12/01/2025

Những hình thái chiến tranh tương lai

Thanh Niên độc quyền giới thiệu bài bình luận của Giáo sư Joseph S.Nye (ảnh), Chủ tịch Hội đồng nghị sự toàn cầu về tương lai của chính phủ thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới, về viễn cảnh chiến tranh bất quy ước.

 

Những hình thái chiến tranh tương lai

 

 

Thanh Niên độc quyền giới thiệu bài bình luận của Giáo sư Joseph S.Nye (ảnh), Chủ tịch Hội đồng nghị sự toàn cầu về tương lai của chính phủ thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới, về viễn cảnh chiến tranh bất quy ước.

 

 

Những hình thái chiến tranh tương lai - ảnh 1Cảnh hoang tàn sau đợt rải bom ở Syria – Ảnh: AFP
Những hình thái chiến tranh tương lai - ảnh 2 Ảnh: Project Syndicate
Tại hội nghị thường niên mới đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, tôi tham gia vào nhóm các lãnh đạo quốc phòng để thảo luận về tương lai của quân đội. Vấn đề được chúng tôi đề cập đến là câu hỏi có tính then chốt: Các quân đội thời nay cần phải được chuẩn bị cho dạng chiến tranh nào?
Sự tiến hóa của chiến tranh
Thế hệ chiến tranh hiện đại đầu tiên bao gồm những cuộc chiến với quân số đông đảo, sử dụng các đội hình dàn hàng ngang và cột kiểu Napoleon. Thế hệ thứ hai, chủ yếu triển khai bằng hỏa lực trên diện rộng, thể hiện qua một câu nói được cho là đúc kết từ trận chiến Verdun năm 1916: “Pháo binh chế ngự, bộ binh chiếm lĩnh”. Và thế hệ thứ ba, được Đức hoàn thiện với chiến thuật “chiến tranh chớp nhoáng” vào Thế chiến 2, nhấn mạnh sự di chuyển cơ động lực lượng, các quân đội sử dụng chiêu xâm nhập để vòng tránh quân địch và tiêu diệt kẻ thù từ đằng sau thay vì tấn công trực diện. Chiến tranh thế hệ thứ tư đẩy mạnh hơn nữa hướng tiếp cận theo kiểu phân tán này và chẳng có mặt trận nào cụ thể. Thay vào đó, nó tập trung vào xã hội của kẻ địch, thọc sâu vào lãnh thổ đối phương để bẻ gãy ý chí chính trị của đối thủ. Ngoài ra còn có thể kể thêm thế hệ thứ năm, trong đó các công nghệ như thiết bị bay không người lái và các chiến thuật tấn công mạng cho phép binh lính ở cách các mục tiêu dân sự cả lục địa.
Mặc dù những phác hoạ cụ thể về các thế hệ có phần tùy hứng, nhưng chúng phản ánh một xu hướng quan trọng: sự xoá nhoà giữa mặt trận quân sự với hậu phương dân sự. Đẩy nhanh tốc độ của quá trình chuyển đổi này là sự thay thế chiến tranh giữa các quốc gia bằng những cuộc xung đột quân sự có liên quan đến các yếu tố phi quốc gia, như các nhóm nổi dậy, những mạng lưới khủng bố và những tổ chức tội phạm. Vấn đề càng thêm rối rắm hơn với sự chồng chéo giữa những nhóm trên và một số thậm chí còn nhận được sự hỗ trợ từ các chính phủ. Chẳng hạn, Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia, tổ chức du kích lâu đời nhất Nam Mỹ, liên kết với các tập đoàn buôn lậu ma tuý. Một số nhóm Taliban tại Afghanistan và những nơi khác thắt chặt quan hệ với những tay súng al-Qaeda.
Những tổ chức trên thường tận dụng lợi thế từ những nhà nước thiếu tính chính danh hoặc không đủ năng lực quản lý hiệu quả khu vực của mình, triển khai những chiến dịch hỗn hợp giữa các hoạt động chính trị lẫn vũ trang, và theo thời gian nắm luôn quyền kiểm soát đối với các khu vực dân cư. Những cuộc chiến hỗn hợp này tận dụng nhiều nguồn lực vũ khí khác nhau, và không phải lúc nào cũng dùng đến hoả lực.
Chiến tranh bất quy tắc
Trong chiến tranh hỗn hợp, các lực lượng quy ước và không quy ước, các tay súng và dân thường, những hành động phá hoại bằng bạo lực và thao túng thông tin bắt đầu quyện chặt vào nhau một cách triệt để. Tại Li Băng năm 2006, Hezbollah đánh nhau với Israel thông qua những nhóm nhỏ được huấn luyện kỹ càng, kết hợp chiến lược tuyên truyền, cộng thêm các chiến thuật quân sự và phóng rốc két từ những khu dân cư đông đúc, và đạt được điều mà nhiều người trong khu vực xem là thắng lợi về mặt chính trị.
Dạng chiến tranh nói trên chủ yếu nổi lên để chống lại lợi thế áp đảo về quân sự của Mỹ sau khi Liên Xô tan rã, thể hiện qua chiến thắng trong cuộc chiến Iraq năm 1991 (chỉ có 148 lính Mỹ thiệt mạng), và sự can thiệp mà không tổn thất nhân mạng của Mỹ trong cuộc xung đột Kosovo năm 1999. Trước tình trạng bất đối xứng trên, các đối thủ của Mỹ, dù ở bình diện quốc gia hoặc phi quốc gia, bắt đầu tập trung vào các chiến thuật bất quy ước.
Về phần mình, các tổ chức khủng bố nhận ra họ không thể nào đánh thắng một quân đội quy ước trong cuộc chiến trực diện, nên nỗ lực lợi dụng chính sức mạnh của chính quyền để chống lại họ. Osama bin Laden đã chọc giận và kích động Mỹ, khiến nước này liên tục thực hiện những hành động thái quá dẫn đến hủy hoại lòng tin, làm suy yếu các liên minh trong thế giới Hồi giáo, và cuối cùng vắt kiệt sức lực của quân đội Mỹ.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) giờ đây cũng áp dụng chiến lược tương tự, pha trộn những chiến dịch quân sự đẫm máu với chiến dịch truyền thông xã hội, được nhấn mạnh bằng các hình ảnh và clip quay cảnh hành quyết dã man. Những nỗ lực này thúc đẩy nhiều cá nhân và tổ chức bất mãn về đầu quân dưới trướng IS.
Sự tiến hóa không thể đoán trước của chiến tranh đang tạo nên thách thức nghiêm trọng đối với những nhà hoạch định chính sách quốc phòng. Đối với một số quốc gia yếu ớt, các mối đe doạ nội tại đã vạch ra những mục tiêu hết sức rõ ràng. Về phần mình, Mỹ buộc phải cân bằng giữa sự ủng hộ đối với các lực lượng quân đội chính quy, vốn đóng vai trò răn đe quan trọng tại châu Á và châu Âu, và việc đầu tư vào các năng lực thay thế cần thiết đối với các cuộc xung đột tại Trung Đông. Trong thời buổi đối diện với sự thay đổi chưa từng có, Mỹ và các cường quốc khác phải chuẩn bị sẵn sàng trước mọi tình huống có thể xảy ra.

(THỤY MIÊN lược dịch)

© Project Syndicate

JOSEPH S.NYE (Giáo sư Đại học Harvard)