08/01/2025

Hướng vốn đầu tư nước ngoài vào công nghệ cao

Dòng vốn đầu tư năm nay đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ vào lĩnh vực công nghệ cao…

 

Hướng vốn đầu tư nước ngoài vào công nghệ cao

 

Dòng vốn đầu tư năm nay đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ vào lĩnh vực công nghệ cao…

 
 

 

 

Công nhân sản xuất tại Công ty gỗ Kaiser, Khu công nghiệp Mỹ Phước 1. Để mở rộng đầu tư, công ty này dự kiến tuyển thêm 1.500 lao động trong năm 2015 – Ảnh: Bá Sơn

Trong những ngày đầu năm Ất Mùi, nhiều địa phương đã công bố hàng loạt dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vừa được cấp phép mới và mở rộng đầu tư. Điều đáng chú ý, dòng vốn đầu tư năm nay đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ vào lĩnh vực công nghệ cao.

Sáng 27-2 tại TP Bà Rịa, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức “Ngày hội đầu tư”, trao giấy chứng nhận cho chín nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng ký 2.600 tỉ đồng.

Tạo điều kiện tốt nhất

Phát biểu với các nhà đầu tư, ông Nguyễn Tuấn Minh, bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết mục tiêu thu hút đầu tư của địa phương là những ngành có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Theo đó, sẽ tập trung thu hút các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ về cơ khí chế tạo, điện, điện tử, hóa chất và các ngành dịch vụ du lịch chất lượng cao gắn với lợi thế của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Trình, chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cũng khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư an tâm triển khai dự án.

Hồ Tràm Strip triển khai xây dựng thêm một khách sạn gần 600 phòng

Tại “Ngày hội đầu tư”, đại diện chủ dự án Hồ Tràm Strip, Công ty TNHH dự án Hồ Tràm đã ký hợp đồng triển khai xây dựng khu A2 trong khu phức hợp giải trí Hồ Tràm với Công ty cổ phần xây dựng Cotec. Giai đoạn này, chủ đầu tư sẽ xây dựng thêm một khách sạn 599 phòng.

Đồng thời yêu cầu các nhà đầu tư đẩy mạnh tiến độ giải ngân dự án và không để tình trạng dự án chậm triển khai, gây bức xúc trong người dân.

Cũng tại buổi lễ, ông Yoshihiro Hatano – tổng giám đốc Công ty cổ phần Hoá chất hiếm VN (VREC, đóng tại Khu công nghiệp Cái Mép, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) – khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất tại địa phương dù nhà máy của giai đoạn 1 mới chỉ bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2015.

“Đất lành chim đậu. Tôi chọn Bà Rịa – Vũng Tàu vì chính quyền tỉnh thân thiết khi tiếp xúc đầu tiên, cơ sở vật chất hạ tầng chu đáo để đón nhà đầu tư, các chế độ chính sách về thuế cũng có ưu đãi cho nhà đầu tư” – ông Hatano nói.

Trong năm 2015, nhà máy của công ty này sẽ sản xuất 2.000 tấn hóa chất/năm và dự kiến đầu tư tiếp cho giai đoạn 2, giai đoạn 3 với công suất nâng lên gấp sáu lần.

Theo ông Yasuzumi Hirotaka – giám đốc điều hành Văn phòng xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP.HCM, năm 2014 đã thông báo hàng loạt cải cách, những thay đổi, bổ sung của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp, sự minh bạch, đơn giản của các thủ tục hành chính đã phần nào đáp ứng được mong đợi của các nhà đầu tư.

Các giải pháp như cắt giảm thời gian thủ tục thuế và hải quan cũng đã được thực hiện. Tuy nhiên qua khảo sát của Jetro, các công ty Nhật Bản hiện vẫn xem VN là nước có thủ tục hành chính phức tạp, hệ thống thuế phức tạp…

Cũng theo ông Hirotaka, tỉ lệ nội địa hoá VN tuy có tăng nhưng vẫn chỉ ở mức 14,4%, trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia từ 21-23%. Ông Hirotaka cho rằng để phát triển công nghiệp hỗ trợ tại VN, việc quan trọng nhất là thu hút các công ty nước ngoài.

Và chính sách của Nhật Bản về hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể là bài học quý cho VN. “Chính quyền nên lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp Nhật Bản và sau đó phải hành động nhanh chóng. Và nên lắng nghe cả ý kiến của các doanh nghiệp đã không đầu tư nữa” – ông Hirotaka đề nghị.

Ông Park Sang Hyup – giám đốc Cơ quan xúc tiến thương mại Hàn Quốc tại TP.HCM – cũng khẳng định trong những năm qua, VN luôn là điểm đến của các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Và để Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những điểm đến của các doanh nghiệp Hàn Quốc như TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương, theo ông Park, tỉnh cần tăng tốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông để thu hẹp khoảng cách vận chuyển đến TP.HCM, đồng thời có biện pháp phát triển, đào tạo nguồn nhân lực cũng như thủ tục hành chính công đơn giản.

