Vào thẳng đại học bằng nghiên cứu khoa học
Từ một công trình nghiên cứu, 3 nữ sinh đang là học sinh lớp 12 ở Bình Định được tuyển thẳng vào Đại học Y Dược TP.HCM.
Vào thẳng đại học bằng nghiên cứu khoa học
Từ một công trình nghiên cứu, 3 nữ sinh đang là học sinh lớp 12 ở Bình Định được tuyển thẳng vào Đại học Y Dược TP.HCM.
Từ trái qua: Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Thị Phương Linh và Lê Thị Hồng – Ảnh: Đức Thọ
|
Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Thị Phương Linh và Lê Thị Hồng đã đoạt giải 3 cuộc thi cấp quốc gia “Nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học” và được tuyển thẳng vào Trường đại học Y Dược TP.HCM.
Đề tài “Nghiên cứu đặc điểm di truyền bệnh thận đa nang tại Hoài Ân bằng phương pháp phả hệ” của 3 nữ sinh đã được giới chuyên môn công nhận và đánh giá cao.
Thảo, Linh và Hồng vốn là học sinh của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Hoài Ân), ngôi trường nhỏ của một huyện nghèo tỉnh Bình Định. Nguyễn Thị Phương Thảo, trưởng nhóm, cho biết: “Lúc đầu bọn em lạ lẫm lắm khi nghe thông tin từ cuộc thi. Nhưng em nghĩ mình cần phải làm gì đó, chỉ đơn giản là để việc học trở nên mới mẻ và hào hứng”.
Thầy Phan Chí Quốc Hùng, người hướng dẫn đề tài, nói: “Tôi cũng từng làm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, biết được cái hay của việc làm này nên vừa khuyến khích, vừa hướng dẫn để các học sinh cùng làm. Sau một thời gian chọn lọc, 3 học sinh Thảo, Linh và Hồng là nổi trội nhất về năng lực và nhiệt tình nên tôi quy về một nhóm”.
Đề tài nghiên cứu về bệnh thận đa nang theo phương pháp phả hệ đã được 3 cô gái thực hiện ròng rã trong 6 tháng. Lê Thị Hồng chia sẻ: “Lúc đầu em cũng nghĩ đề tài này là quá sức với bọn em vì mới chỉ là học sinh lớp 12. Nhưng rồi khi bắt tay vào làm, cứ từng bước, từng bước một, bọn em đã giải quyết được hầu hết các vấn đề mà đề tài đặt ra. Chỉ là mình có chịu khó và kiên trì đi đến cùng hay không thôi!”.
Vậy là, sau mỗi giờ học chính thức trên lớp, 3 bạn đạp xe đến nhà những người có bệnh thận đa nang hoặc có những triệu chứng của bệnh để hỏi han, ghi chép. Theo các bạn, đây là công việc thú vị và khó khăn nhất trong quá trình thực hiện đề tài. “Thông thường, những người ở quê lại càng muốn giấu bệnh vì mặc cảm và ái ngại điều tiếng. Làm thế nào để họ mở lòng? Làm sao để họ có cảm giác thực sự được sẻ chia? Hay đơn giản chỉ là để họ không đuổi mình ra khỏi nhà khi mở lời là những cái khó mà bọn em gặp phải. Nhưng rồi, bằng sự chân thật và kiên trì, bọn em đã thuyết phục được 51 người ở địa phương nói về căn bệnh”, Phương Thảo chia sẻ.
Sắp tới, các bạn trẻ này sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa về đề tài. Phương Thảo tự tin nói: “Bọn em vẫn còn nhiều trăn trở về những vấn đề tiếp sau của đề tài và sẽ làm sao để tìm được phương thuốc điều trị bệnh. Cả ba sẽ tiếp tục con đường đã chọn và nhất định sẽ mở được những cánh cửa cần phải mở!”.
Tâm Ngọc