10/01/2025

“Sàn giao dịch”… trâu ở Si Ma Cai

Đó là ví von của người dân xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) khi nói về chợ trâu của xã mình – nơi “giúp dân bản người Mông có thêm nghề để xóa nghèo”.

 

“Sàn giao dịch”… trâu ở Si Ma Cai

 

 Đó là ví von của người dân xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) khi nói về chợ trâu của xã mình – nơi “giúp dân bản người Mông có thêm nghề để xóa nghèo”.

 

 

 

 

Một phiên của “sàn giao dịch” trâu di động ở xã Cán Cấu, Si Ma Cai (Lào Cai) – Ảnh: Vũ Toàn

 Đây cũng là “mũi nhọn” kinh tế của địa phương này hơn 10 năm nay.

Mờ sáng, trời còn lạnh cóng trong sương mù dày đặc nhưng tiếng lục lạc cùng bước chân hàng trăm con trâu đã râm ran đổ dồn xuống chợ.

Trên tỉnh lộ 153, hàng chục xe bán tải chở trâu từ các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Vĩnh Phú lên và Hà Giang xuống, Điện Biên sang cùng các huyện lân cận như Bắc Hà, Bảo Yên, Mường Khương… cũng đã kịp đến chợ từ đêm qua.

Mỗi năm hết mùa cày bừa gặt hái là đến mùa chợ trâu. Có phiên chợ trâu mua bán trên 1.000 con. Chợ trâu này là chợ “cửa khẩu” của nhiều huyện và tỉnh bạn. Mỗi phiên chợ thu hút hàng tỉ đồng. Nhìn lái buôn mang balô đựng tiền thì biết chứ chưa cần phải đếm trâu rồi quy ra tiền
ông GIÀNG A DƠ

“Sàn” trâu độc đáo

Lúc 7g “sàn giao dịch” bắt đầu hiện rõ trên “mâm” đất được san phẳng lưng chừng quả đồi rộng. Xen giữa hàng trăm con trâu đen bóng là những lái buôn mang balô tiền đi xem trâu để mua.

Những phụ nữ Mông mặc váy thổ cẩm địu con cùng chồng đứng bên trâu chờ bán. Người bán, người mua, tiếng Mông, tiếng Kinh và tiếng người Trung Quốc giao dịch tạo nên âm thanh hỗn hợp khắp “sàn” trâu.

Khách Tây thích chợ trâu

Đến 12g, “sàn giao dịch” trâu di động vẫn chưa chịu vãn khách bởi đây là thời điểm lái trâu cầm tiền đi khắp chợ ngả giá mua nốt những con trâu cuối cùng.

Những phụ nữ Mông vai mang balô luôn tay bấm điện thoại, những ông chồng đứng đếm tiền thoăn thoắt bên những chú trâu chồn chân đã thu hút du khách nước ngoài đua nhau từ Sa Pa xuống xem chợ.

Xung quanh “sàn” trâu còn có rất đông người dân khoác áo ấm, trùm khăn xếp hàng xem cảnh mua bán hiện ra như một bức tranh sống động về chợ trâu lớn nhất vùng Tây Bắc.

Tầm 9g, thời điểm chợ đông vui nhất, tôi theo chân anh Trần Văn Sền, người Nùng, trú ở huyện Mường Khương, “phiên dịch viên tiếng Trung” được cả người Kinh và người Trung Quốc thuê phục vụ tại phiên chợ.

Hóa ra đa số lái buôn chủ yếu là người tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) sang đây mua trâu về làm thịt bán cho người Hồi của họ.

Anh Sền cho hay người Hồi của Trung Quốc không ăn thịt heo vì quen dùng món thịt trâu, nên phiên chợ nào cũng có hàng chục lái trâu sang “dắt hàng” về lò mổ bên đó kinh doanh. Có phiên chợ đầu mùa đông họ mua hàng trăm con về làm thực phẩm dự trữ cho đến sau Tết Nguyên đán.

Anh Sền vừa dứt lời thì một tốp người Trung Quốc mang balô đến vỗ vào mông, bẹo hông con trâu bờm rồi đi vòng quanh xem chiều dọc, bề ngang con trâu.

Anh Sền bảo họ vỗ mông, bẹo hông con trâu để biết trâu gầy, béo cỡ nào. Đi vòng quanh ngắm nhìn chiều dọc, bề ngang con trâu để “cầm” cân (ước lượng trọng lượng) rồi họ mới ra giá. Bên bán ưng thì bên mua xuống tiền.

“Hầu hết trâu ở “sàn giao dịch” này được bán đứng như vậy. Đây là sàn giao dịch trâu di động thu hút người mua kẻ bán đến từ nhiều huyện, tỉnh vùng Tây Bắc. Hai bên bán và mua đều “cầm” cân khá chuẩn, nếu có sai thì chỉ số sai lệch từ 0,5-1kg là cùng rồi cứ tính giá mặt bằng 220.000 đồng/kg mà quyết” – anh Sền giải thích.

