10/01/2025

Xét tuyển ĐH, CĐ 2015: Cân nhắc nguyện vọng 1

Số liệu tuyển sinh trong nhiều năm gần đây cho thấy số lượng thí sinh đăng ký thi ĐH, CĐ liên tục giảm, tiệm cận với số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT hằng năm.

 

Xét tuyển ĐH, CĐ 2015: Cân nhắc nguyện vọng 1

 

Số liệu tuyển sinh trong nhiều năm gần đây cho thấy số lượng thí sinh đăng ký thi ĐH, CĐ liên tục giảm, tiệm cận với số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT hằng năm. 

 

 

Ảnh: Như Hùng, Đồ họa: N.Kh.

Điều này là minh chứng cho tính hợp lý khi hợp nhất kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ với kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Một kỳ thi nhằm hai mục tiêu: xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ dù đã được dự kiến từ gần 10 năm trước đây nay mới được triển khai thực tế.

Tuy nhiên, việc hợp nhất hai kỳ thi đã tồn tại song hành hàng chục năm qua thành một kỳ thi duy nhất không tránh khỏi những thay đổi trong khâu tổ chức thi, coi thi và đặc biệt là khâu xét tuyển.

Khác với kỳ thi ĐH, CĐ trước đây, trong năm 2015 sau khi thi THPT quốc gia, thí sinh chưa tốt nghiệp (đang học lớp 12) sẽ được xét tốt nghiệp THPT.

Sau đó, các thí sinh đã được công nhận tốt nghiệp sẽ dùng kết quả có được của các môn thi để đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào các trường ĐH, CĐ.

Như vậy, khâu thi và khâu xét tuyển đã được tách biệt hoàn toàn, tạo nên tính khách quan hơn cho kỳ thi THPT quốc gia.

Đây là điểm khác biệt lớn so với những năm trước khi còn hai kỳ thi riêng biệt, khi đó thí sinh phải đăng ký thi vào một trường ĐH, CĐ cụ thể, thậm chí ngay cả trước khi đăng ký thi tốt nghiệp THPT.

Xét tuyển như thế nào?

Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, sau khi có kết quả thi, mỗi thí sinh được cấp bốn giấy chứng nhận kết quả thi, trong đó có một giấy dùng để xét tuyển sinh nguyện vọng (NV) 1 và ba giấy dùng để xét NV bổ sung.

Căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định, các trường công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường và tổ chức xét tuyển theo lịch của bộ.

Trong thời gian do Bộ GD-ĐT quy định, thí sinh dùng bản chính giấy chứng nhận kết quả xét tuyển cho xét tuyển NV1 để ĐKXT NV1.

Trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ ĐKXT để nộp vào trường khác. Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường, hội đồng tuyển sinh trường xem xét, quyết định phương án điểm trúng tuyển.

Thí sinh đã trúng tuyển NV1 không được ĐKXT ở các đợt xét tuyển tiếp theo. Nếu không trúng tuyển theo NV1, thí sinh dùng ba bản chính giấy chứng nhận ĐKXT xét NV bổ sung để ĐKXT NV này. Kết thúc mỗi đợt xét tuyển NV bổ sung, thí sinh không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ xét tuyển để xét tuyển đợt tiếp theo. Điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước.

Cũng theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ, các trường xét tuyển phải cập nhật dữ liệu ĐKXT vào trường lên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia, ba ngày một lần công bố trên trang thông tin điện tử của trường danh sách các thí sinh ĐKXT xếp theo kết quả thi từ cao xuống thấp.

Điều này rất có lợi cho thí sinh vì thí sinh có thể dự đoán được phần nào khả năng trúng tuyển của mình nếu theo dõi sát các thông tin xét tuyển của ngành mà mình đã đăng ký.

Những điểm cần chú ý khi ĐKXT

1. Không trúng tuyển NV1 mới được ĐKXT NV bổ sung

Cần lưu ý là chỉ khi nào không trúng tuyển NV1, thí sinh mới được quyền sử dụng các giấy chứng nhận kết quả thi còn lại để ĐKXT NV bổ sung. Tất nhiên chẳng thí sinh nào “mong muốn” rớt NV1 để có được ba NV bổ sung tiếp theo.

