Khai gian để nhận tiền trợ giá xe buýt
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa chính thức có kết luận thanh tra về công tác trợ giá xe buýt đưa rước học sinh….
Khai gian để nhận tiền trợ giá xe buýt
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa chính thức có kết luận thanh tra về công tác trợ giá xe buýt đưa rước học sinh….
Xe đưa rước học sinh tại sân Trường tiểu học Vàm Sát (xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP.HCM) – Ảnh: M.Trường |
Điểm nổi bật là hầu hết doanh nghiệp đều khai gian dối số lượng học sinh đi xe đưa rước để nhận đủ tiền trợ giá xe buýt.
Đoàn thanh tra Sở Giao thông vận tải thực hiện việc thanh tra từ ngày 22-9 đến 21-12-2014 ở 15 doanh nghiệp vận tải thực hiện dịch vụ đưa rước học sinh tại 237 trường học trên địa bàn TP.
Qua đó cho thấy các doanh nghiệp vận tải đều kê khai không chính xác số lượng học sinh đi học bằng xe đưa rước.
Doanh nghiệp nào cũng gian dối
Đứng đầu danh sách đảm nhận đưa rước học sinh nhiều nhất là Hợp tác xã (HTX) vận tải thủy bộ và du lịch Thành Long với 72 trường. Qua xác minh 11 học sinh có tên trong danh sách đi xe đưa rước, các gia đình học sinh hoặc chính bản thân học sinh đều xác nhận không sử dụng dịch vụ xe đưa rước tại trường.
Đứng hàng thứ hai trong dịch vụ đưa rước học sinh là HTX Thanh Sơn đảm nhận 41 trường. Qua kiểm tra xác minh hồ sơ thanh toán tiền ngân sách trợ giá tại 23 trường, làm việc với bảy tài xế và xác minh ở chín học sinh thì một số học sinh cho biết không đi xe buýt nhưng vẫn có tên trong hồ sơ thanh toán.
Xác minh tại Trường THCS Long Hoà do HTX này đảm nhận cũng có 19 học sinh không học chiều thứ sáu nhưng vẫn được thanh toán tiền trợ giá đi xe buýt chiều thứ sáu với số tiền hơn 3 triệu đồng.
Tương tự, kiểm tra hồ sơ thanh toán ngân sách tiền trợ giá tại HTX 15 (đảm nhiệm đưa rước tại 15 trường), HTX vận tải du lịch Tâm Châu (10 trường), Công ty TNHH thương mại – xây dựng – dịch vụ vận tải Lê Trần Thương (bốn trường), HTX vận tải xe buýt và du lịch Quyết Tiến (12 trường) đều có bảng chấm công học sinh đi xe đưa rước không chính xác.
Không chỉ gian dối kê khai không chính xác để hưởng tiền trợ giá đưa rước học sinh, liên danh Công ty TNHH một thành viên sản xuất thương mại dịch vụ Châu Cường và HTX thương mại vận chuyển Phương Lâm còn làm giả hồ sơ để chiếm đoạt tiền trợ giá. Qua xác nhận của hiệu trưởng Trường THCS Độc Lập (Q.Phú Nhuận), năm học 2012-2013, hồ sơ thanh toán tiền trợ giá xe đưa rước học sinh của liên doanh tại trường này có dấu hiệu làm giả.
Cuối năm 2013, thanh tra Sở Giao thông vận tải cũng phát hiện liên doanh nêu trên có dấu hiệu tội phạm tương tự trong việc giả mạo hồ sơ để quyết toán khống việc đưa rước học sinh đi xe buýt tại Trường tiểu học Bàu Sen (Q.5) để chiếm đoạt tiền trợ giá là 214,7 triệu đồng, thanh tra đã có quyết định chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra.
Chưa làm rõ trách nhiệm quản lý tiền trợ giá
Tháng 4-2014, qua điều tra tình trạng gian dối trong đưa rước học sinh để hưởng tiền trợ giá xe buýt (báo Tuổi Trẻ ngày 19-6-2014), nhóm PV Tuổi Trẻphát hiện chỉ có khoảng 50% số lượng học sinh Trường tiểu học Vàm Sát, Trường tiểu học An Nghĩa và Trường THCS Doi Lầu (huyện Cần Giờ) có đi xe đưa rước, còn lại là số ảo. Kết luận của Sở Giao thông vận tải sau đó cũng xác định có 128 trường (chiếm tỉ lệ 88,89% số trường được thanh tra) có hồ sơ xác định số lượng học sinh đi xe đưa rước chưa chính xác so với thực tế. Điều này cho thấy tình trạng gian dối để hưởng tiền trợ giá là phổ biến.
