Đóng cửa trường vì không có học trò
Nhiều trường phổ thông ngoài công lập đang trong tình trạng “thoi thóp” vì không có người học. Năm học 2014 – 2015 đã có 3 trường THPT ngoài công lập tại TP.HCM xin tạm ngưng hoạt động.
Đóng cửa trường vì không có học trò
Nhiều trường phổ thông ngoài công lập đang trong tình trạng “thoi thóp” vì không có người học. Năm học 2014 – 2015 đã có 3 trường THPT ngoài công lập tại TP.HCM xin tạm ngưng hoạt động.
Học sinh Trường THCS-THPT Hồng Hà (Q.Gò Vấp, TP.HCM) nuôi heo đất, quyên góp làm từ thiện. Đây là trường hiếm hoi vẫn tuyển sinh được – Ảnh: Minh Luân
|
Đến từng hộ gia đình để tuyển sinh
Một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết nguyên nhân chủ yếu mà 3 trường Hiền Vương, Đông Du và Phương Nam xin ngưng hoạt động là do không tuyển được học sinh (HS). Thậm chí, có trường còn chuyển chi nhánh xuống tỉnh để mong tuyển sinh được HS ở tỉnh.
|
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, hiện thành phố có 89 trường THPT ngoài công lập. Trong đó, tập trung đông nhất ở các quận: Tân Phú, Tân Bình và Gò Vấp (3 quận này chiếm khoảng phân nửa số trường ngoài công lập tại TP.HCM). Khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều trường gặp khó khăn trong tuyển sinh, kể cả các trường lớn.
Các năm trước, Trường THPT Thanh Bình (Q.Tân Bình) đều tuyển được khoảng 18 lớp 10. Thế nhưng theo ông Lê Văn Linh, Hiệu trưởng nhà trường, 2 năm nay chỉ tuyển được khoảng 10 lớp với 450 HS, giảm gần phân nửa so với trước. Nhiều trường khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Thạc sĩ Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (Q.6), nói: “3 năm trở lại đây, việc tuyển sinh của các trường ngoài công lập rất khó khăn. Năm học này, trường chúng tôi chỉ tuyển được 170 HS”. Thậm chí có trường, để tuyển sinh được, phải tới các tỉnh và đến từng hộ gia đình để tư vấn tuyển sinh.
“Chúng tôi phải đi phát tờ rơi, đến từng nhà tư vấn cho phụ huynh và HS. Doanh nghiệp tuyển công nhân chỉ cần dán thông báo là có. Chúng tôi còn khổ hơn doanh nghiệp”, hiệu trưởng một trường ngoài công lập tại TP.HCM ngậm ngùi nói.
Trường nhiều nhưng không có học sinh
Lý giải thực trạng này, hiệu trưởng một trường ngoài công lập phân tích: “Đầu tiên là kinh tế khó khăn nên các trường phải thắt lưng buộc bụng. Hằng năm, chúng tôi chi ra hơn 1 tỉ đồng để tuyển sinh nhưng vài năm gần đây, kinh phí dùng cho việc này chưa đến 1/3. Thứ hai, bà con trồng cà phê, cao su, điều, tiêu… cũng gặp khó khăn vì mất mùa nên không cho con lên thành phố học”.
|
Nói thêm về vấn đề này, ông Lê Văn Linh cho biết: “Cái khó của các trường ngoài công lập tại TP.HCM hiện nay là hầu như tỉnh nào cũng có trường ngoài công lập. Phụ huynh thường thích cho con về thành phố học hơn nhưng do kinh tế khó khăn nên phải để con học ở tỉnh”. Ông Hồ Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Trí Đức (Q.Tân Phú), thông tin: “Một vài năm trước, tỷ lệ HS ngoại tỉnh lên TP học chiếm 60% tổng số HS của các trường nhưng giờ đã sụt giảm. Doanh nghiệp ở các địa phương liên kết với một số trường ngoài công lập có tiếng mở chi nhánh tại tỉnh. Do đó, HS không di chuyển về thành phố, việc giảm số lượng là đương nhiên”.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác cũng được lãnh đạo nhiều trường ngoài công lập nêu là nguồn tuyển tại TP.HCM ngày càng khan hiếm. “Năm nào, tỷ lệ HS lớp 10 công lập cũng đều hơn 80%. Số còn lại thì vào hệ GDTX, trường nghề. Chỉ còn lại số ít vào các trường ngoài công lập. Vậy nên các trường phải đi tuyển từ nguồn tỉnh nhưng nguồn tỉnh giờ cũng giảm đáng kể. Các năm trước, hằng năm khoảng 40.000 – 50.000 HS tỉnh vào trường ngoài công lập tại TP.HCM. Nhưng năm học này, số lượng giảm gần 90%, chỉ còn lại khoảng hơn 4.000”, ông Linh thông tin.