Đây là quy định “cứng”, nhưng thật ra cũng chỉ tương đương việc thí sinh phải đăng ký thi cụ thể ở một trường ĐH hoặc CĐ nào đó trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây.

Khi đó ngành mà thí sinh đăng ký dự thi lúc ban đầu chính là NV1, nếu thí sinh trúng tuyển sẽ được cấp giấy báo trúng tuyển, chỉ khi nào thí sinh không trúng tuyển NV1 và có điểm thi từ mức điểm sàn trở lên mới được cấp ba giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển các NV bổ sung.

2. Chọn NV1 theo sở thích nhưng phải phù hợp với điểm thi

Điểm thuận lợi nhưng cũng là thách thức cho thí sinh năm nay khi ĐKXT là thí sinh đã biết điểm thi của mình rồi mới ĐKXT.

Theo dự kiến, sau khi có kết quả thi Bộ GD-ĐT sẽ công bố phổ điểm thi của thí sinh trên cả nước. Căn cứ trên chỉ tiêu tuyển sinh của trường, tham khảo phổ điểm thi của thí sinh trên cả nước, hội đồng tuyển sinh trường sẽ công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển NV1 của tổ hợp các môn thi xét tuyển vào các ngành của trường.

Thực tế của nhiều năm tuyển sinh ĐH vừa qua cho thấy những trường ĐH lớn, những ngành hấp dẫn thu hút nhiều thí sinh thường tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ đợt xét tuyển NV1 và không xét tuyển NV bổ sung. Do đó nếu không trúng tuyển NV1 vào những trường này thì cơ hội quay lại xét tuyển bằng NV bổ sung là hoàn toàn không thể.

Vì vậy thí sinh cần hết sức cân nhắc khi đăng ký NV1 sao cho khả năng trúng tuyển theo NV này là cao nhất. Số liệu tuyển sinh ĐH những năm trước đây cho thấy sau đợt xét tuyển NV1, ngoài việc các trường lớn và các ngành thu hút thí sinh giỏi thường tuyển đủ 100% chỉ tiêu như đã nói ở trên, nói chung có khoảng 70% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH đã được xét tuyển, 30% chỉ tiêu còn lại thường nằm ở các trường ĐH địa phương, các trường ngoài công lập và các ngành khó tuyển (ít thu hút thí sinh).

3. Cơ hội cho NV bổ sung

Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2015, khi đăng ký NV bổ sung thí sinh có thể ĐKXT tối đa vào ba trường khác nhau ở mỗi đợt xét tuyển. Trước đây ở kỳ thi “ba chung”, thí sinh có thể đăng ký dự thi tối đa hai khối thi ở hai đợt thi ĐH khác nhau, mỗi khối vào một ngành của một trường, nếu không trúng tuyển thí sinh phải tham gia xét tuyển các đợt bổ sung.

Như vậy so với quy định xét tuyển của kỳ thi “ba chung”, việc xét tuyển NV bổ sung năm 2015 đã tăng cơ hội rất nhiều cho thí sinh, vì trong mỗi lần xét tuyển NV bổ sung thí sinh được phép đăng ký bốn ngành khác nhau vào cùng một trường, nghĩa là thí sinh chỉ cần thi một lần trong kỳ thi THPT quốc gia, nếu không trúng tuyển theo NV1 thì sẽ có đến ba NV bổ sung “lớn”, trong đó chứa đến 12 NV bổ sung “nhỏ”.

Dẫu có quy định là kết thúc mỗi đợt xét tuyển NV bổ sung, thí sinh không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ để ĐKXT đợt tiếp theo, nhưng trên thực tế việc rút – nộp hồ sơ chưa chắc thuận tiện cho thí sinh, nhất là các thí sinh ở xa.

Và hơn nữa như đã trình bày, thật ra cơ hội cho NV bổ sung của thí sinh đã bị thu hẹp về chỉ tiêu, về số lượng trường và ngành. Điều này một lần nữa khẳng định thí sinh cần phải cân nhắc thận trọng khi ĐKXT ngay từ NV1.


TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA (phó giám đốc ĐHQG TP.HCM)