Trung Quốc và nỗi lo “thánh chiến”
Chính quyền Bắc Kinh lo ngại dòng người Uighur chạy trốn khỏi Tân Cương sẽ tới Trung Đông gia nhập các tổ chức cực đoan và quay trở về Trung Quốc để tấn công khủng bố.
Trung Quốc và nỗi lo “thánh chiến”
Chính quyền Bắc Kinh lo ngại dòng người Uighur chạy trốn khỏi Tân Cương sẽ tới Trung Đông gia nhập các tổ chức cực đoan và quay trở về Trung Quốc để tấn công khủng bố.
An ninh Trung Quốc tuần tra ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương - Ảnh: Today Online |
Hầu như hằng tuần, báo chí Trung Quốc đưa tin người Hồi giáo Uighur từ Tân Cương tìm cách vượt biên sang một số nước Đông Nam Á như Thái Lan hay Malaysia để rồi tìm đường tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính quyền các nước Thái Lan, Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ ước tính đã có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người Uighur trốn khỏi Trung Quốc bằng con đường này từ vài năm qua.
Chính quyền Trung Quốc khẳng định một số lượng lớn người tị nạn Uighur là những kẻ cực đoan, muốn đi từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Syria và Iraq để gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm phiến quân khác rồi sau đó quay về nước tấn công khủng bố.
“Trái với mô tả của phương Tây, những người Uighur trốn chạy không vô tội. Họ là những kẻ cực đoan tôn giáo muốn tới tiền tuyến của phong trào thánh chiến Hồi giáo” – xã luận của Trung Quốc Nhật Báo khẳng định hôm 20-1.
Trốn chạy ồ ạt
Truyền thông Trung Quốc mô tả các đường dây đưa người Uighur ra nước ngoài là “hệ thống tàu điện ngầm”.
Bắc Kinh xác định vụ đâm dao và đánh bom tại nhà ga thành phố Côn Minh hồi tháng 3-2014 khiến 29 người thiệt mạng là hành vi của những kẻ ly khai Tân Cương muốn bỏ trốn ra nước ngoài.
Đáng chú ý là một tháng sau vụ tấn công đó, một đoạn video cực đoan xuất hiện trên mạng, trong đó một người nói tiếng Uighur ca ngợi vụ tấn công.
Thay đổi chiến thuật Giới phân tích phương Tây nhận định trong năm 2014, các vụ bạo lực ở Tân Cương đã leo thang theo một hướng mới. Trước đây các vụ xảy ra chủ yếu là người Uighur tấn công cảnh sát và các mục tiêu chính phủ. Tuy nhiên trong năm 2014 có ít nhất ba vụ đánh bom và đấu dao ở ga tàu và một vụ ném thuốc nổ ở chợ trời Urumqi. Tấn công những mục tiêu dân sự là đặc điểm của các phần tử cực đoan và mang tính chất phức tạp, có tổ chức. |
Người này khẳng định cuộc tàn sát ở Côn Minh đã “tiêm sự khủng khiếp vào trái tim người Trung Quốc”.
Chính quyền Trung Quốc khẳng định hàng loạt video tiếng Uighur cổ xúy bạo lực đã xuất hiện trên mạng Internet trong vài năm qua, kích động làn sóng người Uighur trốn khỏi Tân Cương.
Phần lớn người bị bắt khi trốn ra nước ngoài từng xem các video kích động cực đoan.
Giữa tháng 1, Thời Báo Hoàn Cầu đưa tin nhà chức trách Trung Quốc bắt giữ 10 công dân Thổ Nhĩ Kỳ ở Thượng Hải vì tội làm hộ chiếu giả hỗ trợ người Uighur trốn sang Syria, Afghanistan và Pakistan.
Mỗi tấm hộ chiếu giả trị giá gần 10.000 USD. Tháng 12-2014, Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cho biết an ninh Trung Quốc xác định 300 người Uighur đã đi qua ngả Malaysia để gia nhập IS ở Syria và Iraq.
Tháng 9-2014, chính quyền Indonesia cho biết đã bắt giữ bốn người Uighur mang hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ giả và liên hệ với một thủ lĩnh Hồi giáo cực đoan tại đây. Malaysia đã dẫn độ về Trung Quốc 18 “phiến quân” Uighur.
Hồi tháng 3-2014, nhà chức trách Thái Lan phát hiện 300 người Uighur trốn trong rừng, tự xưng là công dân Thổ Nhĩ Kỳ và muốn đi đến nước này. Ở Thổ Nhĩ Kỳ có hàng nghìn người tị nạn Uighur đang định cư. Phần lớn người Uighur nói tiếng Thổ và tự xem mình là một phần của dân tộc Thổ.
Báo McClatchy dẫn lời công dân New Zealand gốc Trung Quốc Chen Weiming, thành viên nhóm nổi dậy Quân đội giải phóng Syria (FSA) chống Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, xác nhận ông có nghe nói một số người Uighur đã đến Syria chiến đấu.
Nguyên nhân nội tại
Trái ngược với quan điểm của Trung Quốc, các tổ chức nhân quyền và phong trào người Uighur ở nước ngoài, ví dụ như tổ chức Đại hội Uighur thế giới (WUC), khẳng định phần lớn người Uighur trốn khỏi Trung Quốc ra nước ngoài để thoát cảnh áp bức, kìm kẹp tại Tân Cương chứ chẳng hề có ý định làm khủng bố.
Sau cuộc nổi dậy của người Uighur ở Urumqi năm 2009, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã khiến Trung Quốc phản ứng mạnh khi mô tả người Uighur tại Tân Cương phải chịu nỗi đau “diệt chủng”.
Báo Wall Street Journal dẫn lời một số người Uighur đến tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa ra lý do tương tự.
Từ tháng 5-2014, Trung Quốc mở chiến dịch chống khủng bố quy mô lớn tại Tân Cương, bắt giữ hàng trăm người Uighur và xử tử ít nhất 21 người.
Sau hàng loạt vụ tấn công trong năm 2014, chính quyền Tân Cương áp dụng những biện pháp an ninh ngặt nghèo như cấm đàn ông Hồi giáo Uighur để râu rậm, phụ nữ không được đeo mạng che mặt…
Mới đây nhà chức trách Tân Cương ra quy định buộc người dân địa phương mua điện thoại và máy vi tính phải đăng ký tên tuổi. WUC và các tổ chức nhân quyền cho rằng làn sóng trấn áp ồ ạt là lý do khiến số người Uighur bỏ trốn tăng vọt.
Nguồn tin từ Thái Lan cho biết phần lớn người Uighur phát hiện trong trại tị nạn ở nước này năm ngoái là phụ nữ và trẻ em, khó có thể là khủng bố như Bắc Kinh cật lực cáo buộc.
Báo McClatchy dẫn lời nhà nghiên cứu Raffaello Pantucci thuộc Viện Royal United Services (Anh) nhận định chính quyền Trung Quốc có lý do để lo ngại nguy cơ người Uighur theo đuổi con đường “thánh chiến” cực đoan, nhưng nếu đàn áp cộng đồng Uighur quá mạnh tay thì có tác dụng ngược, khiến sự bức xúc, phẫn nộ của người Uighur càng dồn nén và có ngày bùng nổ.