh tế vĩ mô, nhiệm vụ xã hội… Điều đó đã làm “phức tạp tình hình và cản trở các DN này hoạt động hiệu quả, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động có lợi nhuận”. Báo cáo cũng khuyến nghị cần làm rõ hơn mục đích duy trì sở hữu nhà nước, nếu lý do chính là “khu vực tư nhân phát triển chưa đủ mạnh” thì việc CPH nên hướng tới trao nhiều quyền hạn cho các công ty và DN tư nhân; xây dựng các công cụ quản lý khác thông qua chính sách tiền tệ, tài khoá. Để cải cách DNNN, Chính phủ cần thu hẹp “lĩnh vực chiến lược” vì hiện nhà nước vẫn nắm phần lớn sở hữu ở 40 lĩnh vực theo Quyết định 37/2014/QĐ-TTg. Ngoài ra, cần tập trung CPH một số DNNN nhất định, làm thí điểm tạo đà cho nỗ lực CPH trên cả nước.

Chống đối là đương nhiên

Trả lời câu hỏi của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, về những “chống đối” trong quá trình cải cách DNNN, ông Tony Blair nói: “Việc có chống đối là đương nhiên. Ngay ở Anh, thời kỳ tôi làm thủ tướng, chỉ cải cách Công ty viễn thông Anh thôi tôi đã phải đứng suốt đêm ở Quốc hội để giải trình, bởi sự phản đối rất ghê gớm. Ngay cả hiện nay, kế hoạch quốc hữu hoá công ty này lại gặp phản đối”.
Theo ông Tony Blair, cải cách càng gặp phải khó khăn, kháng cự quyết liệt mới là cải cách thực sự. “Chúng tôi thấy không cần phải nhiều người cải cách mà là cần đúng người, đúng vị trí để khi cần có thể vượt qua”, ông nhấn mạnh.
Về quan điểm ở VN phải giữ lại khu vực DNNN khi tư nhân chưa phát triển, như để bảo vệ lợi ích công, ông Tony Blair cho rằng: “Không phải lúc nào nhà nước cũng là người bảo vệ tốt nhất với người dân, vì nó chậm thay đổi”.
“Đưa ra ai cũng gật thì không có gì thay đổi lớn cho đất nước”
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh, năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao cho Bộ KH-ĐT làm đầu mối hợp tác giữa VN và Văn phòng Tony Blair. Sau đó, hai bên đã ký kết hợp tác và Văn phòng Tony Blair được đặt tại Bộ KH-ĐT từ năm 2013. Từ tháng 4.2014 đến nay, hai bên đã hợp tác nghiên cứu 3 lĩnh vực: kinh nghiệm quốc tế và đặc thù của VN trong cải cách DNNN; hợp tác nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng khung khổ pháp lý và triển khai mẫu mô hình PPP (hợp tác công – tư), cải cách dự án, hiệu quả vốn đầu tư công, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân; cải thiện chất lượng thu hút vốn FDI.
Bình luận về những góp ý của ông Tony Blair, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói: “Cải cách mà không có ai chống đối thì đó không phải là cải cách vì không động chạm đến ai”, đồng thời nhận định cần phải thúc đẩy phản biện, không ngại đưa ra quan điểm mới để cải cách tốt hơn: “Nếu có sự phản biện thì ta đang có đổi mới, chứ đưa ra ai cũng gật thì không có gì thay đổi lớn cho đất nước”.
Cũng theo Bộ trưởng Vinh, trong 20 năm qua cải cách DNNN về số lượng là thành công nhưng tỷ trọng CPH trong DNNN còn thấp: “Có những tập đoàn đã CPH nhưng 90% vốn vẫn của nhà nước, nếu coi CPH như vậy là xong thì các DN này có gì thay đổi đâu, vẫn nhân sự, quản trị cũ, nhà nước từ đầu đến chân… CPH là phải thay đổi quản trị dân chủ, có kiểm soát hơn. Rõ ràng hiệu quả CPH phải xem lại”.

Những tư vấn, khuyến nghị hết sức hữu ích
Chiều 4.3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp ông Tony Blair. Thủ tướng cho rằng những tư vấn, khuyến nghị của văn phòng và cá nhân ông Tony Blair trên các lĩnh vực thu hút đầu tư, hợp tác công tư và cải cách DNNN đối với VN là hết sức hữu ích. Thủ tướng mong muốn ông Tony Blair tiếp tục các hoạt động tư vấn chính sách cho VN; đồng thời giới thiệu các DN lớn, có uy tín trên thế giới đến VN đầu tư lâu dài, tham gia vào các dự án, công trình lớn hoặc trở thành cổ đông chiến lược trong các DN cổ phần hoá của VN.
Ông Tony Blair đánh giá cao những thành tựu phát triển cũng như quyết tâm của VN trên con đường đổi mới, mở cửa; đồng thời cho rằng với những kết quả phát triển và hội nhập đã đạt được, đây là thời điểm để VN nâng tầm phát triển lên một bước mới. Ông cũng khẳng định sẵn sàng tiếp tục các nỗ lực hợp tác; xây dựng thành công các mô hình trong các lĩnh vực hợp tác công tư, cải cách DNNN và thúc đẩy đầu tư, từ đó nhân rộng và có thể đưa vào các kế hoạch phát triển dài hạn của VN; hỗ trợ để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khoa học – công nghệ và giáo dục – đào tạo với VN.    

 TTXVN

Mạnh Quân