09/01/2025

Nên là “năm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân”

“Trong giai đoạn tái cơ cấu, DN tập trung vào ngành nghề cốt lõi, các cơ quan nhà nước cũng cần tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi của mình..”

 

Nên là “năm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân”

 

“Trong giai đoạn tái cơ cấu, DN tập trung vào ngành nghề cốt lõi, các cơ quan nhà nước cũng cần tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi của mình..”

 

 

 

 

Ảnh: CTV
Nếu chính sách, pháp luật vẫn còn văn bản dạng như hợp pháp nhưng không hợp lý, không khả thi, rồi chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí trái ngược nhau thì doanh nghiệp dễ lâm vào cảnh kiểu gì cũng sai, làm nhiều sai nhiều, càng sáng tạo càng dễ sai
Ông VŨ TIẾN LỘC

Bình luận về phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư Bùi Quang Vinh về việc cần chuyển từ nhà nước quản lý sang nhà nước phục vụ, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng vấn đề giờ đây phải biến quyết tâm thành hành động đổi mới.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lộc nói:

– Điều mà Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã đưa ra cũng được VCCI và cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị từ nhiều năm trước là “các cơ quan nhà nước chuyển chức năng từ quản lý sang hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp”. Tuy nhiên, thời điểm này Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh định hướng nhà nước phục vụ là rất cần thiết và có ý nghĩa thời sự.

Trong giai đoạn tái cơ cấu, doanh nghiệp phải tập trung vào ngành nghề cốt lõi, theo tôi, ngay các cơ quan nhà nước cũng cần tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi của mình để phục vụ tốt hơn. Cơ quan nhà nước nên tập trung vào làm chính sách, đảm bảo hạ tầng, môi trường thuận lợi để xã hội phát triển…

Nói một cách tổng quát là “Nhà nước kiến tạo phát triển” như cách nói của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tuy nhiên, có thực tế là một số cơ quan nhà nước đang “ôm” nhiều chương trình, dự án mà không nhất thiết cơ quan nhà nước phải làm mà nên chuyển giao cho hiệp hội, các tổ chức xã hội thực hiện. Ví dụ như việc điều hành quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc thực hiện các chương trình đào tạo doanh nhân.

Lẽ dĩ nhiên, những nhiệm vụ đó cũng nằm trong chức năng nhiệm vụ của các bộ nhưng các bộ hoàn toàn có thể đề xuất, hỗ trợ chuyển giao cho các hiệp hội làm. Như việc đào tạo doanh nhân, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy để các hiệp hội làm sẽ tốt hơn.

Bởi các hiệp hội thực hiện, cơ quan nhà nước giám sát, doanh nghiệp tham gia sẽ tạo áp lực buộc các chương trình phải thực chất, hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ cũng có ý kiến chỉ đạo các bộ ngành về việc này rồi nhưng việc thực hiện dường như còn chậm trễ.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khi trả lời Tuổi Trẻ có đặt vấn đề VCCI nên tập trung hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp. Chúng tôi đồng tình và hoan nghênh bộ trưởng sẽ hiến kế chính sách và chỉ đạo chuyển giao các dự án đào tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa cho VCCI và các hiệp hội.

Hiện nay, VCCI đang thực hiện nhiều chương trình đào tạo doanh nhân theo chuẩn quốc tế về khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, đào tạo doanh nhân. Nhưng so với yêu cầu doanh nghiệp thì chỉ như muối bỏ bể vì thiếu nguồn lực. Chúng tôi hi vọng Chính phủ sẽ hỗ trợ nguồn lực để VCCI phối hợp mạng lưới hiệp hội doanh nghiệp trong cả nước triển khai.

* Bộ trưởng Bùi Quang Vinh công nhận có tư tưởng coi doanh nghiệp như “bò sữa”. Có doanh nghiệp “kêu” mỗi năm bị nhiều lần thanh tra, lần thanh tra nào cũng phải phong bao mới yên ổn. VCCI có nhận được thông tin về việc này và liệu có cách nào cải thiện tình hình?

– Điều đầu tiên là phải thay đổi tư duy làm chính sách. Nếu chính sách, pháp luật vẫn còn văn bản dạng như hợp pháp nhưng không hợp lý, không khả thi, rồi chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí trái ngược nhau thì doanh nghiệp dễ lâm vào cảnh kiểu gì cũng sai, làm nhiều sai nhiều, càng sáng tạo càng dễ sai.

Như thế thì dễ kích thích nhiều cán bộ muốn đi thanh tra, kiểm tra, rồi doanh nghiệp cũng dễ phải bấm bụng “chi” để yên ổn.

