Người nuôi cá tra ngày càng nghèo - Ảnh: Thanh Dũng
|
Gia đình ông Nguyễn Thành Tâm ở xã Vĩnh Thạnh Trung, H.Châu Phú (An Giang) có 2 ha ao nuôi cá tra, bình quân mỗi vụ (6 tháng/vụ) thu hoạch trên 80 tấn cá. Vậy mà đã hơn 10 năm nay, cuộc sống gia đình ông mỗi ngày một đi xuống, nợ nần chồng chất. Tiền mua thức ăn ở cửa hàng trong xã trên 170 triệu đồng, đến nay vẫn chưa thanh toán được. “Hơn 10 năm qua, giá thức ăn mỗi năm trung bình tăng khoảng 5% trong khi giá cá nguyên liệu có lúc giảm xuống chỉ còn 15.000 đồng/kg nên nông dân chúng tôi điêu đứng”, ông Tâm mệt mỏi nói.
Không chết mới lạ !
|
|
Giá thức ăn viên nén nhập năm 2010 – 2014 từ 11.500 – 17.500 đồng tăng gấp 3 – 4 lần nhưng chỉ có giá con cá tra xuất khẩu cứ đứng ở mức giá 1 – 1,2 USD/kg nên người nuôi cá không chết mới lạ. Ngẫm cho cùng, càng xuất khẩu càng làm lợi ngoại tệ cho các tập đoàn bán thức ăn nước ngoài
Ông Nguyễn Hữu Nguyên
|
|
|
Giới nuôi trồng thuỷ sản không lạ gì tên tuổi của ông Nguyễn Hữu Nguyên, một người nuôi cá tra kỳ cựu tại H.Châu Phú (An Giang). Năm 2003, ông Nguyên từng được Hiệp hội Thuỷ sản An Giang (AFA) cử làm trưởng đoàn sang Mỹ đàm phán vụ áp thuế chống phá giá bán cá tra VN. Mới đây, chính ông Nguyên đã phải gửi một bức tâm thư tới ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ VN, với tha thiết đề xuất yêu cầu nhà nước có biện pháp cứng rắn với doanh nghiệp làm ăn không minh bạch; kiểm soát chặt chẽ giá cả, chất lượng thức ăn và thuốc thú y thuỷ sản… Ông Nguyên chua chát nói: “Hơn 15 năm nuôi cá tra tôi đã trải qua bao buồn vui, nhưng sau này buồn lại càng buồn thêm vì cá tra là hàng độc quyền mà giá cá cứ bấp bênh”.
Theo ông Nguyên, từ năm 2010 khi cá tra chuyển từ nuôi bè, nuôi đăng quầng sang nuôi hầm thì doanh nghiệp không mua cá tra nuôi cho ăn thức ăn bằng cám, chỉ mua cá tra nuôi bằng thức ăn viên vì ăn thức ăn này cá tăng trọng nhanh, ít mỡ dễ chế biến fillet. Vì thế, người nuôi cá phải chọn thức ăn ngoại nhập với giá chỉ tăng không giảm như nói trên. Thảm hoạ của cá tra bắt đầu từ đây. Thị trường thức ăn cho cá tra xuất hiện hàng loạt người khổng lồ thống lãnh như C.P (Thái), Cagrill (Mỹ)…
“Năm 2014 giá đậu nành nhập là 14.000 đồng/kg, tăng gấp 3 – 4 lần so với năm 2003; giá cám năm 2010 từ 5.000 – 6.000 đồng tăng gấp 10 lần; giá thức ăn viên nén nhập năm 2010 – 2014 từ 11.500 – 17.500 đồng tăng gấp 3 – 4 lần nhưng chỉ có giá con cá tra xuất khẩu cứ đứng ở mức giá 1 – 1,2 USD/kg nên người nuôi cá không chết mới lạ. Ngẫm cho cùng, càng xuất khẩu càng làm lợi ngoại tệ cho các tập đoàn bán thức ăn nước ngoài”, ông Nguyên nói.
Liên kết để tránh kiếp “làm thuê”
Theo ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Nghề cá VN, hiện thị trường thức ăn cho thuỷ sản có 80% thị phần đang nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. “Nuôi cá tra, thức ăn chiếm tới 80% giá thành. Trong thời gian qua, quản lý nhà nước đã bỏ qua những doanh nghiệp sản xuất thức ăn dẫn đến giá tăng liên tục, vì vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến người nuôi cá tra”, ông Thắng nhận định.
Ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty Hùng Vương – Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản VN (Vasep), phân tích: “Hiện nay nhà nước đã bỏ thuế VAT đầu vào nhiều loại nguyên liệu thức ăn nhập khẩu, đồng thời bỏ hẳn VAT đầu ra 5% đối với mặt hàng thức ăn. Đầu vào nguyên liệu chế biến thức ăn trong năm 2014 giảm trung bình 25 – 30% và dự đoán tiếp tục giảm từ 5 – 10%. Hiện giá bán dầu đậu nành giảm 25%, khoai mì cũng tiếp tục giảm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi chỉ giảm giá từ 3 – 5% là chưa hợp lý”.
Để thoát khỏi cảnh “làm thuê” cho doanh nghiệp FDI, ngoài việc quản lý chặt giá bán, biện pháp khả thi nhất là tự làm chủ nguồn thức ăn, liên kết nông dân và doanh nghiệp theo chuỗi khép kín. Theo đánh giá của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN, hiện sản xuất thức ăn cho cá tra có tên tuổi của vài doanh nghiệp VN như Việt Thắng, Vĩnh Hoàn, Hùng Vương, Cỏ Mây… Các doanh nghiệp này tồn tại được nhờ có chu trình sản xuất khép kín từ thức ăn, con giống cho đến tiêu thụ sản phẩm. Mới đây nhất chuỗi liên kết sản xuất cá tra Tafishco của Công ty TNHH sản xuất, thương mại và dịch vụ Thuận An được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho vay tín chấp 234 tỉ đồng.
Mô hình liên kết Tafishco khép kín từ sản xuất cá giống, nuôi cá thịt, chế biến sản phẩm, đến thị trường tiêu thụ, trong đó có liên kết các khu vực dịch vụ khác như cung ứng thức ăn, thuốc thú y, hoá chất, ngân hàng để đầu tư cho các khâu sản xuất. Tham gia chuỗi liên kết, nông dân được mua thức ăn thuỷ sản với giá giảm 150 đồng/kg, được hướng dẫn nuôi cá theo các tiêu chuẩn Viet.GAP hoặc Global.GAP. Liên kết vùng nguyên liệu và nhà máy để giảm giá thành, đảm bảo chất lượng nguyên liệu cũng là xu hướng chung hiện nay của ngành cá tra.
Còn theo ông Dương Ngọc Minh, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã chủ động liên kết sản xuất đến 70% nguồn nguyên liệu, nên người nuôi nhỏ lẻ cũng cần phải cân nhắc đầu ra trước khi nuôi để tránh thua lỗ.