10/01/2025

Triển vọng hoà bình mới cho Ukraine

Chuyến công du bất ngờ đến Nga của hai nhà lãnh đạo Đức, Pháp được kỳ vọng có thể giúp miền đông Ukraine yên tiếng súng.

 

Triển vọng hoà bình mới cho Ukraine

 

 

Chuyến công du bất ngờ đến Nga của hai nhà lãnh đạo Đức, Pháp được kỳ vọng có thể giúp miền đông Ukraine yên tiếng súng.

 

 

 

Các lãnh đạo Nga, Pháp và Đức đang nỗ lực tìm kiếm đồng thuận về vấn đề Ukraine - Ảnh: Zaman

Các lãnh đạo Nga, Pháp và Đức đang nỗ lực tìm kiếm đồng thuận về vấn đề Ukraine – Ảnh: Zaman

 

Ngày 6.2, Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel bất ngờ đến Nga hội đàm cùng Tổng thống Vladimir Putin để “thảo luận một cách xây dựng” về giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Tờ Le Monde dẫn lời ông Hollande nhấn mạnh chuyến công du nhằm tìm ra một thoả thuận thật sự được các bên chấp nhận, trong bối cảnh giao tranh ở miền Đông có nguy cơ trở thành “cuộc chiến toàn diện”. Trước khi đến Moscow, 2 nhà lãnh đạo Đức, Pháp cũng đã có cuộc hội đàm kéo dài 5 giờ với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tại Kiev. Nội dung thảo luận không được tiết lộ do tuyên bố chung đã bị huỷ vào giờ chót nhưng theo ông Poroshenko, cuộc gặp đã “mang đến hy vọng ngừng bắn”.

Tờ Le Figaro dẫn một số nguồn tin riêng cho biết từ nhiều ngày qua, Tổng thống Nga Putin đã đề xuất với Pháp và Đức về các giải pháp hoà bình cho miền đông như ngừng bắn ở vùng Donbass (gồm 2 khu vực trọng yếu đang dưới quyền kiểm soát của phe chống đối là Donetsk và Lugansk) để đổi lấy quyền tự chủ cao hơn cho những khu vực nói tiếng Nga. Pháp, Đức cũng đưa ra một bản dự thảo sau khi tham khảo ý kiến của Ukraine và Mỹ cho kế hoạch hòa bình dựa trên nguyên tắc “đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, bắt đầu bằng việc hướng nước này trở thành một quốc gia trung lập và xem xét liên bang hoá, sau đó áp dụng các điều khoản chính trong thoả thuận được ký hồi tháng 9.2014 bao gồm ngừng bắn, rút vũ khí hạng nặng khỏi vùng đệm phi quân sự…
Như vậy, tuy được công bố có phần bất ngờ nhưng chuyến công du của ông Hollande và bà Merkel đã được chuẩn bị chu đáo từ trước. Vì thế, giới quan sát đánh giá diễn biến mới có thể mang đến những chuyển biến tích cực cho tình hình Ukraine. Ngoài ra, theo Le Figaro, từ nhiều tháng qua, Berlin tỏ thái độ rất cứng rắn với Moscow. Hội thảo quốc tế về Ukraine dự kiến được tổ chức ở Kazakhstan vào ngày 15.1 bị huỷ cũng do Đức từ chối tham dự. Vì vậy, việc đồng ý đến Moscow trong ngày 6.2 cho thấy bà Merkel đã nhận được những “tín hiệu lạc quan”.
Một điểm đáng chú ý khác là ngay trước chuyến công du, Tổng thống Hollande khẳng định “không ủng hộ Ukraine gia nhập NATO”. Paris và Berlin cũng nhiều lần tuyên bố sẽ không cung cấp vũ khí cho Kiev. Trong cuộc họp tại Brussels (Bỉ) của các bộ trưởng quốc phòng NATO, phần lớn thành viên cũng không ủng hộ viện trợ vũ khí. Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevitch cảnh báo việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine là “đe doạ an ninh Nga”.
Mỹ bị qua mặt ?
Đến nay, Mỹ vẫn chưa đưa ra bình luận gì về chuyến công du của 2 lãnh đạo Pháp, Đức. Một số quan chức Pháp còn tiết lộ ông Hollande và bà Merkel đã không tham vấn trước với Washington. Từ đó, tờ Le Nouvel Observateur nhận định Pháp và Đức lo ngại việc Mỹ có ý định cung cấp vũ khí cho Ukraine và áp đặt giải pháp của mình lên các đồng minh ở châu Âu. Theo báo này, ông Hollande và bà Merkel muốn nhanh chóng đưa ra cho ông Putin kế hoạch hòa bình trước khi Phó tổng thống Mỹ Joe Biden trình bày khả năng gửi vũ khí sát thương cho Kiev tại Hội nghị an ninh Munich vào hôm nay 7.2 (giờ địa phương).

Lan Chi