Thứ hai, hiện VN đang áp đặt tiêu chuẩn của sáu nước phát triển nhất trong các nước ASEAN về thời gian nộp thuế, thời gian thông quan, thời gian tiếp cận điện năng, thủ tục đầu tư xây dựng…

Vì vậy, chúng tôi cho rằng Bộ Kế hoạch – đầu tư với tư cách cơ quan chủ trì thực hiện nghị quyết 19/2014 về cải thiện môi trường kinh doanh cũng nên đề xuất cần nghiên cứu xem cách làm của sáu nước ASEAN về thủ tục, cách thức thực hiện thanh tra, kiểm tra.

* Đã có đề xuất năm 2015 nên là năm doanh nghiệp để hỗ trợ họ. Vậy theo ông, nên hỗ trợ doanh nghiệp những gì?

– Thứ nhất, theo tôi, không nên chỉ nói là năm doanh nghiệp chung chung, mà cần xác định rõ năm hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân – năm tái khởi động khu vực kinh tế tư nhân. Một trong những việc quan trọng nhất cần hỗ trợ họ là hỗ trợ đào tạo.

Việc đào tạo doanh nhân hiện nay đã có nhiều trường và trung tâm đào tạo doanh nhân. Nhưng cần phải có chương trình quốc gia đào tạo doanh nhân để thực hiện chương trình đào tạo có định hướng, có chất lượng mà theo tôi, năm nay cần tập trung đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp về hội nhập.

Thứ hai, về chương trình tái khởi động phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Chúng tôi nghĩ cần có một chương trình đồng bộ với những giải pháp cụ thể, thống nhất và mạnh mẽ.

Khu vực tư nhân đã thui chột nhiều, họ cần được hưởng những ưu đãi không kém các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước, từ tiếp cận đất đai, miễn giảm thuế, tới khả năng tiếp cận các nguồn lực.

Thậm chí vì khu vực này phần lớn thuộc quy mô nhỏ và vừa nên cần được ưu đãi hơn, vì vậy cần có Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần có các biện pháp thích hợp để nuôi dưỡng, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp lớn, các thương hiệu lớn, những mắt xích trung tâm trong chuỗi giá trị của nền kinh tế VN.

Chúng tôi cũng đề nghị cần ban hành luật hoặc nghị định về các hội doanh nghiệp để tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp cũng như xác định rõ chức năng của các hiệp hội, hạn chế việc cơ quan nhà nước giữ việc, làm thay vai trò của các hiệp hội.

* Như thế sẽ phải sửa nhiều chính sách. Cơ chế khuyến khích cũng cần thay đổi?

– Chính sách, pháp luật cần theo hướng đơn giản, dễ hiểu, rõ trách nhiệm các bên, tiến tới hạn chế các thông tư hướng dẫn bởi các thông tư có thể khiến chính sách thay đổi nhanh, khó đoán định. Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy về chính sách khuyến khích.

Ví dụ chúng ta đang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lên vùng sâu vùng xa, với chính sách ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng như vậy doanh nghiệp phải có lãi mới được giảm thuế. Còn khi gặp rủi ro thua lỗ thì chỉ mình doanh nghiệp chịu là không công bằng.

Những khảo sát của VCCI cho thấy thanh tra, kiểm tra, chi phí ngoài luồng… luôn là những gánh nặng lớn với doanh nghiệp. Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, các chi phí này càng khiến doanh nghiệp mệt mỏi, thoái trí, mất niềm tin.

Chính vì vậy, nhanh chóng và quyết liệt nâng cao chất lượng điều hành, cải thiện thủ tục hành chính, chống tham nhũng là cách nhanh nhất để doanh nghiệp lấy lại niềm tin, cải thiện môi trường kinh doanh.

Mệt mỏi với kiểu văn bản làm khó doanh nghiệp

Điều mong mỏi của nhiều doanh nghiệp chính là sự thay đổi trong cách làm chính sách, văn bản pháp quy… bởi trên thực tế rất nhiều doanh nghiệp đã phải “lên bờ xuống ruộng” vì cách ban hành văn bản của cơ quan quản lý.

Tuổi Trẻ xin giới thiệu câu chuyện mới nhất từ một quy định của Tổng cục Thuế.

Chị Kim Phượng, Công ty TNHH mỹ phẩm Đẹp (đường Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM), cho biết theo công văn 5806 của Tổng cục Thuế ký ngày 24-12-2014, chứng từ thanh toán qua ngân hàng (NH) được xét khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng phải bao gồm nhiều thông tin, trong đó phải có địa chỉ NH bên chuyển và NH bên nhận trên chứng từ.

