10/01/2025

Cơ hội hoà bình cuối cùng cho Ukraine

Các lãnh đạo Nga, Đức, Pháp đã đồng ý soạn thảo kế hoạch hoà bình nhằm chấm dứt cuộc giao tranh tại miền đông Ukraine.

 

Cơ hội hoà bình cuối cùng cho Ukraine

 

Các lãnh đạo Nga, Đức, Pháp đã đồng ý soạn thảo kế hoạch hoà bình nhằm chấm dứt cuộc giao tranh tại miền đông Ukraine.

 

 

 

Các lãnh đạo Nga, Pháp và Đức chạy đua với thời gian để soạn thảo kế hoạch chấm dứt xung đột ở Ukraine - Ảnh: ReutersCác lãnh đạo Nga, Pháp và Đức chạy đua với thời gian để soạn thảo kế hoạch chấm dứt xung đột ở Ukraine – Ảnh: Reuters
Trong cuộc họp kín kéo dài gần 5 giờ và kết thúc vào rạng sáng 7.2 (giờ VN), các lãnh đạo Nga, Pháp, Đức đã đồng ý lập kế hoạch chi tiết về việc thực thi các thoả thuận hoà bình được ký hồi tháng 9.2014. Bản kế hoạch mới sẽ bao gồm các đề xuất của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande, đề xuất bổ sung của Tổng thống Nga Vladimir Putin và cả đề xuất của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Chi tiết bản kế hoạch không được tiết lộ song phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Việc soạn thảo nội dung văn kiện chung về khả năng thực thi thoả thuận Minsk đang được tiến hành”. Cũng theo ông Peskov, cuộc đối thoại giữa các lãnh đạo “mang tính xây dựng và có ý nghĩa”.
Hiện chưa rõ các bên có thống nhất về một vấn đề quan trọng là liệu quân nổi dậy ở miền đông Ukraine có rút khỏi các vùng đất họ chiếm đóng kể từ khi thỏa thuận Minsk bị vi phạm hay không. Reuters đưa tin các lãnh đạo Đức, Pháp, Nga sẽ thảo luận kế hoạch trên lần nữa qua điện thoại với Tổng thống Ukraine hôm nay 8.2, nhằm ngăn chặn nguy cơ cuộc giao tranh ở miền đông Ukraine vượt ngoài tầm kiểm soát trong bối cảnh Washington cân nhắc việc cung cấp vũ khí cho Kiev. Phát biểu sau khi trở về nước, Tổng thống Hollande tuyên bố sáng kiến của Pháp và Đức là “cơ hội cuối cùng” cho hòa bình ở Ukraine. “Nếu chúng ta không xoay xở tìm ra một thỏa thuận hoà bình bền vững, chứ không chỉ là một thoả hiệp, chúng ta biết chính xác kịch bản nào sẽ diễn ra. Nó có một cái tên là chiến tranh”, ông Hollande nói.
Cùng ngày, Hội nghị an ninh Munich đã khai mạc tại TP.Munich (Đức) với sự tham dự của khoảng 400 chính trị gia và chuyên gia, với chương trình nghị sự hàng đầu là cuộc khủng hoảng Ukraine và cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Merkel tuyên bố bà phản đối ý tưởng đưa vũ khí phương Tây vào Ukraine vì thêm vũ khí không giúp giải quyết xung đột. “Tôi tin chắc rằng không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột”, bà Merkel nhấn mạnh. Ngược lại, Tư lệnh NATO, tướng Mỹ Philip Breedlove đưa ra tín hiệu rõ rệt về ý định cung cấp vũ khí cho Kiev. “Tôi không nghĩ chúng ta nên gạt bỏ giải pháp quân sự”, ông Breedlove phát biểu và bổ sung rằng ông muốn đề cập đến việc cung cấp vũ khí và xây dựng năng lực chứ không phải đưa quân vào Ukraine. Cũng trong hôm qua, bà Merkel, ông Poroshenko và Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiến hành hội đàm 3 bên về kế hoạch hoà bình cho Ukraine.
Phát biểu sau cuộc họp, ông Biden nói Washington muốn có một giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột song tuyên bố thêm rằng Ukraine có quyền phòng vệ trước nước Nga, và Mỹ sẽ cung cấp các phương tiện để Kiev làm điều đó. Trong khi đó, Tổng thống Poroshenko nhấn mạnh vấn đề Ukraine sẽ không được giải quyết nếu nước này không nhận được sự hỗ trợ quân sự, kinh tế, chính trị từ châu Âu và các nước đồng minh, theo Reuters. Cũng tại hội nghị ở Munich, ông Poroshenko đã trưng ra hộ chiếu, giấy tờ tuỳ thân của nhiều binh sĩ Nga để làm bằng chứng cho cáo buộc quân Nga hiện diện ở Ukraine.

Danh Toạ