Liên kết, tạo chuỗi giá trị gia tăng

Chỉ trong hai tháng đầu năm 2015 (tính đến ngày 15-2-2015), TP.HCM cũng có 20 dự án FDI tăng vốn với số vốn tăng thêm là 84,5 triệu USD, tăng bảy dự án và 48 triệu USD so với cùng kỳ năm 2014. Ngoài ra có 41 dự án cấp mới với số vốn đăng ký gần 422 triệu USD.

Trao đổi với chúng tôi, ông C.K.Kim, tổng giám đốc Công ty TNHH Nobland VN (thuộc Tập đoàn Nobland International Inc, Hàn Quốc chuyên về may mặc), cho biết kế hoạch gia tăng vốn đầu tư với 24 chuyền may mới đã được tiến hành. Hiện công ty này đang ráo riết tuyển thêm 2.000 công nhân mới để vận hành các dây chuyền sau khi tăng vốn.

Đặc biệt, theo ông Kim, kế hoạch tăng vốn mở rộng dây chuyền sản xuất lần này được TP cấp phép rất nhanh vì doanh nghiệp cam kết đưa công nghệ tiên tiến vào hoạt động.

Theo ông Vũ Văn Hòa – trưởng Ban quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp TP.HCM (Hepza), trong năm 2015 TP.HCM tiếp tục chú trọng thu hút đầu tư FDI vào những ngành công nghệ cao, những doanh nghiệp có kỹ thuật tiên tiến.

Bốn ngành mũi nhọn vẫn được chú trọng hiện nay là điện tử, cơ khí, hóa dược và lương thực thực phẩm – chế biến tinh. Đồng thời chú trọng thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

“Để làm được điều này, chúng tôi đang chủ động liên kết doanh nghiệp phụ trợ trong nước và nước ngoài để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng của ngành công nghiệp phụ trợ. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ từ trung ương tới địa phương cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp phụ trợ đang được tiến hành.

Như TP.HCM đã dành 250ha đất ở tám khu công nghiệp trọng điểm để các doanh nghiệp hỗ trợ vào đầu tư. Ngoài ra TP còn xây thí điểm bốn nhà xưởng cao tầng ở các khu công nghiệp – khu chế xuất Linh Trung, Tân Tạo, Hiệp Phước và Đông Nam” – ông Hoà nói.

Đặc biệt, theo ông Hoà, hiện dòng vốn FDI đang được “nắn” lại tập trung vào các doanh nghiệp có kỹ thuật tiên tiến, bảo vệ môi trường và ít thâm dụng lao động.

“Chẳng hạn, bảy dự án FDI thâm dụng lao động, hoạt động không hiệu quả tại Khu chế xuất Linh Trung đã phải chuyển về các địa phương khác, nhường đất cho các doanh nghiệp có kỹ thuật tiên tiến đến từ Nhật Bản. Mỗi doanh nghiệp chuyển đi nhường lại quỹ đất 1-2ha cho các doanh nghiệp mới hoạt động hiệu quả hơn.

Tôi đề nghị các khu công nghiệp, khu chế xuất của TP cần lấy xu hướng chuyển dịch này ở Linh Trung để có kế hoạch chuyển hướng thu hút đầu tư mới nhắm vào các doanh nghiệp có công nghệ cao, tiên tiến” – ông Hoà nhấn mạnh.

Thêm 179,7 triệu USD vốn FDI vào Bình Dương

Theo Sở Kế hoạch – đầu tư Bình Dương, từ đầu năm đến nay (ngày 25-2) có tổng cộng 179,7 triệu USD vốn FDI được đầu tư vào tỉnh này. Trong đó có 20 dự án cấp mới với 68,5 triệu USD, 16 dự án được mở rộng đầu tư với 111,2 triệu USD.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Công ty cổ phần công nghiệp gỗ Kaiser (vốn FDI Đài Loan, Khu công nghiệp Mỹ Phước 1) cho biết sau 10 năm hoạt động tại VN, toàn bộ khuôn viên 30ha của công ty đã xây dựng hết, hiện công ty đang tìm kiếm thuê thêm một khu đất mới, tăng số lượng công nhân từ 6.000 người hiện tại lên 7.500 công nhân trong năm 2015…

Tại Công ty lốp Kumho VN, thị xã Bến Cát, ông Kim Huyn Ho – tổng giám đốc cấp cao công ty – cho biết ngay từ tháng 1-2015 công ty đã bắt đầu triển khai mở rộng nhà máy. Cả hai giai đoạn tăng thêm 17,8 triệu USD sẽ được tiến hành xong trong năm 2015, nâng công suất của công ty thêm 1 triệu lốp xe/năm, tạo việc làm cho hơn 2.200 lao động trực tiếp và gián tiếp.

Tại Công ty TNHH Panko Vina (vốn Hàn Quốc, chuyên lĩnh vực dệt may, Khu công nghiệp Mỹ Phước 1), đại diện công ty cho biết trong năm 2014 đã xây dựng xong một xưởng dệt và 24 chuyền may nhưng công ty vẫn có nhu cầu mở rộng kinh doanh.

Do quỹ đất hiện tại đã được xây dựng hết nên công ty đang có kế hoạch đầu tư 100 triệu USD để mở rộng quy mô nhà máy thêm 100ha, riêng trong năm 2015 sẽ tuyển thêm 1.500 lao động…

BÁ SƠN

ĐÔNG HÀ – ĐÌNH DÂN