Lãnh đạo một trường ngoài công lập phân tích thêm một nguyên nhân khác: “Khoảng 3 năm trở lại đây, hầu như năm nào TP.HCM cũng xây thêm một vài trường THPT mới. Ngay cả các trường công lập mới xây còn không tuyển sinh đủ chỉ tiêu, thì lấy đâu ra học sinh cho chúng tôi tuyển? Xây mới trường công, liên tiếp cho thành lập trường ngoài công lập nhưng nguồn tuyển vẫn vậy, thậm chí ngày càng ít đi”. Thực tế trong những năm gần đây, một số trường công được xây dựng quy mô lớn nhưng vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu, phải xin HS không trúng tuyển ở quận lân cận.
Cạnh tranh không lành mạnh
Có một thực tế diễn ra trong hệ thống các trường ngoài công lập hiện nay là sự cạnh tranh không lành mạnh. Thạc sĩ Nguyễn Trung Kiên cho biết: “Có nhiều trường tuyển sinh không được, rồi tìm cách chèo kéo HS trường khác”. Đồng quan điểm, lãnh đạo một trường THPT ngoài công lập tại Q.Tân Bình cho biết: “Có trường còn tìm cách lấy danh sách HS của trường khác, rồi gửi thư hoặc tiếp xúc với phụ huynh để chiêu dụ. Thậm chí, trường A chèo kéo HS bằng cách trả lương cao cho giáo viên trường B để họ về phục vụ trường mình. Sau đó, trường A nhờ giáo viên này lôi kéo HS trường cũ về học”.
Theo một cán bộ của Sở GD-ĐT TP.HCM, ngày trước có ít trường ngoài công lập, việc tuyển sinh dễ dàng, lợi nhuận ngay trước mắt. Nhưng về sau, nhiều người thấy dễ kiếm lợi quá nên đầu tư theo kiểu… “hốt được bao nhiêu thì hốt”. “Họ chỉ nghĩ đến lợi nhuận chứ không xây dựng thương hiệu bằng chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, nên phụ huynh dần mất lòng tin. Khi phụ huynh không tin thì làm sao trường tuyển sinh được?”, vị này đặt vấn đề. Cùng quan điểm, ông Ngô Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (Q.7), nhận định: “Bản thân nhiều trường ngoài công lập chưa khẳng định được chất lượng nên phụ huynh chưa thực sự tin tưởng hệ thống trường này. Chất lượng đội ngũ giáo viên nhiều trường không ổn định, cơ sở vật chất thuê mướn”.
Hạ chuẩn đầu vào để tuyển được học sinh
Ngay cả những trường ngoài công lập được xem là có chất lượng cũng gặp khó khăn trong tuyển sinh đến mức phải hạ chuẩn đầu vào mới có thể tồn tại.
Ông Phan Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường phổ thông tư thục Trương Vĩnh Ký (Q.11), cho hay khoảng 3 năm nay việc tuyển sinh bắt đầu có chiều hướng khó khăn. Mỗi năm số lượng HS nhập học giảm trung bình khoảng 10% so với những năm học trước. Để thu hút HS, trường đã thực hiện phương án hạ chuẩn đầu vào, sau đó tập trung dồn sức nâng cao chất lượng. Cụ thể, trường nới một số quy định về điểm trung bình các môn toán, ngữ văn, hoá học, vật lý, tiếng Anh từ 7,0 xuống còn 6,7.
Theo bà Nguyễn Yên Chi – Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Nguyễn Khuyến (Q.Tân Bình), tỷ lệ HS vào trường 3 năm trở lại đây giảm khoảng 10%. Trước đây, chỉ trong 3 ngày, trường đã tuyển đủ chỉ tiêu với những điều kiện đầu vào cụ thể. Thế nhưng hiện nay, trường không đưa ra tiêu chí mà trên cơ sở hồ sơ HS nộp vào trường sẽ tuyển từ trên xuống cho đến hết chỉ tiêu. Lãnh đạo trường này cho hay chất lượng đầu vào như vậy cũng giảm đi so với trước kia.
|
Minh Luân – Bích Thanh