27/11/2024

Tìm lối ra cho Ukraine

Các cuộc ngoại giao con thoi đang tấp nập để tìm giải pháp cho vấn đề Ukraine khi xung đột ở miền đông có dấu hiệu gia tăng trở lại.

 

Tìm lối ra cho Ukraine

 

Các cuộc ngoại giao con thoi đang tấp nập để tìm giải pháp cho vấn đề Ukraine khi xung đột ở miền đông có dấu hiệu gia tăng trở lại.

 

 


 

 

Những mộ giả đặt trước sứ quán Nga ở Kiev với tên những nạn nhân thường dân của vụ tấn công cảng Mariupol - Ảnh: Reuters
Những mộ giả đặt trước sứ quán Nga ở Kiev với tên những nạn nhân thường dân của vụ tấn công cảng Mariupol – Ảnh: Reuters

Hôm qua, theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến Kiev. Phó tổng thống Mỹ Joe Biden cũng có mặt tại Brussels (Bỉ) hôm nay để gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cùng các lãnh đạo khác của Liên minh châu Âu (EU) để bàn chuyện trợ giúp Kiev.

Nhà lãnh đạo Mỹ sau đó sẽ sang Munich (Đức) phát biểu tại Hội nghị an ninh thường niên Munich, trong đó ông sẽ đề cập vấn đề xử lý khủng hoảng Ukraine cùng cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Chưa hết, theo kế hoạch, ngày 9-2 Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ sang Washington bàn thảo với Tổng thống Mỹ Barack Obama về tình hình Ukraine.

Vẫn ưu tiên ngoại giao?

Đức, Pháp vào cuộc

Theo Reuters, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp François Hollande đã đến Kiev hôm qua gặp Tổng thống Petro Poroshenko và ngay hôm nay sang Matxcơva thảo luận với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin về cách thức ngăn chặn bạo lực leo thang.

Người phát ngôn của bà Merkel, ông Steffen Seibert, cho biết: “Trước tình hình leo thang bạo lực trong những ngày gần đây, Thủ tướng Merkel và Tổng thống Hollande đang tăng cường những nỗ lực mà họ đã làm từ nhiều tháng qua để tìm một giải pháp hoà bình cho xung đột ở miền đông Ukraine”.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Kiev để thảo luận với chính quyền Tổng thống Petro Poroshenko về cải cách kinh tế và vấn đề hạ nhiệt xung đột ở miền đông.

“Ông Kerry sẽ nói chuyện về tiến trình mà họ (Ukraine) đã đạt được và cần phải vượt qua trong vài tháng tới – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tuyên bố – Ông ấy cũng sẽ gặp hàng loạt quan chức và thảo luận về cách hợp tác để hạ nhiệt tình hình”.

Trong khi đó, trước khi lên đường sang châu Âu, ông Biden đã có cuộc trả lời phỏng vấn với sáu tờ báo lớn ở châu Âu. Theo đó, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn khăng khăng Nga là tác nhân gây ra tình hình xung đột quân sự hiện nay ở Ukraine.

Thậm chí các vụ tấn công vào thường dân ở Mariupol và Debaltseve bị lên án gần đây cũng được phó tổng thống Mỹ khẳng định là do lực lượng ly khai ở miền đông vốn đang được các binh sĩ Nga, vũ khí Nga và xe tăng Nga hỗ trợ.

Trên báo Le Monde, nhà lãnh đạo Mỹ kết luận: “Tóm lại, Nga đang vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, tức hai nguyên tắc căn bản nhất của trật tự quốc tế thời hậu Thế chiến thứ hai”.

Về chuyện cung cấp vũ khí cho Kiev, ông Biden hòa theo tuyên bố đã được đưa ra vài ngày nay của ông Obama: “Chúng tôi luôn nói rõ ngay từ đầu rằng không có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng này dù phía Nga vẫn luôn cố làm điều đó.

Chúng tôi không có ích lợi gì khi gia tăng bạo lực quân sự và chúng tôi chỉ làm mọi điều để ngăn chặn. Nhưng chính quyền Ukraine có quyền tự vệ và chúng tôi chỉ cung cấp trợ giúp an ninh để giúp Kiev thực thi nhiệm vụ đó. Chúng tôi cũng chỉ có thể hành động thêm bằng các biện pháp khác như trừng phạt kinh tế”.

Về chuyện ủng hộ Ukraine gia nhập khối NATO, Phó tổng thống Biden giải thích: “Cho đến giờ Kiev vẫn chưa có yêu cầu chính thức gia nhập NATO. Tôi nghĩ chỉ bản thân Ukraine sẽ tự quyết định chính sách đối ngoại và chính sách an ninh của mình. Chúng ta chớ quên cuộc xung đột hiện nay không liên quan gì đến chuyện xin gia nhập NATO”.

NATO sẽ “phản ứng nhanh” ở Đông Âu

Hôm qua, bộ trưởng quốc phòng các nước NATO nhóm họp tại Brussels (Bỉ) về vấn đề Nga và dự kiến tăng cường sự hiện diện ở Đông Âu. Adam Thomson, đại diện thường trực của Anh tại NATO, cho biết các lãnh đạo sẽ đưa ra những cam kết mạnh mẽ nhằm thể hiện “NATO đang tăng cường quân sự để đáp lại thách thức trong thái độ hành xử của Nga”.

Đánh giá Matxcơva khó dự đoán hơn thời chiến tranh lạnh và cũng nhằm trấn an các đồng minh ở Đông Âu, NATO sẽ thiết lập mạng lưới các trung tâm chỉ huy để phản ứng nhanh trong những tình huống xảy ra, Hãng Reuters đưa tin.

Hơn 40.000 binh sĩ khối NATO tại khu vực này được đánh giá là không còn phù hợp với nhu cầu hiện tại của khối. Một số nước thành viên là Anh, Pháp, Đức sẽ cam kết đóng vai trò là quốc gia “khuôn khổ” để giúp lực lượng phản ứng nhanh phát triển nhanh nhất.

Lực lượng phản ứng nhanh sẽ bao gồm khoảng 5.000 quân. Mỹ sẽ hỗ trợ lực lượng này với máy bay thu thập thông tin tình báo.

Ngoài ra, các bộ trưởng sẽ quyết định việc nâng cấp lực lượng phản ứng nhanh và mở rộng các trụ sở tại phía đông Ba Lan. NATO hiện có sáu trung tâm chỉ huy tại Ba Lan, Romania, Bulgaria và ba nước vùng Baltic là Estonia, Latvia, Lithuania.

Dù khó có khả năng các bộ trưởng sẽ thống nhất việc thành lập các căn cứ lớn tại Đông Âu, kế hoạch của NATO cũng sẽ khiến Nga khó chịu. Tuy nhiên, người phát ngôn NATO Oana Lungescu khẳng định động thái trên chỉ nhằm mục đích “tự vệ” và tuân theo các cam kết quốc tế của tổ chức này.

Cuộc gặp của các bộ trưởng NATO diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây vẫn leo thang hằng ngày cùng với bạo lực ở miền đông Ukraine.


TRẦN PHƯƠNG – N.QUÂN