26/11/2024

5 điểm mấu chốt của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ

Chiều 26-2, Bộ GD-ĐT đã chính thức ban hành hai quy chế thi năm 2015, gồm quy chế kỳ thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy.

 

5 điểm mấu chốt của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ

 

Chiều 26-2, Bộ GD-ĐT đã chính thức ban hành hai quy chế thi năm 2015, gồm quy chế kỳ thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy. 

 

 

 

 

Học sinh lớp 12A15 Trường THPT Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM đăng ký môn thi tốt nghiệp năm 2015 – Ảnh: Như Hùng

Tuổi Trẻ giới thiệu những nội dung đáng chú ý của hai quy chế quan trọng này.

1. Ai đủ điều kiện tham gia tuyển sinh ĐH, CĐ?

Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy 2015, thí sinh muốn tham gia tuyển sinh vào ĐH, CĐ thì tính đến thời điểm xét tuyển phải đảm bảo đã tốt nghiệp THPT (theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên) hoặc đã tốt nghiệp trung cấp (trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề).

Riêng với người tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT phải học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa trong chương trình giáo dục THPT theo quy định của Bộ GD-ÐT.

Với những trường, ngành có quy định về tuổi (ví dụ ngành công an, quân đội…), thí sinh phải đảm bảo đang trong độ tuổi được quy định. Nếu đăng ký xét tuyển hoặc dự thi vào các trường có quy định vùng tuyển, thí sinh bắt buộc phải có hộ khẩu thường trú thuộc vùng tuyển quy định.

Quân nhân hoặc công an nhân dân tại ngũ chỉ được dự tuyển vào những trường do Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an quy định sau khi đã được cấp có thẩm quyền cho phép đi học.

Quân nhân tại ngũ sắp hết hạn nghĩa vụ quân sự, nếu được thủ trưởng từ cấp trung đoàn trở lên cho phép, sẽ được dự tuyển theo nguyện vọng cá nhân. Các trường hợp này khi trúng tuyển phải nhập học ngay năm đó, không được bảo lưu sang năm học sau.

Hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015 gồm:

* Phiếu đăng ký xét tuyển có ghi rõ đợt xét tuyển, cho phép thí sinh đăng ký tối đa bốn ngành (hoặc nhóm ngành) của một trường cho mỗi đợt xét tuyển. Các nguyện vọng này được xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.

* Bản chính giấy chứng nhận kết quả thi tương ứng với đợt xét tuyển (nguyện vọng 1 hay nguyện vọng bổ sung).

* Một phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh để trường thông báo kết quả xét tuyển.

2. Phải dùng bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển

Trong tuyển sinh “ba chung” trước đây, Bộ GD-ĐT từng cho phép các trường ĐH, CĐ có thể chủ động chọn lựa việc xét tuyển nguyện vọng bổ sung bằng bản gốc hoặc bản sao giấy chứng nhận kết quả thi.

Điều này đã gây ra tình trạng hồ sơ ảo khó kiểm soát ở nhiều trường.

Do đó, năm 2015 Bộ GD-ĐT yêu cầu kể cả đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 hay các nguyện vọng bổ sung sau đó, thí sinh sẽ vẫn phải nộp bản gốc.

Bộ GD-ĐT hướng dẫn để đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1, thí sinh sẽ dùng bản chính giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng 1 để đăng ký.

Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được đăng ký xét tuyển ở các đợt xét tuyển tiếp theo.

Trong thời gian quy định của mỗi đợt xét tuyển, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác.

Trường hợp không trúng tuyển nguyện vọng 1, thí sinh được dùng ba bản chính giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển các nguyện vọng bổ sung để đăng ký. Phiếu đăng ký xét tuyển có ghi rõ đợt xét tuyển, cho phép thí sinh đăng ký tối đa bốn ngành (hoặc nhóm ngành) của một trường cho mỗi đợt xét tuyển.

Các nguyện vọng này được xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Như vậy, nếu sử dụng tối đa nguyện vọng xét tuyển, mỗi đợt nguyện vọng bổ sung, thí sinh được đăng ký 12 nguyện vọng vào các ngành đào tạo khác nhau.

3. Hai mức ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào

Theo quy định, sau khi có kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển vào ĐH, CĐ. Tuy nhiên, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào này không hoàn toàn áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước.

Theo đó, các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ sẽ được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ ba năm trở lên, học ba năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi (tổng điểm ba môn thi của tổ hợp dùng để xét tuyển) thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 1 điểm (theo thang điểm 10).

Những thí sinh trúng tuyển theo hình thức này bắt buộc sẽ phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường quy định.

Quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo hai mức khác nhau này cũng được áp dụng với trường tuyển sinh riêng.

Theo đó, thông thường, đối với trường sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, Bộ GD-ĐT yêu cầu điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6,0 đối với hệ ĐH và 5,5 đối với hệ CĐ (theo thang điểm 10).

Tuy nhiên, riêng với trường ĐH, CĐ đóng tại các tỉnh biên giới, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và trường CĐ cộng đồng đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương có thể xét tuyển các thí sinh có hộ khẩu thường trú từ ba năm trở lên, học ba năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh, địa phương này ở mức thấp hơn 0,5 điểm so với mức quy định chung.

Những học sinh này cũng phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức.

4. Điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn đợt trước

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, các trường tổ chức xét tuyển đối với những thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia sẽ căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định để công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường và tổ chức xét tuyển theo lịch của Bộ GD-ĐT.

Trong đó, điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước.

5. Có ba khu vực tuyển sinh trong chính sách ưu tiên

Trong chính sách ưu tiên tuyển sinh ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT chia làm ba khu vực tuyển sinh với mức điểm ưu tiên chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 (nửa điểm) đối với thang điểm 10.

Khu vực (KV) 1 được xác định gồm các xã KV1, KV2, KV3 thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013-2015 và các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014 và năm 2015 theo quy định hiện hành.

Khu vực 2 – nông thôn (KV2-NT) gồm các địa phương không thuộc KV1, KV2, KV3. KV2 gồm các thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã; các huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc KV1).

KV3 gồm các quận nội thành của thành phố trực thuộc trung ương. Thí sinh thuộc KV3 không thuộc diện hưởng ưu tiên khu vực.

Phụ trang tặng bạn đọc

Trong số báo in ra ngày 27-2, Tuổi Trẻ tặng bạn đọc phụ trang “Cùng bạn chọn trường” giới thiệu phương án và chỉ tiêu các trường khối quân đội, thông tin giới thiệu của các trường ĐH, CĐ. 

Mời bạn đọc cầm trên tay tờ báo Tuổi Trẻ để theo dõi.

VĨNH HÀ – NGỌC HÀ