27/11/2024

Giá dầu thô giảm tác động tới quan hệ kinh tế Việt – Trung

Đó là nhận định của một số chuyên gia tại toạ đàm “Biến động giá dầu và tác động đến kinh tế VN”, do Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế – xã hội quốc gia, Bộ KH-ĐT tổ chức ngày 6.2.

 

Giá dầu thô giảm tác động tới quan hệ kinh tế Việt – Trung

 

 

Đó là nhận định của một số chuyên gia tại toạ đàm “Biến động giá dầu và tác động đến kinh tế VN”, do Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế – xã hội quốc gia, Bộ KH-ĐT tổ chức ngày 6.2.

 

 

Giá dầu giảm sẽ giúp các DN có điều kiện tăng năng lực cạnh tranh

Giá dầu giảm sẽ giúp các DN có điều kiện tăng năng lực cạnh tranh – Ảnh: Ngọc Thắng

Ngân sách cân đối được

TS Lương Văn Khôi, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế – xã hội quốc gia, cho biết trung tâm này đã dựa theo mô hình nghiên cứu NiGEM của Anh – mô hình chuyên dự báo, đánh giá các cú sốc thế giới tác động đến các nền kinh tế – để nghiên cứu tác động của giá dầu tới kinh tế VN. Dựa trên 3 kịch bản giá dầu giảm khác nhau: giảm dưới 50 USD/thùng, 40 USD/thùng và 30 USD/thùng trong năm 2015, mô hình NiGEM cho những kết quả đánh giá tác động đến kinh tế VN, tương ứng với các mức tăng trưởng GDP tăng 0,48% – 0,61 – 0,75%; chỉ số lạm phát cũng giảm theo 3 mức: 1,14% – 1,11% – 1,07%; thu ngân sách nhà nước giảm 6.656 – 7.643 – 8.663 tỉ đồng; dự trữ ngoại hối giảm 1,04 – 1,12 – 1,45 tỉ USD; xuất khẩu tăng 2,9% – 3,44% – 4,01%; nhập khẩu tăng 1,83% – 2,15% – 2,48%.

 
 

Cần tính toán dựa trên giá bán lẻ xăng dầu trong nước

 

Bà Vũ Thị Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê – Tổng cục Thống kê, cho rằng cả 3 kịch bản về giá dầu đều không được tính toán dựa trên giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Nếu tính tác động đến chi phí sản xuất, giá đầu vào các ngành hàng khác… thì phải dựa trên giá bán lẻ xăng dầu trong nước, còn nếu tính toán như kịch bản đưa ra thì chỉ mới là tác động tới ngân sách nhà nước.

 

 

Vẫn theo mô hình nghiên cứu của NiGEM, nhưng nếu tính thêm cả yếu tố tác động là trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước VN thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất cho vay thì tương ứng với 3 kịch bản giá dầu giảm như trên, tác động tới các chỉ số kinh tế vĩ mô cũng sẽ khác đi như GDP sẽ tương ứng tăng theo trong 3 mức: 0,78% – 0,91% – 1,04%, chỉ số lạm phát tăng 0,23% – 0,26% – 0,29%, thu ngân sách nhà nước sẽ giảm 3.137 – 4.160 – 5.228 tỉ đồng, dự trữ ngoại hối giảm 0,477 – 0,635 – 0,799 tỉ USD.

Theo ông Khôi, với cả 3 kịch bản thì VN có thể chưa phải giảm sản lượng nhưng mức giảm theo kịch bản nào cũng tác động 2 chiều và nhìn tổng thể, là có lợi cho kinh tế VN. “Giá dầu giảm sẽ kích thích sản xuất trong nước, mức đóng thuế sẽ tăng lên, doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh… sẽ tác động nhất định đến tăng trưởng kinh tế. Dù kịch bản nào ngân sách cũng cân đối được. Lạm phát hiện nay rất thấp, nên không gian chính sách để tăng lạm phát lên 5% như mục tiêu là rộng và như vậy tăng trưởng GDP có thể đạt trên 6% như đề ra”, ông Khôi nói.

Nhập khẩu từ Trung Quốc giảm

Ông Khôi phân tích, các kịch bản giá dầu giảm khác nhau đưa đến những tác động nhất định đến quan hệ kinh tế VN – Trung Quốc (TQ). Theo kịch bản giá dầu giảm dưới 50 USD/thùng thì kim ngạch xuất khẩu/nhập khẩu của VN với TQ sẽ giảm 50%, phần giảm kim ngạch nhập khẩu từ TQ sẽ thay bằng nguồn từ nước khác (với giá cao hơn). Nếu giá dầu giảm dưới 40 USD/thùng thì kim ngạch thương mại 2 chiều của VN với TQ sẽ giảm 30%. Nếu giá dầu giảm dưới 30 USD, toàn bộ hàng trung gian và tư liệu sản xuất nhập từ TQ sẽ ngừng giao dịch và VN sẽ chuyển hướng nhập từ nước khác.

Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế – xã hội quốc gia đã đưa ra một số kiến nghị chính sách với Chính phủ trong đó nhấn mạnh việc cần phải có chính sách thích hợp để giảm dần sự lệ thuộc cao vào thị trường TQ và trong ngắn hạn, nên chuyển hướng nhập khẩu sang các nước tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà VN dự kiến sẽ tham gia năm nay. “Còn về trung và dài hạn, VN cần có chính sách thoả đáng để khuyến khích đầu tư trong nước, phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ, thu hút FDI từ những đối tác có trình độ công nghệ cao để sản xuất những mặt hàng mà VN đang nhập khẩu từ TQ với tỷ trọng lớn”, ông Khôi nói.

Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT), cho rằng nghiên cứu tác động giá dầu thô đến kinh tế VN cần tính tới những tác động rộng hơn và độ trễ của việc giảm giá tác động vào nền kinh tế rất chậm. “Chúng ta vẫn quen theo quán tính này, cần đưa ra giải pháp thêm nữa để quản lý điều hành, xem các ngành sử dụng xăng dầu ra sao để có tính toán cần thiết. Đây là cơ hội hiếm có để tái cơ cấu, tăng năng suất và giảm giá thành”, ông Lưu Bích Hồ nói.

Mạnh Quân