10/01/2025

Tết ở trường giáo dưỡng

Ngày 30 tết, có đứa trẻ tìm đến cổng trường giáo dưỡng, năn nỉ thầy giáo cho vào trường ăn tết vì nó không biết về đâu khi bà ngoại, nơi nương tựa cuối cùng của nó, không còn mà tiền trong túi cũng hết.

  

Tết ở trường giáo dưỡng

 

Ngày 30 tết, có đứa trẻ tìm đến cổng trường giáo dưỡng, năn nỉ thầy giáo cho vào trường ăn tết vì nó không biết về đâu khi bà ngoại, nơi nương tựa cuối cùng của nó, không còn mà tiền trong túi cũng hết. 

 

 

 

 

Các em vui tết trong Trường Giáo dưỡng số 4 - Ảnh: Thanh Thủy
Các em vui tết trong Trường Giáo dưỡng số 4 – Ảnh: Thanh Thuỷ

Đó là câu chuyện mà trung tá Tạ Văn Lương, hiệu phó Trường Giáo dưỡng số 5 (Long An), kể về những cái tết đáng nhớ của mình như thế.

Thầy Lương quê ở Hà Nội, vào Nam lập nghiệp cách đây hơn 20 năm và cũng 20 năm nay thầy gắn bó với trường giáo dưỡng. Đây là ngôi trường đặc biệt không chỉ dạy các em về văn hóa mà còn dạy các em học nghề và học làm người. 

20 năm đón tết tại trường

Thầy trò ăn tết chung

“Phải đón tết trong trường, có nhiều cháu nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ tết ở quê, vậy nên có hoạt động vui chơi cả ngày các cháu sẽ bớt buồn” – thượng tá Lê Công Hiệp, hiệu phó Trường Giáo dưỡng số 4 nói.

Phần lớn các em đều có hoàn cảnh đặc biệt, đã mắc lỗi lầm nên được đưa vào trường để học tập, rèn luyện. Em ngắn thì ở vài tháng,  lâu thì hai năm và tùy vào sự tiếp thu của từng em mà được ra trước thời hạn hay không.

Bởi các em đều còn nhỏ, lại phải sống tách biệt với gia đình nên trường phải chuẩn bị tết cho các em. Vì lo tết cho trò, mà hàng trăm thầy cô giáo khác của trường cũng sẽ đón tết trong trường.

Thầy Lương kể lần đầu tiên được về nhà ăn tết năm 2014: “Đó là khi cha tôi trở bệnh và sức khỏe rất yếu. Khi ấy tôi mới xin nhà trường để được về ăn tết với cha. Và đó là cái tết cuối cùng tôi được ăn tết bên cha mình”.

Cũng giống thầy Lương, thiếu tá Mai Thị Thu (41 tuổi, quê Thanh Hóa) cũng có 20 năm gắn bó với Trường Giáo dưỡng số 4 (Đồng Nai). Ngần ấy năm xa quê, lập nghiệp, lấy chồng rồi sinh con và gắn bó luôn với mái trường giáo dưỡng như nhà mình, coi những đứa trẻ đang sửa chữa lỗi lầm kia như những đứa con của mình cũng ngần ấy năm chưa khi nào cô được về quê ăn tết: “Trường không có người nấu ăn nên việc nấu nướng cho đám trẻ đều do thầy cô trong trường đảm nhiệm”.

Vừa hướng dẫn học sinh của mình trồng rau tăng gia sản xuất, cô Thu vừa kể về những cán bộ ở đây gần như đã hi sinh toàn bộ tự do của mình cho sự nghiệp trồng người.

Là trường giáo dưỡng nên việc đón tết của các em cũng đặc biệt. Tết thì được nghỉ học, được đi chơi nhưng những đứa trẻ không được ra ngoài, bởi vậy mấy ngày tết thầy cô phải nghĩ ra thật nhiều trò chơi để các em tham gia: thi gói bánh chưng đẹp, sắp mâm ngũ quả, trang trí phòng ở… Tất cả hoạt động này diễn ra trong đêm giao thừa.

“Các thầy cô sẽ thành lập ban giám khảo đi chấm thi từng phòng và đội đoạt giải nhất bao giờ cũng có những phần quà rất ý nghĩa” – em V., 14 tuổi, hào hứng kể.

Thầy cho con… ăn tết

Trường giáo dưỡng số 4 và số 5 thuộc Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an.

Hai trường giáo dưỡng này là nơi dạy dỗ, giáo dục và rèn luyện cho những em có hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa đến tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự.