“Căn cứ vào công văn nói trên, công ty lập ủy nhiệm chi có địa chỉ NH người thụ hưởng và NH phát hành. Tuy nhiên, hai NH mà doanh nghiệp thường giao dịch là VietinBank và Vietcombank đã không đồng ý thanh toán với uỷ nhiệm chi như vậy với lý do họ đã đăng ký mẫu với NH Nhà nước và mẫu đã đăng ký không có địa chỉ của NH thanh toán và NH thụ hưởng” – chị Phượng cho biết.

Cũng theo chị Phượng, cuối cùng để chuyển tiền thanh toán cho khách hàng, doanh nghiệp đành làm theo mẫu của NH nhưng rất lo vì sợ đến khi quyết toán sẽ bị “bóc” ra. Để phòng trường hợp này, chị Phượng đã đề nghị NH làm công văn ghi rõ không chấp nhận ghi địa chỉ NH lên ủy nhiệm chi nhưng NH từ chối.

Doanh nghiệp xin làm công văn trình bày với NH thì NH cũng không chịu. “Không hiểu Tổng cục Thuế đặt ra quy định này làm gì vì quá vô lý và gây khó khăn cho doanh nghiệp” – chị Phượng nói.

Anh P.Q.Khiết – kế toán trưởng một công ty chuyên thêu vi tính và bán máy thêu có trụ sở tại Khu chế xuất Linh Trung 2, Q.Thủ Đức – cũng bức xúc vì quy định này.

“Khi Tổng cục Thuế đưa ra quy định này, doanh nghiệp rất ngạc nhiên vì từ trước đến nay các chứng từ thanh toán chỉ cần ghi tên NH thanh toán và tên NH thụ hưởng, không cần ghi địa chỉ NH. Hơn nữa, doanh nghiệp đã phải đăng ký tài khoản với cơ quan thuế rồi nên nếu yêu cầu ghi thêm địa chỉ NH nữa sẽ bị thừa” – anh Khiết nói.

Cũng theo một số doanh nghiệp, để đối phó với cơ quan thuế, nhiều doanh nghiệp đã “chẻ” nhỏ thành các đơn hàng có giá trị dưới 20 triệu đồng để thanh toán bằng tiền mặt nhằm tránh bị bắt bẻ sau này. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tình thế, những đơn hàng lớn, lên đến hàng tỉ đồng thì không thể dùng biện pháp này nên doanh nghiệp rất lo.

Luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nói thông tư 219 của Bộ Tài chính quy định điều kiện để doanh nghiệp được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào không yêu cầu chi tiết trên chứng từ thanh toán qua NH phải có địa chỉ của NH thanh toán và NH thụ hưởng.

Thông tư 46 của NH Nhà nước ban hành ngày 31-12-2014 hướng dẫn về thanh toán không dùng tiền mặt trong đó quy định uỷ nhiệm chi cũng không buộc phải có địa chỉ NH bên phục vụ trả tiền và địa chỉ NH bên thụ hưởng.

Theo ông Xoa, công văn của Tổng cục Thuế đã đặt thêm điều kiện phi thực tế gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp cũng lo lắng công văn của Tổng cục Thuế ban hành ngày 24-12-2014 nhưng không ghi thời điểm có hiệu lực, như vậy cơ quan thuế khi kiểm tra có quyền truy ngược lại thời điểm trước để làm khó dễ doanh nghiệp.

Trong khi đó về phía mình, các NH cho biết không thể làm khác được vì việc chuyển tiền, thanh toán giữa các NH phải theo mẫu chung thống nhất do NH Nhà nước ban hành.

Trước lo ngại của doanh nghiệp, bà Trần Thị Lệ Nga, cục phó Cục Thuế TP.HCM, nói từ trước đến nay Cục Thuế TP.HCM không yêu cầu trên chứng từ thanh toán qua NH của doanh nghiệp phải có địa chỉ NH.

“Trước mắt để thuận lợi cho doanh nghiệp, nếu các chứng từ thanh toán của doanh nghiệp đầy đủ các chỉ tiêu khác thì trước mắt Cục Thuế TP.HCM vẫn chấp nhận và cho khấu trừ, còn địa chỉ NH thì không phải là chỉ tiêu trọng yếu và có tính quyết định để nói chứng từ là hợp lệ hay không hợp lệ” – bà Nga nói.

Tuy nhiên, do là hướng dẫn chung của Tổng cục Thuế nên Cục Thuế TP.HCM sẽ ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp để báo cáo Tổng cục Thuế.

ÁNH HỒNG

CẦM VĂN KÌNH thực hiện