27/11/2024

‘Lằn ranh đỏ’ của khủng hoảng Ukraine

Thành phố cảng Mariupol đang trở thành yếu tố then chốt của việc thực thi thỏa thuận hoà bình cho miền đông Ukraine.

 

‘Lằn ranh đỏ’ của khủng hoảng Ukraine

 

 

Thành phố cảng Mariupol đang trở thành yếu tố then chốt của việc thực thi thỏa thuận hoà bình cho miền đông Ukraine.

 

 

'Lằn ranh đỏ' của khủng hoảng UkraineCác tay súng thuộc phe nổi dậy tại thị trấn Debaltseve ngày 23.2 – Ảnh: Reuters
Mariupol là thành phố công nghiệp ở đông nam Ukraine, ven bờ bắc biển Azov và là nơi đông dân cư nhất ở khu vực 2 tỉnh Donetsk và Lugansk vẫn còn thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Kiev.
Tờ Le Figaro dẫn lời các chuyên gia nhận định nếu chiếm được thành phố chiến lược này, lực lượng nổi dậy có thể thiết lập một vùng ảnh hưởng nối liền từ miền đông đến bán đảo Crimea – vùng lãnh thổ thuộc Ukraine tự tuyên bố sáp nhập vào Nga hồi tháng 3.2014. Kể từ sau khi thỏa thuận hoà bình Minsk 2 được ký kết vào ngày 12.2, tình hình chiến sự miền đông Ukraine đã lắng dịu nhưng khu vực quanh Mariupol lại nóng dần lên. Kiev liên tục cáo buộc phe chống đối vi phạm lệnh ngừng bắn, dồn quân và vũ khí đến thành phố này.
Đài Radio Canada ngày 23.2 dẫn lời phát ngôn viên quân đội Ukraine Anatoli Stelmakh cho biết các tay súng nổi dậy đã mở đợt tấn công vào làng Chyrokine, cách Mariupol 15 km về phía đông. Đợt tấn công làm ít nhất 5 người thiệt mạng. Trước đó, Kiev thông báo 20 xe tăng, 50 xe quân sự chở nhiều vũ khí từ Nga đã tiến về thị trấn Novoazovsk, căn cứ của lực lượng chống đối ở cách Chyrokine 15 km. Chỉ huy quân sự Eduard Basurin của lực lượng này đã bác bỏ mọi cáo buộc, đồng thời tố ngược quân đội Ukraine vi phạm lệnh ngừng bắn ở gần Mariupol. Ông Basurin cũng khẳng định phe chống đối đã bắt đầu rút vũ khí hạng nặng ra khỏi các điểm nóng giao tranh như Debaltseve, Donetsk và sẽ hoàn tất việc này trong 12 ngày như đã thoả thuận. Trong khi đó, quân đội Ukraine tuyên bố chưa thể rút vũ khí hạng nặng vì vẫn bị lực lượng nổi dậy tấn công. Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi các điều khoản của Minsk 2 nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra báo cáo chi tiết nào.
Những diễn biến phức tạp nói trên có thể làm triển vọng hòa bình cho Ukraine, vốn rất mong manh, nhanh chóng rơi vào bế tắc. Le Figaro dẫn lời Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hôm qua tuyên bố phương Tây xem Mariupol là “lằn ranh đỏ” của cuộc khủng hoảng ở miền đông. Thủ tướng Anh David Cameron cũng cảnh báo sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt với Nga nếu Moscow “tiếp tục hậu thuẫn phe chống đối mở rộng vùng kiểm soát đến Mariupol hay bất kỳ khu vực nào khác ở Ukraine”. Đáp lại, trên kênh truyền hình Rossia-1, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi chính quyền Kiev hãy “dàn xếp một cách văn minh với miền đông để trả lại cuộc sống bình thường cho Ukraine”.
Để tránh nguy cơ thỏa thuận Minsk 2 sớm bị khai tử, hôm qua, ngoại trưởng 4 nước Đức, Nga, Pháp và Ukraine đã họp tại thủ đô Paris của Pháp. Trước cuộc họp, Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkine tuyên bố sẽ thảo luận với các vị đồng cấp về việc đề nghị LHQ và EU gửi lực lượng gìn giữ hoà bình đến nước này.

Lan Chi