10/01/2025

Thiêu sống con tin, IS sẽ phải trả giá

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) một lần nữa khiến cả thế giới choáng váng với vụ thiêu sống tù nhân người Jordan. Giới quan sát nhận định nhiều khả năng IS sẽ phải trả giá đắt vì hành vi thú tính này. Theo Reuters, hôm qua IS tung lên mạng Internet đoạn video dài 22 phút quay cảnh phi công Jordan Maaz al-Kassasbeh bị nhốt trong một chiếc lồng sắt. Một thành viên IS bịt mặt đổ xăng vào lồng rồi châm lửa đốt.

 

Thiêu sống con tin, IS sẽ phải trả giá

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) một lần nữa khiến cả thế giới choáng váng với vụ thiêu sống tù nhân người Jordan. 

Anwar Tarawneh (giữa), vợ của phi công Maaz al-Kassasbeh, cầm bức ảnh chân dung chồng trong cuộc biểu tình ở Amman hôm 3-2 – Ảnh: Reuters

Giới quan sát nhận định nhiều khả năng IS sẽ phải trả giá đắt vì hành vi thú tính này.

Theo Reuters, hôm qua IS tung lên mạng Internet đoạn video dài 22 phút quay cảnh phi công Jordan Maaz al-Kassasbeh bị nhốt trong một chiếc lồng sắt. Một thành viên IS bịt mặt đổ xăng vào lồng rồi châm lửa đốt.

Ðây là lần đầu tiên IS sát hại một tù binh bằng cách thức thiêu sống vô cùng tàn bạo. Ngay sau đó, các thành viên IS gửi tin nhắn trên trang mạng xã hội Twitter ca ngợi cuộc hành quyết khủng khiếp này và mô tả đó là đòn trả thù các vụ không kích của liên quân Mỹ – châu Âu – Ả Rập.

“IS muốn chứng tỏ chúng là nhóm quyết tâm nhất, bạo lực nhất trên thế giới” – báo USA Today dẫn lời chuyên gia Daniel Benjamin, cựu quan chức chống khủng bố Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định.

Ðài truyền hình quốc gia dẫn nguồn tin tình báo Jordan tiết lộ IS hành quyết phi công Kassasbeh vào ngày 3-1, trước khi đề nghị trả tự do cho nạn nhân và nhà báo Nhật Kenji Goto để đổi lấy sinh mạng của kẻ khủng bố Iraq Sajida al-Rishawi.

Báo thù “long trời lở đất”

IS lại kêu gọi tấn công Pháp

Theo AFP, trong một đoạn video khác, IS lại kêu gọi người Hồi giáo ở Pháp tấn công các mục tiêu cảnh sát, quân đội nước này và tất cả những ai từng lên án cuộc thảm sát ở tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo.

Hôm qua, một người đàn ông cầm dao đã tấn công ba binh sĩ Pháp đang canh gác một trung tâm Do Thái ở Nice. Kẻ tấn công là Moussa Coulibaly, 30 tuổi, đã bị bắt giữ.

Hắn là một kẻ cực đoan từng bị theo dõi và không có quan hệ gì với Amedy Coulibaly, tên khủng bố tấn công siêu thị Do Thái ở Paris tháng trước.

AFP dẫn lời chuyên gia an ninh Shiraz Maher thuộc Trung tâm quốc tế nghiên cứu cực đoan thuộc Trường King College (Anh) cho biết đây là đoạn video “khủng khiếp nhất, đáng ghê tởm nhất” mà IS từng công bố trong vòng hai năm qua.

Phi công Kassasbeh không phải là một nhà báo hay nhân viên cứu trợ như các con tin từng bị IS chặt đầu, mà là một quân nhân của liên minh chống IS. “Ðây rõ ràng là lời tuyên chiến và thách thức của IS” – chuyên gia Maher nhấn mạnh.

Hôm qua, người phát ngôn Chính phủ Jordan Mohammad al-Momani kịch liệt lên án vụ hành quyết tàn bạo và tuyên bố nước này sẽ trả thù IS một cách “long trời lở đất”.

Người phát ngôn quân đội Jordan tuyên bố: “Máu của tử sĩ Maaz al-Kassasbeh sẽ không đổ xuống vô ích. Chúng tôi sẽ báo thù tương xứng với những gì Jordan đã phải chịu đựng”.

Ngay sau đó, chính quyền Jordan đã treo cổ nữ chiến binh Sajida al-Rishawi mà IS từng đưa ra đề nghị trao đổi và thành viên Al-Qaeda Ziad al-Karboli.

Ðang có mặt ở Washington, vua Jordan Abdullah II khẳng định nước này sẽ mở cuộc chiến để tiêu diệt IS. Ông đã có cuộc hội kiến gấp với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng.

Một người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) tuyên bố ông Obama và vua Abdullah II cùng xác định vụ hành quyết phi công Kassasbeh sẽ chỉ khiến cộng đồng quốc tế thêm quyết tâm tiêu diệt IS. Chính quyền Obama tái khẳng định cam kết hỗ trợ an ninh Jordan 3 tỉ USD.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon mô tả vụ sát hại phi công Kassasbeh là “hành động kinh khủng”. Ông chỉ trích IS “là nhóm khủng bố không hề quan tâm đến tính mạng con người” và kêu gọi các nước nỗ lực tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh hành vi của IS “không thể đe dọa các nước mà chỉ càng tăng cường quyết tâm chống cực đoan”. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho rằng hành động của IS là “không thể tha thứ”.

Nước cờ sai?

Một số chuyên gia an ninh cho rằng với việc sát hại phi công Kassasbeh, IS có ý đồ đè bẹp ý chí của các nước Ả Rập trong liên minh chống nhóm này và vận động dư luận Ả Rập ngả theo hướng phản đối cuộc chiến.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho rằng hành vi tàn bạo của IS có thể sẽ gây tác dụng ngược. USA Today dẫn lời cựu đại sứ Mỹ tại Jordan Edward Gnehm đánh giá thay vì chia rẽ liên minh, hành động của IS sẽ khiến Jordan giận dữ và quyết tâm chiến đấu.

Trên thực tế, trước đó dư luận Jordan có nhiều nghi ngại về cuộc chiến chống IS. Rất nhiều người Jordan đặt câu hỏi tại sao chính quyền Amman lại tham gia liên minh chống IS khi không bị tấn công.

Các nhà phân tích cho rằng nếu IS thả phi công Kassasbeh thì làn sóng phản đối liên minh chống IS tại Jordan sẽ còn bùng phát mạnh hơn.

Tuy nhiên, có lẽ IS cho rằng đoạn video khủng khiếp này sẽ là công cụ chiêu mộ cực đoan hiệu quả.

Cựu đại sứ Gnehm dự báo việc phi công Kassasbeh bị thiêu sống sẽ buộc các lãnh đạo Hồi giáo ở Trung Ðông phải lên tiếng phản đối IS và truyền bá thông điệp này tới công chúng.

 

Bởi thiêu người dù sống hay chết là hành vi bị cấm đoán trong đạo Hồi. Và phi công Kassasbeh lại là một người Hồi giáo chứ không phải là kẻ ngoại đạo như những con tin phương Tây từng bị sát hại.