Tuy nhiên, trong văn bản kết luận thanh tra ngày 5-2-2015, giám đốc Sở Giao thông vận tải cho rằng trước đây vào tháng 1-2014, vấn đề gian dối trong trợ giá xe buýt đã được tổ chức kiểm điểm, nên không cần thiết xử lý sau khi có kết quả thanh tra đợt mới đây.
Một cán bộ của chính Sở Giao thông vận tải cho rằng kết luận như vậy là chưa ổn, không phải chỉ năm 2013 mà trong suốt năm 2014, các doanh nghiệp vận tải lại tiếp tục bị phát hiện có gian dối tiền trợ giá xe đưa rước học sinh, khiến đơn vị quản lý tiền trợ giá bị bòn rút nhưng rút cuộc không thấy quy trách nhiệm cho ai.
Vị cán bộ này còn cho rằng Sở Giao thông vận tải giao Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng sử dụng tiền trợ giá một cách quá dễ dàng, để các doanh nghiệp vận tải qua mặt.
Theo vị cán bộ này, cơ chế trung tâm ký hợp đồng đặt hàng ba bên gồm: trung tâm (cấp tiền trợ giá), nhà trường (chịu trách nhiệm xác định số lượng học sinh đi xe đưa rước) và doanh nghiệp vận tải (lo số lượng xe).
Trong đó, vấn đề nhà trường thiếu trách nhiệm trong việc xác định, kiểm tra số lượng học sinh, tạo kẽ hở cho doanh nghiệp hưởng tiền trợ giá là rất đáng lưu ý. Nhưng thực tế cho thấy nhà trường không phải là người chịu trách nhiệm chính, cụ thể là không có cán bộ biên chế để chứng thực số lượng học sinh đi xe buýt thật hay ảo.
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cho rằng nguyên nhân chính của các sự việc tiêu cực, thậm chí tham nhũng trong hoạt động trợ giá xe buýt chính là duy trì quá lâu cơ chế bao cấp “xin cho”, dẫn đến xuất hiện lợi ích nhóm, thúc đẩy tính gian dối, thủ tiêu động lực cạnh tranh và tính năng động của một ngành dịch vụ vận tải công cộng chiến lược.
Kinh nghiệm thế giới đã có hàng trăm năm nay luôn nhấn mạnh phải đấu thầu các dịch vụ công. Thế nhưng chúng ta đến nay vẫn chưa thực hiện.
Nguyên nhân tiếp theo là trách nhiệm các đơn vị và phẩm chất các cá nhân liên quan đến công tác quản lý điều hành hoạt động xe buýt. Nếu không chấn chỉnh, dù có trợ giá theo hình thức nào thì ngân sách vẫn thất thoát.
Luật sư VŨ QUANG ĐỨC: Có dấu hiệu vi phạm pháp luật Theo bản kết luận thanh tra được công bố trong 15 doanh nghiệp đưa rước học sinh, chỉ một doanh nghiệp có hồ sơ trợ giá tương đối chính xác, 14 doanh nghiệp còn lại những con số thể hiện trong hồ sơ đều không chính xác. Tương tự, kết quả thanh tra 144 trường có đến 128 trường hồ sơ xác định sản lượng chưa chính xác so với thực tế. Đáng tiếc là kết luận thanh tra chưa làm rõ được thực tế sản lượng đưa rước hằng ngày là bao nhiêu để từ đó tính ra số tiền trợ cấp bị thất thoát. Điều này cho thấy việc thanh tra chưa đạt yêu cầu. Với tỉ lệ sai phạm 14/15 doanh nghiệp, 128/144 trường nhưng số tiền yêu cầu thu hồi chỉ trên 63,5 triệu đồng, tôi e rằng quá thấp. Cần lưu ý, việc liên danh Công ty TNHH một thành viên sản xuất thương mại dịch vụ Châu Cường – HTX thương mại vận chuyển Phương Lâm có hành vi lập hồ sơ giả của Trường tiểu học Bàu Sen để chiếm đoạt tiền trợ giá hơn 214 triệu đồng bị phát hiện năm 2013, không rõ sở xử lý như thế nào mà đến đợt thanh tra 2014 liên danh này lại tiếp tục bị phát hiện giả hồ sơ thanh quyết toán của Trường THCS Độc Lập (Q.Phú Nhuận), chiếm đoạt tiền trợ giá học kỳ 1 năm học 2012-2013 số tiền 76.013.800 đồng. Từ những phân tích trên, tôi cho rằng cần phải điều tra dấu hiệu phạm tội tham ô hoặc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với các vụ gian dối để nhận tiền trợ giá xe buýt. |