09/01/2025

Cần bảo vệ người Việt bị lừa trồng cần sa ở Anh

Câu chuyện trẻ em Việt làm nô lệ trong các xưởng cần sa ở Anh – cũng như các biện pháp bảo vệ chưa đủ mạnh đối với những nạn nhân này – đã không còn mới.

 

Cần bảo vệ người Việt bị lừa trồng cần sa ở Anh

 

Câu chuyện trẻ em Việt làm nô lệ trong các xưởng cần sa ở Anh – cũng như các biện pháp bảo vệ chưa đủ mạnh đối với những nạn nhân này – đã không còn mới.

 

 

Một xưởng cần sa trái phép ở Anh - Ảnh: Hiệp hội Cảnh sát trưởng Anh

Một xưởng cần sa trái phép ở Anh – Ảnh: Hiệp hội Cảnh sát trưởng Anh

Ngày 26.2, Hãng tin Reuters có bài phóng sự về số phận của hàng ngàn trẻ em Việt bị bán sang Anh và bị đối xử như nô lệ khi làm việc tại các xưởng cần sa trái phép.
Bị giam cầm như nô lệ
Trong bài phóng sự, Reuters trích dẫn số liệu của Bộ Nội vụ Anh cho biết có khoảng 13.000 nạn nhân nô lệ ở Anh vào năm 2013; hầu hết những người này đến từ Albania, Nigeria, Romania và VN. Nhiều trẻ em VN phải vượt hàng ngàn dặm bằng tàu thuyền, xe tải, hay đi bộ trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, để vượt biên sang Anh. Khi đã đến Anh, trẻ em Việt bị giam cầm như nô lệ và phải làm việc trong các xưởng cần sa đặt ngay trong những ngôi nhà được trang bị hệ thống sưởi hiện đại cùng đèn cao áp. Những trẻ em người Việt này không còn cách nào khác là phải làm việc quần quật để trả hết số nợ gia đình đã vay làm chi phí sang Anh. Có người nợ đến 46.000 USD (khoảng 1 tỉ đồng).
Thực ra, câu chuyện trên không có gì mới và đã được báo chí Anh lẫn quốc tế đưa tin thường xuyên trong những năm vừa qua. Thế nhưng, điều đáng quan ngại là cũng trong suốt khoảng thời gian đó, luật pháp của nước Anh chưa có những biện pháp bảo vệ cần thiết đối với những nạn nhân người Việt tại các xưởng cần sa nói trên. Cụ thể, hầu hết sau mỗi đợt truy quét các xưởng cần sa, các cơ quan có thẩm quyền tại Anh thường đối xử với các đối tượng người Việt như là tội phạm hơn là nạn nhân. Trong khi theo các tổ chức hoạt động vì nhân quyền tại Anh, tuyệt đại đa số những người Việt đó hoặc bị ép buộc, hoặc bị lừa vào làm việc cho những mạng lưới tội phạm trồng cần sa tại nước này.
Các tổ chức nhân quyền cùng nhiều luật sư tại Anh rất bất bình với việc một người Việt là nạn nhân của các băng nhóm buôn người nhưng lại còn phải chấp hành án phạt tù tại Anh. Luật sư Nadine Finch, người đã giúp bào chữa cho 3 trẻ em người Việt khỏi phải ngồi tù vào năm 2013, nói: “Việc phạt tù các nạn nhân bị ép trồng cần sa là cứng nhắc và không hợp lý. Thậm chí, ngay cả những người trên 18 tuổi bị ép đưa vào các đường dây trồng cần sa cũng cần được pháp luật Anh bảo vệ nhiều hơn”. Các luật sư và tổ chức nhân quyền cũng cho rằng theo quy định hiện tại, sau khi chấp hành án tù, các nạn nhân người Việt được hỗ trợ một số tiền để trở về nước, trong khi lẽ ra chính phủ Anh phải có trách nhiệm nhiều hơn trong việc bảo vệ những nạn nhân này khỏi những băng nhóm buôn người luôn rình rập họ trở lại.
Cải tổ
Ngày 25.2, Hạ viện Anh đã thông qua việc cải tổ một đạo luật, quy định bắt buộc thực hiện quyền bảo vệ pháp lý cho các trẻ em là nạn nhân của các băng nhóm buôn người. Theo đó, những nạn nhân này sẽ được hỗ trợ về mặt giáo dục, y tế, pháp lý và các nhu cầu thiết yếu khác để có thể bắt đầu cuộc sống mới. Theo các tổ chức nhân quyền, đây là tin vui cho các nạn nhân trồng cần sa tại Anh, trong đó có cả trẻ em VN.
Tuy nhiên, bà Bharti Patel, Giám đốc tổ chức Chống mại dâm trẻ em, khiêu dâm trẻ em và buôn trẻ em vì mục đích tình dục ở Anh (ECPAT UK), nói: “Tôi cho là dự luật trên vẫn chưa đủ mạnh. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động để có được những chế độ đãi ngộ đặc biệt hơn cho các nạn nhân buôn người”. Cũng theo các tổ chức nhân quyền, việc tăng cường bảo vệ cho các nạn nhân trên 18 tuổi là cần thiết vì nhóm người này cũng đối diện những nguy cơ tương tự: bị lừa hoặc bị ép buộc vào làm việc tại các xưởng cần sa tại Anh.
Theo Hãng tin Reuters, mặc dù bị coi là phạm pháp từ năm 1928, nhưng hiện nay cần sa vẫn là thứ ma tuý phổ biến nhất ở Anh. Theo số liệu cảnh sát Anh cung cấp, hầu hết cần sa tiêu thụ ở Anh là trồng ở trong nước. Mỗi năm, có tới 2,7 triệu người tiêu thụ hơn 1.000 tấn cần sa với tổng giá trị khoảng 5,9 triệu bảng Anh (9,17 triệu USD).
(*) Bài viết riêng cho Thanh Niên

 

Calvin Godfrey 
(nhà báo tự do người Mỹ) (*)