Các hành vi mà các em từng vi phạm rất đa dạng, từ trộm cắp, cướp giật, gây rối trật tự công cộng đến hiếp dâm và giết người.

Đó là một mùa tết cách đây chưa lâu khi anh đang đi mua đồ để chuẩn bị tết cho học sinh thì một thiếu niên đón anh ở cổng Trường Giáo dưỡng số 5: “Thầy cho con vào trường ăn tết với các bạn được không thầy?”.

Đứa trẻ ngước đôi mắt tha thiết nhìn thầy Lương và đôi tay cứ xoắn lấy chiếc quai giỏ xách. Anh rất ngỡ ngàng vì cậu bé này học tập rất tốt và đã ra trường trước đó vài tháng.

Sau khi hỏi han thì được biết em về quê mà bà ngoại đã mất, hiện chẳng còn ai thân thích nên em lên TP.HCM xin việc làm tại một tiệm ăn.

Nhưng tết năm đó tiệm nghỉ không bán hàng, cả gia đình chủ tiệm đi du lịch dài ngày nên không thể để em trong nhà. Vậy là em phải rời nhà chủ, mang theo ít quần áo rồi đi lang thang. Lang thang mãi ở bến xe không biết đi đâu, cuối cùng em tìm về trường giáo dưỡng.

“Tôi thương em ấy, nhưng không thể đưa em ấy vào trường được, nên mới nhờ đội thợ xây đang làm việc gần trường để xin cho em tá túc qua cái tết. Bởi tôi biết đội thợ này có nhiều người từ miền Bắc vào, và tết họ không về nhà mà đón tết ở công trường”.

Thế là cái tết đó đứa trẻ kia đón tết gần thầy giáo và các bạn cũ, khi công trình ở gần trường xong thì em cũng theo cánh thợ về Vũng Tàu. Và giờ thỉnh thoảng người chủ mới của em gọi điện thoại cho thầy Lương để cập nhật tình hình của em.

Trong khu xưởng lao động của Trường Giáo dưỡng số 4, hàng chục học sinh đang ngồi gấp bao bì cho một doanh nghiệp sản xuất bao bì. Không khí làm việc khẩn trương và nghiêm túc vì đang thi đua lập thành tích để đón Tết Nguyên đán.

Một số em học tập tích cực, kỷ luật tốt sẽ được nhà trường cho về quê ăn tết với cha mẹ, còn những em nào mới vào, chưa đủ thời gian học tập thì sẽ ăn tết trong trường. “Nhưng chúng tôi chuẩn bị cho các cháu kỹ càng lắm” – thiếu tá Mai Thị Thu, nói.

Đôi tay thoăn thoắt gấp bao bì, Đào Công M. nói em đã đón cái tết đầu tiên trong trường từ năm 2014 khi được đưa vào trường từ tháng 11-2013. M. có hoàn cảnh khá đặc biệt khi mẹ mất và cha lấy vợ khác. M. thường xuyên bị cha đánh đập, em bỏ nhà đi lang thang, trộm cắp và cha bắt đưa công an và… vào trường giáo dưỡng.

“Những ngày học tập trong trường, được vui chơi và được các thầy an ủi động viên nên dù là năm vừa rồi lần đầu tiên em đón tết xa nhà nhưng em thấy rất ấm áp” – M. nói.

Còn hai cậu bé Hồ Văn L. và Nguyễn Minh V. đang chuẩn bị được ra trường vì hết thời gian học tập cải tạo thì vẫn còn nhớ cảm giác đón Tết Giáp Ngọ: “Năm nay con về ăn tết ở nhà, nhưng con nhớ nhất những trò chơi do các thầy bày ra để được chơi”.

Và để chuẩn bị cho những cái tết trong trường giáo dưỡng, từ trước đó hàng tháng, các thầy cô đã phải chuẩn bị mọi thứ, từ thực phẩm đến đồ dùng, trang trí. Ngay cả việc đi mua đồ sắm tết, trang trí tết của các em cũng do thầy cô đảm nhiệm. Tết chỉ có vài ngày, thế là các thầy không chỉ lo tết cho gia đình nho nhỏ của mình mà phải chuẩn bị cái tết chung lớn hơn, đó là tết cho trường.

Tết của gia đình thầy cô gói chung vào tết với học trò: đón giao thừa với học trò, tổ chức vui chơi cho học trò, nấu nướng ăn uống cùng học trò và ngủ lại luôn trong trường với học trò.


HÀ CHÂU