Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám mục Bắc Phi về Roma thăm Toà Thánh

VATICAN – Trong buổi tiếp kiến 10 GM thuộc các nước Bắc Phi sáng hôm qua, 2-3, ĐTC nhiệt liệt khích lệ các Giáo Hội địa phương tăng cường đối thoại liên tôn và các hoạt động bác ái. Các GM thuộc HĐGM Bắc Phi, gọi tắt là Cerna, về Roma hành hương, viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Toà Thánh.

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám mục Bắc Phi về Roma thăm Toà Thánh
 
VATICAN – Trong buổi tiếp kiến 10 GM thuộc các nước Bắc Phi sáng hôm qua, 2-3, ĐTC nhiệt liệt khích lệ các Giáo Hội địa phương tăng cường đối thoại liên tôn và các hoạt động bác ái.

Các GM thuộc HĐGM Bắc Phi, gọi tắt là Cerna, về Roma hành hương, viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Toà Thánh. Giáo hội Công giáo tại 4 nước ở miền Bắc Phi chỉ là một đoàn chiên rất bé nhỏ, toàn là người nước ngoài, giữa đại đa số dân theo Hồi giáo.

Trong bài huấn dụ trao cho các GM tại buổi tiếp kiến, ĐTC nhận xét: “Đối thoại liên tôn là một phần quan trọng trong đời sống các giáo phận của anh em. Cả trong lĩnh vực này, đức bác ái với tinh thần sáng tạo biết mở ra vô số những con đường để mang tinh thần của Tin Mừng vào trong các nền văn hoá và các môi trường xã hội rất khác nhau. Anh em biết rõ sự ngộ nhận nhau là nguồn mạch gây ra bao nhiêu hiểu làm và nhiều khi đưa đến xung đột.”

ĐTC Phanxicô nhắc lại lời ĐGH Bênêđictô XVI trong Tông huấn “Africae Munus”, các nghĩa vụ của Phi châu: “Nếu tất cả chúng ta, những người tin nơi Thiên Chúa, ước muốn phục vụ hoà giải, công lý và hoà bình, chúng ta phải cùng nhau hoạt động để bài trừ mọi hình thức kỳ thị, bất bao dung, tôn giáo cực đoan” (số 94). Liều thuốc hữu hiệu nhất chống lại mọi hình thức bạo lực chính là giáo dục về sự khám phá và chấp nhận sự khác biệt như một sự phong phú và mang lại nhiều thành quả. Vì thế, điều quan trọng là trong các giáo phận của anh em, các linh mục, nữ tu và giáo dân được huấn luyện về lĩnh vực này.”

ĐTC ca ngợi Giáo Hội tại các nước Bắc Phi, mặc dù nghèo về nhân sự và phương tiện nhưng vẫn muốn phục vụ tất cả mọi người không phân biệt ai. “Với những phương tiện nhiều khi ít ỏi, anh em biểu lộ tình thương của Chúa Kitô và Giáo Hội cho những người nghèo khổ nhất, các bệnh nhân, người già, phụ nữ trong hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu, hoặc các tù nhân. Tôi nồng nhiệt cám ơn anh em vì đã giúp đỡ nhiều người di dân, gốc Phi châu, tìm kiếm nơi các đất nước anh em một nơi chuyển tiếp hoặc sự tiếp đón.”

Tình hình Giáo Hội tại 4 nước Bắc Phi

Đứng đầu danh sách Giáo Hội tại 4 nước Bắc Phi là Algéri rộng gần 2.400.000 cây số vuông với 37.500.000 dân, trong số này chỉ có 9.000 tín hữu Công giáo gồm 4 giáo phận, họp thành một giáo tỉnh Algéri.

Tiếp đến là Libya, rộng 1.700.000 cây số vuông, nhưng chỉ có 6.500.000 dân cư, trong số này hiện nay chỉ còn lại từ 2.000 đến 3.000 tín hữu Công giáo, họp thành 2 giáo phận đại diện Tông toà Tripoli và Bengasi. Dưới thời nhà độc tài Ghedafi, tại đây có 150.000 tín hữu, hầu hết là các công nhân di dân. Trong buổi gặp gỡ hôm qua (2-3), ĐTC đặc biệt cám ơn hai vị giám mục và một vài linh mục nhất quyết ở lại nước này, mặc dù tình hình khó khăn và đầy nguy hiểm.

Thứ ba là Vương quốc Maroc, rộng 460.000 cây số vuông với 32.500.000 dân cư, trong số này có khoảng 30.000 tín hữu Công giáo, tất cả là người ngoại quốc, họp thành 2 Tổng Giáo phận Rabat và Tangeri.

Sau cùng là nước Tunisi rộng 163.000 cây số vuông với 9 triệu dân cư, trong đó có 25.000 tín hữu Công giáo họp thành 1 giáo phận là Tunis.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Đức cha Vencent Landel, TGM Giáo phận Rabat, Maroc, Chủ tịch HĐGM Bắc Phi, cho biết thách đố chính của Giáo hội Công giáo tại miền này là đối thoại với Hồi giáo. Ngài nói: “Chúng tôi sống yên hàn và thanh thản với người Hồi giáo tại Maroc, Algéri và Tunisi… Tuy nhiên, tình hình tại Libya thật là bi thảm sau những biến cố gần đây, hầu hết các tín hữu Kitô, như người Philippines hoặc Trung Đông đã phải ra đi. Tại thủ đô Tripoli chỉ còn lại Đức cha Martinelli và một nhóm nhỏ người Philippines. Toàn nước Libya chỉ còn lại 4, 5 Linh mục.” (SD 28-2-2015)