01/11/2024

Tránh chọn ngành nghề thời thượng

Những thắc mắc của học sinh tỉnh Đắk Lắk liên quan đến hướng nghiệp, quy định mới về kỳ thi THPT quốc gia sắp tới sẽ được giải đáp trong chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra tại tỉnh này vào chiều nay (7.2), tại TP.Buôn Ma Thuột.

 

Tránh chọn ngành nghề thời thượng

 

 

Những thắc mắc của học sinh tỉnh Đắk Lắk liên quan đến hướng nghiệp, quy định mới về kỳ thi THPT quốc gia sắp tới sẽ được giải đáp trong chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra tại tỉnh này vào chiều nay (7.2), tại TP.Buôn Ma Thuột.

 

 

 

Học sinh lớp 12 Trường THPT Buôn Ma Thuột làm bài kiểm tra tập trung

Học sinh lớp 12 Trường THPT Buôn Ma Thuột làm bài kiểm tra tập trung  - Ảnh: T.N.Q

 

Chương trình do Báo Thanh Niên phối hợp Bộ GD-ĐT tổ chức. 

Chưa biết thi môn nào thay thế môn ngoại ngữ

Nhiều ngày nay, Nguyễn Ngọc Quỳnh Như (lớp 12A1), Nguyễn Ngọc Anh (lớp 12A10) cùng nhiều học sinh (HS) khối 12 Trường THPT Chu Văn An (Đắk Lắk) băn khoăn khi chưa có thông tin đầy đủ về quy chế kỳ thi THPT quốc gia, cũng như chưa xác định được ngành nghề mình sẽ đăng ký tuyển sinh vào ĐH. “Ở Đắk Lắk chưa có quy định chính thức môn thi thay thế môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia nên em chưa biết tập trung học môn nào”, Ngọc Anh cho biết.

 
 
Tránh chọn ngành nghề thời thượng - ảnh 2

Các chuyên gia cần tư vấn chuyên sâu và có tầm nhìn xa hơn về những ngành nghề theo quy hoạch chiến lược, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước những năm tới; tránh để HS đổ xô đăng ký những ngành nghề có vẻ “hot”, “thời thượng” trước mắt nhưng đến khi tốt nghiệp thì lại thiếu việc làm

Tránh chọn ngành nghề thời thượng - ảnh 3
 

Tiến sĩ Phan Nhật Khánh,
Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Đắk Lắk

 

Còn Quỳnh Như chia sẻ: “Em cùng nhiều bạn trong lớp dự định đăng ký xét tuyển vào các ngành kinh tế như quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng, nhưng nghe nói hiện nay nhiều sinh viên tốt nghiệp những ngành này thiếu việc làm nên rất phân vân”…

Ông Phạm Văn Tô, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, thừa nhận nhiều HS khối 12 của trường có cùng suy nghĩ với Như và Anh. Theo ông Tô, qua khảo sát của trường, hơn 50% HS không muốn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ nhưng lại chưa có quy định thi môn thay thế nên trường chưa “quyết” thi môn ngoại ngữ hay không. Về tuyển sinh, hướng nghiệp, ông Tô cho rằng HS cần được tư vấn, định hướng những ngành nghề trong tương lai có nhu cầu lớn. “Nhiều trường ĐH, CĐ đến phát tờ rơi thông tin tuyển sinh những ngành nghề thiết thực, nhưng HS lại bỏ qua do còn thiếu hiểu biết về nghề nghiệp. Mặt khác, do tâm lý đám đông nên nhiều HS cùng nhau đăng ký một vài ngành nghề hiện đã quá thừa nhân lực. Theo chúng tôi, các chuyên gia tư vấn cần phân tích rõ cho HS nắm để có thể đăng ký xét tuyển theo nhiều khối”, ông Tô nhận định.

 Lựa chọn bậc học phù hợp

“Những HS đăng ký xét tuyển ngành nghề hôm nay sẽ là “khách hàng” của trung tâm dịch vụ việc làm ngày mai, nên chúng tôi mong muốn các trường ĐH, CĐ nhìn vào bức tranh tuyển dụng lao động ở địa phương để tư vấn, định hướng cho các em lựa chọn nghề nghiệp hợp lý”, ông Vũ Phú Hùng, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm (thuộc Sở LĐ-TB-XH Đắk Lắk), đề nghị.

Theo ông Hùng, qua hoạt động giới thiệu việc làm của trung tâm cho thấy số lượng lao động tốt nghiệp ĐH không có việc làm hiện chiếm tỷ lệ lớn, thậm chí nhiều hơn lao động phổ thông, nhất là sinh viên tốt nghiệp các trường không thuộc lĩnh vực kỹ thuật, ứng dụng. Ông Hùng đánh giá: “Không ít người cất tấm bằng ĐH về kinh tế để đăng ký làm công việc lao động phổ thông. Còn lao động có chứng chỉ nghề đăng ký tìm việc chỉ chiếm 4 – 5% trong khi nhu cầu hơn 50%. Những ngành nghề kỹ thuật cơ khí, đầu bếp cả trong và ngoài tỉnh rất cần nhưng trung tâm tìm không ra người. Vì vậy, theo chúng tôi, hiện nay và cả trong tương lai gần, học trường nghề sẽ có nhiều cơ hội về việc làm hơn”.

Tiến sĩ Phan Nhật Khánh, Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Đắk Lắk, cũng cho rằng nghịch lý thiếu và thừa lao động trong các ngành nghề hiện nay bắt nguồn từ nguyên nhân đào tạo không theo nhu cầu thị trường. “Các chuyên gia cần tư vấn chuyên sâu và có tầm nhìn xa hơn về những ngành nghề theo quy hoạch chiến lược, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước những năm tới; tránh để HS đổ xô đăng ký những ngành nghề có vẻ “hot”, “thời thượng” trước mắt nhưng đến khi tốt nghiệp thì lại thiếu việc làm”, TS Khánh nói.

Theo ông Khánh, HS ở Đắk Lắk cũng đang cần nắm rõ những quy định về chế độ, chính sách ưu tiên theo đối tượng khi đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ; đồng thời cần được tư vấn về tuyển sinh những nhóm ngành đặc thù, như ngành công an…     

Tư vấn cộng đồng kết hợp gian hàng triển lãm

Vào lúc 14 giờ hôm nay, tại Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh Đắk Lắk, chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp Bộ GD-ĐT tổ chức sẽ diễn ra buổi tư vấn cộng đồng và gian hàng triển lãm.

Khoảng 1.800 HS lớp 12 ở TP.Buôn Ma Thuột sẽ tham gia chương trình. Các chuyên gia tư vấn tiếp tục giải đáp những thắc mắc về quy chế kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ, các phương án tuyển sinh, tổ hợp môn xét tuyển, chương trình đào tạo và cơ hội việc làm… Bên cạnh đó, đại diện Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB-XH Đắk Lắk sẽ thông tin thêm về những ngành nghề đang có nhu cầu nhân lực tại địa phương, số việc làm hằng năm…

Tham dự chương trình có tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM; đại diện các trường ĐH: Tây Nguyên, Ngân hàng TP.HCM, Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), Tài chính – Marketing, Giao thông vận tải TP.HCM, Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Mở TP.HCM, Lâm nghiệp (cơ sở 2), Lạc Hồng, Văn Lang, Quốc tế Sài Gòn, Quốc tế Hồng Bàng, Kiến trúc Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, CĐ Tài chính – Hải quan, CĐ Bách Việt…

Mỹ Quyên

 

Ngọc Quyền