10/01/2025

Việt Nam ngày càng tự tin

Ông Jonathan London trao đổi với Tuổi Trẻ về những vấn đề liên quan đến chính trị – ngoại giao của Việt Nam trong năm mới.

 

Việt Nam ngày càng tự tin

 

 Ông Jonathan London trao đổi với Tuổi Trẻ về những vấn đề liên quan đến chính trị – ngoại giao của Việt Nam trong năm mới.

 

 


 

 

Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Peter Peterson, cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Văn Bàng và cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak (từ trái qua) cùng trò chuyện tại hội thảo quốc tế “Quan hệ Việt – Mỹ: thêm 20 năm thành công hơn nữa” – Ảnh: Nguyễn Khánh
Giáo sư Jonathan London – Ảnh do nhân vật cung cấp

* Tuổi Trẻ: Việt Nam đã tạo được những dấu ấn nổi bật gì trong năm 2014 đầy biến động?

  • Ông Jonathan London – giáo sư khoa châu Á và quốc tế học kiêm thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Ðông Nam Á tại Ðại học Thành Thị Hong Kong: Nhìn một cách tổng thể, trong năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã có ba dấu ấn rõ nét như sau:

1. Chiến lược đối phó với những căng thẳng trên biển Ðông của Việt Nam gây ấn tượng khá tốt đối với thế giới. Thế giới không chỉ nhìn thấy những nỗ lực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biển đảo quốc gia của Việt Nam mà còn hiểu được những nguyên tắc của Việt Nam đối với những tranh chấp trên biển. Dù còn một vài điều cần được củng cố nhưng nói chung tiếng nói của Việt Nam ngày càng rõ ràng và tự tin.

2. Việt Nam đã có một số bước tiến quan trọng trong việc phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu quan hệ ngoại giao, trong đó theo tôi, quan hệ giữa Việt Nam với các nước Mỹ, Nhật, Ấn Ðộ là thú vị nhất.

Quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh, dù còn một số căng thẳng, cũng có dấu hiệu tích cực, đặc biệt khi phía Việt Nam thể hiện rõ quan điểm quan hệ hữu nghị giữa hai nước phải dựa vào sự tôn trọng lẫn nhau.

Quan điểm cho rằng Việt Nam cần nhiều bạn là đúng nhưng quan điểm Việt Nam cần có những người bạn đáng tin cậy thì đúng hơn. Ðối với những vấn đề liên quan đến biển Ðông, những người bạn đáng tin cậy chính là những người bạn chấp nhận những nguyên tắc cốt yếu, bao gồm vai trò trung tâm của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết những tranh chấp một cách hòa bình.

Việc Việt Nam đang kết hợp công khai với những nước này trong việc tìm giải pháp lâu dài cho vấn đề biển Ðông là một thành tích lớn cho Việt Nam.

3. Việc Việt Nam thể hiện ý muốn nâng cao dân chủ và thúc đẩy nhân quyền cũng nên được xem là bước tiến quan trọng trên chính trường quốc tế. Dù còn tranh cãi, tôi thấy việc Chính phủ Việt Nam đang thảo luận cởi mở về những chủ đề này với những đối tác quốc tế là yếu tố hết sức quan trọng.

Dù phát triển chính trị là việc của người Việt Nam, nhưng tôi tin rằng nâng cao dân chủ, minh bạch và quyền của người dân sẽ không chỉ mang lại những tiến bộ quan trọng trong đời sống của người dân mà cũng sẽ giúp Việt Nam giành được sự ủng hộ của quốc tế, điều không thể thiếu được trong bối cảnh hiện nay.

* Hiện Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo và đẩy mạnh quân sự hóa một cách trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo ông, Việt Nam nên phản ứng như thế nào?

– Có vẻ Bắc Kinh đã thấy những hành động của họ trên biển Ðông làm xấu hình ảnh trong mắt cộng đồng quốc tế và gây nguy hiểm đối với chiến lược khu vực của họ. Có quan điểm cho rằng phía Bắc Kinh đã nhận thấy những điều này nhưng thay vì thay đổi chính sách, họ vẫn cố tình làm những gì họ muốn.

Sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam kèm theo những hành động hung hăng vào mùa hè năm ngoái đã khiến thế giới nhận ra những mối nguy hiểm mà yêu sách “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh gây ra.

Tuy nhiên, theo tôi, Bắc Kinh vẫn chưa thay đổi chiến lược của họ, thể hiện qua việc họ vẫn đang tiến hành những công trình trái ngược với tinh thần pháp luật quốc tế và những cam kết của mình trước đây.

Trước những thách thức này, Việt Nam phải nỗ lực để “củng cố quyền lực mềm”, tức là mở ra và làm sâu thêm các mối quan hệ chiến lược. Rất tiếc chủ trương “niềm tin chiến lược” mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra trước đây đang rất khó áp dụng đối với Bắc Kinh vào thời điểm hiện tại.

