Lớp 1 không nhỏ đâu!
Trong buổi họp phụ huynh lớp 1, một chị đứng lên có ý kiến: “Mong các phụ huynh quan tâm đến con em mình, nhất là các suy nghĩ, lời nói, hành vi không bình thường”.
Lớp 1 không nhỏ đâu!
Trong buổi họp phụ huynh lớp 1, một chị đứng lên có ý kiến: “Mong các phụ huynh quan tâm đến con em mình, nhất là các suy nghĩ, lời nói, hành vi không bình thường”.
Một tiết học của học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh, Q.10, TP.HCM – Ảnh minh hoạ |
Rồi chị kể con trai chị tính vốn nhút nhát, gần đây đi học về hay buồn, chị gặng hỏi mãi cháu mới nói là trong lớp không ai chơi vì có một bạn nữ cấm các bạn khác chơi với cháu.
Chị hỏi vì sao bạn làm như vậy, con trai thật thà nói rằng vì cháu lỡ không giữ lời hứa với bạn nữ đó nên bạn giận, bạn nghỉ chơi và cũng không ai chơi với cháu.
Người mẹ giảng giải cho con hiểu rằng phải giữ lời hứa với bạn hay với bất cứ ai, rằng như thế là con có lỗi và phải xin lỗi bạn. Ngày hôm sau, chị đón con sớm hơn thường lệ và được con trai dắt đến gặp bạn nữ đó, chị bảo con xin lỗi bạn và cũng xin bạn đừng giận con mình nữa.
Mọi chuyện tưởng kết thúc ở đó thì mấy ngày sau, sau khi đi học về, đến tối con trai chị mếu máo nói là trong cặp cháu có cái gì đó. Chị mở ra xem mới hay là có bạn nào đó đã nhét một gói… phân vào cặp. Chị vừa buồn vừa giận liền gọi điện cho cô giáo.
Chị kể đến đây thì bật khóc.
Cô giáo tiếp lời: “Một lần nữa tôi xin lỗi chị! Thật tình tôi vô cùng bất ngờ với việc làm đó. Hôm sau tôi có hỏi kỹ mới biết rằng bạn nữ đó đã xúi một bạn nữ khác làm việc rất không hay này. Tôi đã bảo học sinh đó mời phụ huynh đến trường làm việc nhưng hôm sau thì em ấy khóc và nói rằng con biết lỗi rồi, cô tha cho con, nếu con nói với mẹ thì chắc mẹ con đánh con chết. Thôi cũng mong chị tha lỗi cho cháu. Tôi cũng rầy em ấy rất nhiều và đã bắt xin lỗi bạn, hứa sẽ không tái phạm”.
Trong lớp, các phụ huynh xôn xao, không ngờ lại xảy ra việc đó. Riêng tôi thấy xử sự của cô giáo là hợp lý. Hành vi của học sinh nữ đó tuy đáng trách nhưng có lẽ không phải là “ý tưởng” của bản thân em mà có thể em đã bắt chước ai đó.
Cô giáo đã nhiều lần xin lỗi chị phụ huynh kia dù rõ ràng cô không thể nào quản được hành vi của học trò đối với học trò khác. Cô cũng mạnh dạn bỏ qua cho học sinh vi phạm mà không làm lớn chuyện bởi e rằng có thể tổn thương đến đứa trẻ khi bị trừng phạt nặng nề hoặc khiến cháu bị ám ảnh do sự việc trở nên trầm trọng.
Và cả cô giáo lẫn vị phụ huynh kia mạnh dạn kể lại câu chuyện trước nhiều phụ huynh khác là biến chuyện riêng thành một bài học chung của nhiều người, để các phụ huynh cũng quan tâm, suy nghĩ và tự rút ra bài học cho mình.
Bản thân tôi luôn chú trọng việc trò chuyện với con để tìm hiểu việc học cũng như các sinh hoạt khác của con trong trường. Câu tôi hay hỏi là: “Hôm nay con đi học có vui không?”, “Hôm nay con chơi với những bạn nào?”, “Con học có ngoan không? Có bị cô phạt không?”, “Con có ăn hết phần ăn không và ăn có nhanh không?”…
Qua câu trả lời của con, tôi có thể phán đoán được cháu luôn nói thật, nhất là thói quen ăn chậm và hay bỏ mứa.
Đó cũng là cách mà chị phụ huynh tìm hiểu con và từ đó phát hiện được những việc không hề nhỏ so với lứa tuổi lớp 1. Nếu chị ấy không quan tâm hoặc quan tâm không đúng mực thì có thể không phát hiện và sự việc có thể trầm trọng hơn đối với con trai chị.
Với con gái tôi, tuổi lớp 1 thật hồn nhiên, ngây thơ. Nhưng với một số trẻ khác có thể không được như thế, nhất là khi phải tham gia cuộc mưu sinh hoặc phải sống trong một môi trường không thật sự lành mạnh, mà đã bắt đầu học những thói quen không tốt, thậm chí các trò ma mãnh, láu cá.
Các cháu ấy có thể đáng thương hơn đáng trách, bởi đang mất dần sự tự nhiên của lứa tuổi mà đã bắt đầu bị ảnh hưởng bởi những điều không tốt ở xung quanh.
Vì vậy, tôi ước chi các phụ huynh đều quan tâm thật đúng cách, thật đầy đủ đến con em của mình để kịp thời phát hiện những lệch lạc mà điều chỉnh, uốn nắn. Được như thế thì có thể người lớn sẽ không phải thốt lên: “lớp 1 không nhỏ đâu!” vừa xót xa vừa hờn giận…