10/01/2025

Lại rộ lên nạn lừa đảo trúng thưởng

Mặc dù cơ quan chức năng đã xử lý nhiều đối tường lừa đảo, nhưng không ít người dùng điện thoại vẫn bị trò “ông chú Viettel” đưa vào tròng…

 

Lại rộ lên nạn lừa đảo trúng thưởng

 

Mặc dù cơ quan chức năng đã xử lý nhiều đối tường lừa đảo, nhưng không ít người dùng điện thoại vẫn bị trò “ông chú Viettel” đưa vào tròng…

 

 

 

 

Bị nhiễm virút, một tài khoản Facebook bị biến thành công cụ giăng bẫy của kẻ lừa đảo – Ảnh: Đ.T.

Những ngày gần đây, Tuổi Trẻ tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp bạn đọc phản ảnh bị lừa đảo trên các ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tango…Nhiều người đã bị lừa mất tiền lên đến hàng triệu đồng.

Tưởng như sau khi cơ quan chức năng bắt một số đối tượng lừa đảo người dùng di động bằng trò “ông chú Viettel”, vấn nạn sẽ thuyên giảm ít nhiều. Thế nhưng thực tế người dân hằng ngày vẫn phải đối mặt với những “con cháu” và các loại bà con họ hàng khác của “ông chú” này

Chúng ngang nhiên hoành hành trên điện thoại di động, trên các mạng xã hội, các ứng dụng smartphone, thách thức các cơ quan quản lý nhà nước.

Bà con “ông chú Viettel”

Đang cần tiền tiêu tết, chị Tuyết Mai, chủ nhân thuê bao 094606xxxx, bất ngờ nhận được một tin nhắn thông báo trúng thưởng chiếc xe máy Yamaha qua chương trình khuyến mãi xuân của ứng dụng Zalo cài sẵn trên điện thoại. Bán tín bán nghi nên chị quyết định tìm hiểu bằng cách truy cập trang web nêu trong tin nhắn để… kiểm tra.

“Tôi thấy nội dung họ ghi rõ ràng, có giấy chứng nhận, có cả số điện thoại và địa chỉ liên lạc, với lại thủ tục nhận thưởng dễ hiểu nên tôi mạnh dạn thử xem sao” – chị Mai kể lại. Đến khi đã lỡ “cống nộp” 500.000 đồng tiền thẻ cào, chị Mai mới thắc mắc với người thân và biết mình bị lừa.

Tương tự, sinh viên V. (đề nghị không nêu tên) đã bị mất 2 triệu đồng với kiểu lừa gần giống như trên. V. cho biết có chơi game dạng ứng dụng trên mạng xã hội Facebook và nhận được tin nhắn chat gửi đến tài khoản thông báo đã trúng thưởng chương trình bốc thăm may mắn của trò chơi.

V. tin mình trúng thật vì ngay trong trò chơi cũng hay có những chương trình khuyến mãi mua sắm vật dụng chơi game hoặc tiền giao dịch trong game. Kết quả V. đã mất 2 triệu đồng đánh đổi cho ảo tưởng trúng thưởng chiếc xe máy.

Hai trường hợp nêu trên chỉ là điển hình trong số nhiều nạn nhân của những trò lừa đảo đang giăng bẫy khắp các trang mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin di động: Facebook Messenger, Zalo, Tango…

Các chiêu lừa đều có điểm chung là đánh vào lòng tham của người dùng bằng cách đem những món tiền lớn, xe máy, xe hơi… từ trên trời rơi xuống ngay trước mắt. Người dùng chỉ cần một thoáng hoa mắt, nhẹ dạ là bị lừa ngay.

Còn nhớ từ nửa cuối năm 2014, trò lừa nạp tiền điện thoại một được mười của “ông chú Viettel” đã gây sóng gió với người dùng.

Nhờ mạng xã hội Facebook, “ông chú” nổi tiếng như “lên đồng” và đã có rất nhiều người bị lừa. Việc “ông chú Viettel” được bạn đọc báo Tuổi Trẻ bình chọn là sự kiện xấu xí nhất của làng công nghệ thông tin – viễn thông VN năm 2014 đủ để nói về sự phổ biến kinh hoàng của trò lừa đảo này.

Trên Facebook hiện nay vẫn đang xuất hiện hành vi của những “ông cháu” khác hòng dụ dỗ những người dùng nhẹ dạ cả tin.

Thách thức cơ quan chức năng

Đầu năm 2015, công an đã bắt nhiều đối tượng sử dụng chiêu thức “ông chú Viettel” để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dùng. Các đối tượng đều tận dụng những kênh thông tin có đông đảo người tham gia như mạng xã hội hay ứng dụng nhắn tin miễn phí trên điện thoại di động.

Chúng còn lập các trang web giả mạo và phát tán virút cướp tài khoản Facebook của nhiều người dùng để dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo. Theo cơ quan công an, những kẻ lừa đảo trên đã chiếm đoạt hơn nửa tỉ đồng của người dân chỉ trong thời gian rất ngắn.

Rõ ràng, dù cơ quan chức năng đã xử phạt nhưng có vẻ không đủ sức làm chùn tay những kẻ lừa đảo. Bằng chứng là chúng vẫn đang hoành hành trong thế giới ảo, ngang nhiên thách thức pháp luật.

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy những kẻ lừa đảo rất dễ dàng giăng hàng trăm, hàng nghìn cái bẫy chỉ với vài cú kích chuột trên mạng và chỉ cần một vài nạn nhân sập bẫy, chúng có thể trục lợi hàng triệu đồng.

Lừa đảo dễ kiếm tiền trong khi công tác quản lý không chặt chẽ, xử phạt thiếu răn đe đang khiến người dùng luôn phải đối mặt hiểm hoạ.

Ông Ngô Trần Vũ, giám đốc điều hành Công ty bảo mật NTS Security, đề xuất: “Cơ quan chức năng phải sớm nâng hình phạt nghiêm minh cho tội phạm Internet. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông và các công ty an ninh mạng phải chung tay cập nhật thông tin cảnh báo người dùng. Tội phạm Internet còn rất nhiều thủ đoạn nguy hiểm. Người dùng phải cảnh giác để tránh mất tiền bạc và thông tin cá nhân khi tham gia mạng Internet”.

Về phía người dùng, chuyên gia an ninh mạng cảnh báo: “Những trò lừa nêu trên đều đánh vào lòng tham của con người. Thông thường, bạn không dễ dàng tự nhiên trúng một cái gì đó bao giờ.

Do đó, bạn phải đặc biệt cảnh giác khi nhận những tin nhắn thông báo trúng thưởng. Bạn cần kiểm tra lại thông qua các nguồn thông tin khác hoặc kiểm tra lại với nơi thông báo”.

Người dùng VN dễ bị lừa đảo trực tuyến

Theo kết quả khảo sát “Sự phát triển của các cuộc tấn công lừa đảo từ năm 2011-2013” của Hãng bảo mật Kaspersky Lab, VN là một trong số các quốc gia có tỉ lệ bị lừa đảo qua mạng nhiều nhất hiện nay.

Người sử dụng các dịch vụ của Facebook, Yahoo!, Google và Amazon là những mục tiêu tấn công chính của tội phạm mạng. Số lượng người dùng Internet đối diện với những cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến (phishing) trên toàn cầu tăng từ 19,9 lên 37,3 triệu người, trong đó VN có 1,2 triệu người.

VN cũng nằm trong tốp các quốc gia có số lượng người bị tấn công mạng tăng hơn gấp đôi cùng với Mỹ, Ấn Độ và Đức.

ĐỨC THIỆN