Dù vậy, Việt Nam vẫn có thể phát triển “niềm tin chiến lược” với các nước khác với mục tiêu giải quyết những tranh chấp một cách có lợi cho tất cả các bên.

* Liệu Mỹ, Ấn Ðộ và Nga sẽ thay đổi quan điểm về các tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc ở biển Ðông trong năm 2015?

– Tôi thấy quan điểm của Mỹ và Ấn Ðộ là rõ nhất và sẽ không thay đổi. Riêng đối với Mỹ, có vẻ dù cho ai thắng thế chăng nữa, quan điểm và chiến lược của Mỹ đối với khu vực Thái Bình Dương sẽ ngày càng được củng cố hơn bất chấp ai sẽ lên làm tổng thống sau năm 2016.

Trong khi đó, động thái và chiến lược của Trung Quốc và Nga là khó đoán nhất. Sở dĩ tôi khẳng định như vậy là vì hai nước này đều không cho thấy ý định thật sự của họ là gì.

Hiện ông Putin muốn phát triển các mối quan hệ thân cận cho Nga để tránh bị cô lập nên rất khó hình dung Nga làm gì trái ngược với chủ trương của Bắc Kinh trên biển Ðông.

Ðối với Ấn Ðộ, đa số các nhà quan sát chưa hiểu rằng Thái Bình Dương có vai trò chiến lược lớn đối với Ấn Ðộ. 75% tổng khối lượng thương mại của nước này là trên biển. Một câu hỏi thú vị dù chưa có câu trả lời rõ ràng là sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ song phương giữa Mỹ và Ấn sẽ tác động đến môi trường an ninh quốc tế như thế nào.

* Cộng đồng chung ASEAN, dự kiến ra đời trong năm 2015, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến an ninh khu vực?

– Sự phát triển của cộng đồng ASEAN sẽ nâng cao sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước thành viên, đặc biệt về khía cạnh kinh tế. Trong thời gian qua, các nước trong khối đã thảo luận về việc phát triển những mối quan hệ đối tác, chẳng hạn như hợp tác giữa các lực lượng tuần duyên các nước…

Dù vậy, do ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khối còn rất lớn và Bắc Kinh vẫn đang rất quyết tâm gây ảnh hưởng lên hành động của các nước trong khối chẳng hạn qua những hành động ngoại giao hạ tầng cơ sở. Do vậy, rất khó tưởng tượng ASEAN có thể đạt đồng thuận đối với những vấn đề an ninh khu vực.

Theo tôi, các nước trong ASEAN có thể sử dụng những quyền lợi chung để cùng nhau tìm hiểu về vấn đề an ninh khu vực. ASEAN có thể đóng vai trò ủng hộ nhưng rất có thể sẽ trở thành vai trò quyết định.

* Gần đây truyền thông Việt Nam đưa tin chính quyền Mỹ chính thức mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm. Ông đánh giá như thế nào về triển vọng quan hệ Việt – Mỹ và chính sách xoay trục về châu Á của Washington trong năm nay?

– Chắc chắn Mỹ sẽ giữ và củng cố sự có mặt chiến lược ở Đông Á do vậy Mỹ và Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để phát triển các quan hệ. Chuyến đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ rõ ràng sẽ là một sự kiện quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Nếu Tổng thống Mỹ Barack Obama sang Việt Nam thì sẽ càng là một bước quan trọng đối với quan hệ hai bên.

Nhưng quan trọng hơn là chất lượng và chiều sâu của mối quan hệ phát triển một cách đáng khích lệ.

Quan hệ giữa hai chính phủ là mạnh hơn bao giờ hết và đang phát triển mạnh qua nhiều lĩnh vực khác nhau. So với đại đa số nước ở Thái Bình Dương và châu Âu, quan hệ Mỹ – Việt khác ở chỗ Mỹ có nhiều người gốc Việt và nhiều công dân Việt Nam đang sống, học tập và làm việc hiệu quả.

Tôi đồng ý với những quan điểm cho rằng người dân và chính phủ Việt Nam nên xác định những quyền lợi quốc gia và theo đuổi nó một cách tự tin, thay vì lo quá nhiều về việc “cân bằng” quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.

Là một người Mỹ, tôi biết rất rõ về những thế mạnh và điểm yếu của xã hội mình và hi vọng trong thời gian tới người dân và Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp thu được những cái hay và tránh những cái chưa hay.

Sự phát triển của quan hệ Việt – Mỹ sẽ tạo cơ hội cho cả người dân lẫn Chính phủ Việt Nam hiểu thêm về những thế mạnh và những điểm yếu này để góp phần vào việc phát triển đất nước Việt Nam.

QUỲNH TRUNG thực hiện