10/01/2025

Nga phá thế cô lập bằng ngoại giao

Trận chiến ngoại giao giữa Nga và phương Tây bên hành lang bàn đàm phán hòa bình Ukraine đang đến hồi cao trào.

 

Nga phá thế cô lập bằng ngoại giao

 

Trận chiến ngoại giao giữa Nga và phương Tây bên hành lang bàn đàm phán hoà bình Ukraine đang đến hồi cao trào.

 

 

 

Tổng thống Nga Putin cùng Tổng thống Ai Cập Abdel (bìa phải) đến xem opera ở thủ đô Cairo tối 9-2 - Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Putin cùng Tổng thống Ai Cập Abdel (bìa phải) đến xem opera ở thủ đô Cairo tối 9-2 – Ảnh: Reuters

Trong khi Liên minh châu Âu (EU) đã chuẩn bị sẵn danh sách cấm vận bổ sung đối với Nga, thì Matxcơva tăng thêm sức mạnh bằng cách kết nối với các đồng minh tiềm năng.

Đi xem opera ở Ai Cập

Căng thẳng trước thềm hội nghị Minsk

Hãng tin RIA Novostihôm qua cho biết các đơn vị bảo vệ bờ biển thuộc hạm đội biển Đen của Nga với hơn 600 binh sĩ đã bắt đầu tổ chức tập trận ở bán đảo Crimea – vùng lãnh thổ Nga mới sáp nhập tháng 3-2014.

Trong khi đó, Interfax đưa tin khoảng 2.000 lính thuộc lực lượng trinh sát cũng tiến hành tập trận tại khu vực miền nam Nga, gần với biên giới Ukraine.

Cùng ngày, Hội đồng An ninh Ukraine thông báo lực lượng vệ binh chính phủ đã mở cuộc tấn công vào phe ly khai gần thành phố cảng chiến lược Mariupol.

Cuối tuần trước, Kiev nói quân ly khai đang triển khai lực lượng tại các thị trấn chiến lược bên bờ biển Azov, trong đó có Mariupol.

Đây là khu vực nằm giữa vùng do phe ly khai kiểm soát và bán đảo Crimea.

Hôm nay, các nhà lãnh đạo Ukraine, Nga, Pháp và Đức dự kiến gặp nhau tại Minsk, thủ đô Belarus để tìm lối thoát cho giao tranh ở miền đông Ukraine.

Hãng thông tấn Itar-Tass cho biết bộ trưởng ngoại giao các nước EU đã thông qua danh sách cấm vận mới đối với Nga và một số nhân vật thuộc phe ly khai miền đông Ukraine.

EU thông báo sẽ treo gói cấm vận mới đến ngày 16-2 để “ủng hộ” các nỗ lực đàm phán hoà bình đang diễn ra. Nói cách khác, đây chính là lời cảnh báo hậu quả Nga phải đối mặt nếu đàm phán đổ vỡ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã lên tiếng rằng cuộc gặp tại Minsk, thủ đô của Belarus vào hôm nay (11-2) sẽ khó mang lại kết quả nếu không có sự đồng thuận trước giữa các bên trong một số vấn đề.

Không biết có phải ngẫu nhiên mà trước một sự kiện có tính bước ngoặt như vậy, ông Putin lại dành cả buổi chiều ngày 9-2 đi xem opera với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi ở Cairo nhân chuyến thăm cấp cao hai ngày.

Nói về chuyến thăm của ông Putin đến Ai Cập, báo Guardian nhận xét đây là cách để hai nước chuyển thông điệp rõ ràng đến Mỹ: “Chúng tôi sẽ không để chính sách đối ngoại của mình bị người khác dẫn dắt”.

Trong cuộc gặp chính thức hôm qua 10-2, hai nhà lãnh đạo đã bàn chuyện chấm dứt sử dụng đồng USD trong giao thương giữa hai nước.

Các nhà phân tích tin rằng điện Kremlin đang chứng tỏ cho cộng đồng quốc tế thấy rằng giữa cuộc khủng hoảng Ukraine họ cũng không bị cô lập.

Mới đây, điện Kremlin thông báo nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã nhận lời mời thăm Nga nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít vào tháng 5. Trước đó, Nga cũng ký được một thoả thuận hợp tác quân sự với Iran…

Trong cuộc họp cách đây 10 ngày với sự tham dự của Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergey Shoygu, Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov cũng thông báo Matxcơva đang có kế hoạch mở rộng liên lạc của trung tâm chỉ huy quân sự và đàm phán sơ bộ với lực lượng vũ trang Brazil, Cuba, CHDCND Triều Tiên…

“Món hời” Hi Lạp

Còn trong hôm nay (11-2), một phái đoàn Chính phủ Hi Lạp, tâm điểm cuộc khủng hoảng nợ EU, có chuyến thăm đến Matxcơva.

Không khó để cân đo trọng lượng tiếng nói của Hi Lạp vào thời điểm này. Chỉ vài ngày sau khi đảng cực tả Syriza của Hi Lạp thắng cuộc bầu cử nghị viện, bộ trưởng tài chính Nga Anton Siluanov đã đánh tiếng hỗ trợ tài chính cho Athens giải quyết gánh nặng nợ nần. Mới hôm 8-2, tân Bộ trưởng tài chính Hi Lạp Varoufakis còn bình luận nếu nước này bị ép rút ra khỏi khối EU, các nước khác sẽ phải theo chân và kết cục là đồng euro cũng sụp đổ theo.

Theo tuần báo Barron’s của Mỹ, ông Varoufakis được cho là đã có một cuộc gặp riêng với đại sứ Nga tại Athens trong ngày mới nhậm chức. Trước đó ông cũng phát ngôn chỉ trích các nhà lãnh đạo châu Âu đã không tham vấn chính phủ mới của Hi Lạp trong vấn đề cấm vận Nga.

Matxcơva cho đến nay chưa nhận được yêu cầu giúp đỡ nào từ Athens, tuy nhiên các hoạt động ngoại giao giữa hai nước có thể là một cách gây sức ép lên EU: đối với Nga là một tiếng nói ủng hộ từ trong EU, còn với Hi Lạp là một lợi thế để đàm phán nợ.

Chưa rõ Matxcơva sẽ sử dụng thế mạnh của mình trên bàn đàm phán như thế nào. Tổng thống Putin trong một tuyên bố hôm qua nhấn mạnh Nga sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập mặc cho áp lực từ bên ngoài.

Lãnh đạo Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev khẳng định nếu Mỹ có quyết định cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine thì hành động của Washington “sẽ khiến cuộc xung đột leo thang”. Nhưng theo ông, Nga vẫn sẽ “theo đuổi con đường ngoại giao”.

Phải chăng đây là một dạng ngỏ lời về chuyện xuống nước?


MINH TRUNG