Con trâu này đã được mua và lái buôn đếm tiền giao cho chủ trâu – Ảnh: V.T.

Chợ “xóa đói giảm nghèo”

Lách qua những đám đông đang đếm tiền và dắt trâu, tôi đến bên một người Mông vừa đón chú trâu bờm do vợ dắt từ trong bản ra.

Anh giới thiệu: “Mình là Giàng Seo Pùa, ở xã Xín Chải, huyện “Si” (Si Ma Cai). Bản mình cách đây 5km. Mình đi xe máy xuống chợ sớm để xem giá cả mặt bằng của chợ, vợ dắt bộ trâu ra sau là vừa lúc chợ đông, dễ bán”.

Trước đây, do không có việc làm nên phiên chợ trâu nào anh Pùa cũng xuống núi đi xem. Thấy một số dân bản khác mua trâu gầy về nuôi. Vài ba tháng sau khi vỗ béo xong lại dắt trâu ra bán kiếm được 4-5 triệu đồng nên anh cũng làm theo.

Anh Pùa kể mẹo vỗ béo trâu gầy: “Mùa đông hiếm cỏ voi thì mình gieo hạt ngô, nhưng gieo thật dày cốt không cho cây ngô ra bắp để biến ngô thành cỏ kết hợp với cám ngô. Trâu quen dùng hai loại thức ăn này nhanh lên cân lắm”.

Phiên chợ nào không gặp trâu gầy thì anh Pùa mua nghé về nuôi, nhưng theo anh, hời nhất là mua được trâu què do bị ngã trên núi hoặc trâu ốm.

Trâu loại này nếu bình thường có giá 20 triệu đồng/con, nhưng giờ trâu gặp nạn chỉ cần trả 8 triệu đồng họ cũng bán. Đem về chăm sóc, vỗ béo lại dắt ra chợ bán thế nào cũng có lời.

“Trước đây chưa có “sàn giao dịch” này nên dân thường bán trâu cho lái trâu lùng sục tận bản. Lái buôn được dịp ép giá nên dân không được lời nhiều. Giờ dắt trâu ra chợ là có giá sàn giao dịch, khách nhìn thích mắt thì mình bán, không bán thì đổi trâu thịt lấy trâu cày hoặc trâu giống về cho nó sinh sản cũng tốt. Rồi khi cần tiền làm nhà, cưới vợ cho con mình lại dắt trâu ra chợ bán. Từ những con trâu này mình đã sắm được xe máy, làm được nhà đẹp nhất nhì trong bản rồi đấy” – anh Pùa khoe.

Chuyện làm ăn của anh Pùa được ông Giàng A Dơ – phó chủ tịch UBND xã Cán Cấu – đúc kết là “mũi nhọn” kinh tế của xã từ năm 2004 đến nay. Theo ông Giàng A Dơ, xã Cán Cấu có 489 hộ (2.525 nhân khẩu) chỉ độc canh nghề cày ruộng.

Năm 2000, chợ trâu Cán Cấu xuất hiện kéo theo 75% số hộ biết đến nghề chăn nuôi và kinh doanh trâu. Do nghề phù hợp và kiếm ra tiền nên từ chăn nuôi theo kiểu thả rông nay dân bản có ý thức chăn nuôi bằng chuồng trại, biết trồng cỏ voi, “cỏ” ngô và biết chống rét bảo vệ đàn trâu. “Dân bản ở xã chúng tôi giờ nuôi đủ các loại trâu từ trâu cày kéo, trâu sinh sản đến trâu thịt.

Giờ đây đường sá tốt nên chúng tôi khuyến khích dân theo nghề nuôi trâu để kinh doanh. Các hộ tái gia (mới lập gia đình) rồi cũng sẽ theo cha mẹ để phát triển nghề mũi nhọn này.

Ngoài nghề này, chợ trâu còn có dịch vụ dắt trâu cho các lái buôn, mỗi người dắt một con đi 10km được 150.000 đồng. Riêng cái “sàn giao dịch” chợ trâu này mỗi năm xã thu gần 100 triệu đồng tiền vé vào chợ, tăng thêm ngân sách cho xã”.

Bàn thêm về vị thế của chợ trâu, ông Dơ nói: “Mỗi năm hết mùa cày bừa gặt hái là đến mùa chợ trâu. Có phiên chợ trâu mua bán trên 1.000 con. Chợ trâu này là chợ “cửa khẩu” của nhiều huyện và tỉnh bạn. Mỗi phiên chợ thu hút hàng tỉ đồng. Nhìn lái buôn mang balô đựng tiền thì biết chứ chưa cần phải đếm trâu rồi quy ra tiền”.


VŨ TOÀN