09/01/2025

Tiếp tục giảm lãi suất trung – dài hạn

Tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn; tiếp tục giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn để thúc đẩy sản xuất.

 

Tiếp tục giảm lãi suất trung – dài hạn

 

 

Tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn; tiếp tục giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn để thúc đẩy sản xuất. 

 

 

 

Tiếp tục giảm lãi suất trung - dài hạn - ảnh 1

Đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình (ảnh) khẳng định khi trao đổi với Thanh Niên trong cuộc trao đổi nhân dịp đầu năm.

Có thể giảm 1 – 1,5%/năm

* Thời gian qua, mặt bằng lãi suất (LS) cho vay giảm khá sâu nhưng mới chỉ tập trung ở kỳ hạn ngắn, trong khi lãi vay trung – dài hạn vẫn cao. NHNN có định hướng thế nào để xử lý vấn đề này thưa ông?

– Chủ trương chung của NHNN năm 2015 sẽ giữ mặt bằng LS ổn định như hiện nay. Tuy nhiên, trong điều kiện thuận lợi hơn, chúng tôi sẽ cố gắng giảm LS cho vay trung và dài hạn xuống 1 – 1,5% để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) đầu tư phát triển sản xuất. Đặc biệt, DN áp dụng khoa học công nghệ mới để cải tiến, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên điều hành về lạm phát năm nay cũng sẽ hết sức phức tạp. Mặc dù Quốc hội, Chính phủ đưa ra nghị quyết kiềm chế lạm phát ở mức dưới 5% nhưng hiện nay có 2 luồng ý kiến trái ngược. Thứ nhất, có thể kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn nữa như năm 2014 vừa rồi. Thứ hai, đạt được mục tiêu lạm phát là 5% cũng là một thách thức. Chúng tôi sẽ lấy mục tiêu kiềm chế lạm phát ở 5% là mục tiêu cốt lõi. Nếu điều kiện cho phép sẽ hạ xuống thấp hơn một chút nữa để có dư địa hạ mặt bằng LS.

Năm 2015, NHNN sẽ giữ mặt bằng lãi suất ổn định như hiện nay Năm 2015, NHNN sẽ giữ mặt bằng lãi suất ổn định như hiện nay – Ảnh: N.Thắng

* Ngoài vấn đề LS, DN vẫn còn rất khó khăn khi tiếp cận vốn vay tại các NH, NHNN có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn này?

Chúng ta phải nhìn nhận rằng DN có hàng nghìn loại, hoạt động với quy mô và hình thức khác nhau, nhưng tựu trung đều phải có kỷ cương, kỷ luật tài chính. Trong một nền kinh tế thị trường, DN muốn thu hút được vốn đầu tư từ người dân, xã hội phải có sức khỏe tốt, tình hình tài chính lành mạnh để có thể niêm yết lên sàn chứng khoán. Tương tự, để vay vốn NH phải đạt được các tiêu chí và điều kiện nhất định. NH kinh doanh tiền tệ nên đương nhiên lúc nào cũng muốn cho vay vốn, bán vốn nhưng nếu cho vay DN không có khả năng trả tiền thì tất nhiên họ không muốn. Mà tiền của NH lại là tiền huy động của người dân, phải trả lãi, phải đảm bảo không có rủi ro, không để xảy ra mất mát… Quá trình làm công tác này, chúng tôi nhận thấy điểm yếu lớn nhất của nhiều DN là kỷ luật, kỷ cương tài chính còn lỏng lẻo, chưa minh bạch. Do đó, điều quan trọng nhất quá trình tái cơ cấu lại các DN, đặc biệt DN nhà nước là phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính hơn nữa. Phải thật chặt chẽ, thật công khai và minh bạch.

Sẽ xử lý thêm 6 – 8 ngân hàng

* Năm qua, NHNN đã đứng ra mua lại cổ phiếu của NH Xây dựng với giá 0 đồng/CP. Vậy trong thời gian tới, NHNN sẽ có những bước đi tiếp theo như thế nào để tái cơ cấu hệ thống NH?

– Giai đoạn đầu của quá trình tái cơ cấu hệ thống NH, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn đang rất bất ổn, khả năng của chính NHNN cũng còn hết sức hạn chế và thị trường cũng còn hết sức khó khăn nên chúng ta cũng chưa làm được nhiều. Bước đầu, chúng tôi chỉ tập trung vào các NH yếu kém, tiêu chí dựa trên sự tự nguyện và đặt dưới sự giám sát của NHNN. Nhưng đến nay, tình hình chuyển biến hết sức tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, năng lực của NHNN và của nhà nước ta đã được nâng lên rất nhiều, chúng ta có đủ sức để xử lý mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.

Bây giờ chúng tôi sẵn sàng mua lại các NH như đã mua lại cổ phiếu của một NH với giá 0 đồng. Điều này cũng phù hợp với quy định pháp luật VN, đồng thời cũng phù hợp với thông lệ quốc tế khi các cổ đông đã làm mất hết vốn của mình, thậm chí là còn dùng cả vốn của xã hội nữa thì những cổ đông đó phải ra đi và nhà nước phải tiếp quản lại. Mục đích để giữ sự ổn định của hệ thống; đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân và DN trong NH đó. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ triển khai mạnh mẽ chương trình này mà không chỉ có NH Xây dựng.

* Cụ thể có bao nhiêu NH dự kiến sẽ được xử lý theo hình thức này, thưa Thống đốc?

– Trong sáp nhập thì kể cả một số NH đang khỏe mạnh cũng có thể sáp nhập vào với nhau để tạo ra một NH có quy mô lớn hơn và có khả năng hoạt động tốt hơn. Cũng sẽ có cả những NH do nhà nước sở hữu vốn sáp nhập lại với nhau; NH nhà nước sáp nhập với NH cổ phần hay những NH cổ phần hoạt động lành mạnh cũng sáp nhập với nhau… Còn những NH cổ phần yếu kém theo tiêu chí hiện nay cũng sẽ bị NHNN mua lại như NH Xây dựng. Bằng giải pháp đó, chúng tôi hy vọng trong năm nay sẽ xử lý ít nhất thêm từ 6 – 8 NH.

Anh Vũ (thực hiện)