10/01/2025

Lo sợ trẻ dậy thì mắc bệnh

Nhiều bé gái dậy thì bị rong kinh nhiều ngày hoặc mấy tháng mới có kinh một lần làm các bà mẹ lo lắng không biết trẻ có u, bướu gì không, trẻ uống nội tiết tố sinh dục để điều trị rong kinh có hại gì không.

 

Lo sợ trẻ dậy thì mắc bệnh

 

Nhiều bé gái dậy thì bị rong kinh nhiều ngày hoặc mấy tháng mới có kinh một lần làm các bà mẹ lo lắng không biết trẻ có u, bướu gì không, trẻ uống nội tiết tố sinh dục để điều trị rong kinh có hại gì không.

 

 

 

 

Hai bạn trẻ nghe bác sĩ tư vấn về rối loạn kinh nguyệt và cách điều trị – Ảnh: Hữu Khoa

Khi đưa con đến Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM khám vì hiện tượng bất thường này, nhiều bà mẹ đã bày tỏ nỗi lo nói trên với bác sĩ.

Theo bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, với những trường hợp rong kinh hoặc ngược lại vài tháng mới có kinh một lần ở trẻ dậy thì, các bác sĩ đều phải cho tầm soát hết nguyên nhân thực thể như u tuyến yên, u buồng trứng…

Sau khi đã loại trừ các nguyên nhân thực thể, các bác sĩ mới kết luận trẻ bị rối loạn phóng noãn, gây rối loạn kinh nguyệt.

Ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt

Bác sĩ Lê Văn Hiền, phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Phụ sản Mê Kông (TP.HCM), cho biết kinh nguyệt được điều hòa bởi một trục gồm vỏ não – hạ đồi – tuyến yên – buồng trứng. Nếu có bất cứ một xáo trộn nào hoặc bất thường nào trên trục này sẽ dẫn đến những rối loạn về kinh nguyệt.

Những rối loạn kinh nguyệt thường gặp ở tuổi vị thành niên là chưa thấy kinh lần nào, có thấy kinh vài lần sau đó không thấy kinh nữa, hai, ba tháng hoặc thậm chí một năm mới có kinh một lần, trong vòng một tháng nhiều lần có kinh, có kinh kéo dài hơn một tuần…

Cơ năng là nguyên nhân thường gặp nhất ở tuổi vị thành niên do chu kỳ không phóng noãn. Điều này rất thường gặp ở trẻ trong giai đoạn vài năm đầu sau dậy thì.

Ngoài ra, tình trạng căng thẳng do thi cử, lo sợ, rối loạn tâm lý tuổi dậy thì đã ảnh hưởng trên vỏ não cũng gây ra rối loạn kinh nguyệt.

Để chẩn đoán được bệnh, theo bác sĩ Hiền, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám và siêu âm ở bác sĩ chuyên ngành phụ khoa.  Thông thường chỉ can thiệp điều trị ở những trẻ có nguyên nhân thực thể. Còn với những trẻ có nguyên nhân cơ năng thì bác sĩ chủ yếu tư vấn cho phụ huynh và các em hiểu để đỡ lo lắng.

Tuy nhiên dù là nguyên nhân cơ năng mà gây mất máu nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của các em cũng cần có biện pháp điều trị nhằm điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt, giảm lượng máu mất.

Thuốc điều trị là nội tiết tố sinh dục, thường sử dụng viên thuốc tránh thai kết hợp vì có thể điều chỉnh chu kỳ kinh tốt, giảm lượng máu mất, an toàn. Ngoài ra, các bác sĩ có thể cho trẻ dùng thêm thuốc cầm máu, viên sắt.

Bác sĩ Diễm Tuyết lưu ý khi sử dụng thuốc ngừa thai kết hợp cần cẩn thận xem có chống chỉ định gì không và tránh tình trạng điều trị loại thuốc này quá dài. Thuốc nội tiết tránh thai dạng kết hợp được sử dụng trong những trường hợp này để điều chỉnh nội tiết do rối loạn phóng noãn.

Tuy nhiên nếu sử dụng những viên thuốc ngừa thai trên một hệ thống chưa hoàn chỉnh, non nớt vì các cháu mới dậy thì có thể gây ức chế mạnh và kéo dài, như vậy có thể làm ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản nên chỉ sử dụng loại thuốc này theo chỉ định của bác sĩ và trong thời gian ngắn.

Bác sĩ Hiền bổ sung việc dùng thuốc viên tránh thai có thể gây ngạc nhiên và lo lắng cho các em và gia đình nên không ít trường hợp bỏ điều trị.

Do vậy, các bác sĩ cần giải thích cặn kẽ lý do dùng thuốc. Thuốc nội tiết không chỉ có tác dụng tránh thai mà còn nhiều tác dụng điều trị khác, trong đó có điều trị rối loạn kinh nguyệt. Và nếu dùng đúng cách những thuốc này theo chỉ định của bác sĩ cũng khá an toàn.

Tránh ăn thức ăn nhiều chất béo

Bác sĩ Diễm Tuyết khẳng định nhiều trẻ trước đây bị rối loạn kinh nguyệt nhưng đến khi cơ thể phát triển hoàn chỉnh sẽ chấm dứt hiện tượng này.

Còn một số trẻ vẫn bị rối loạn kinh nguyệt đến khi lớn, ví dụ một năm chỉ vài lần có chu kỳ kinh. Với những trường hợp này, xác suất thụ thai sẽ thấp hơn người bình thường do phóng noãn ít hơn nhưng vẫn có thể sinh con như bình thường.

Các bác sĩ kể khi đến bệnh viện khám, có những cháu mới hơn 10 tuổi nhưng quanh năm suốt tháng phải đóng băng vệ sinh, có đợt máu ra suốt trong 2-3 tháng. . Những trường hợp này đều phải điều trị vì nếu không sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu, ảnh hưởng đến học tập, dễ bị nhiễm trùng.

Bác sĩ Diễm Tuyết lưu ý các em hiếu động quá mức trong những ngày có chu kỳ kinh cũng dẫn đến tình trạng rong kinh, rong huyết. Do vậy, các bà mẹ cần khuyên trẻ nghỉ ngơi, bớt vận động khi có kinh, đồng thời không ngâm mình trong nước để tránh bị nhiễm trùng.

Ngoài ra, các bác sĩ cho biết áp lực trong thi cử, hoặc có những stress trong cuộc sống cũng có thể làm cơ thể không rụng trứng, làm thiếu hoàng thể, dẫn đến kỳ sau của chu kỳ kinh nguyệt thiếu nội tiết nên không bong niêm mạc ra được.

Vì vậy trẻ sẽ không có kinh, hoặc niêm mạc bong từng chút dẫn đến hiện tượng rong kinh. Một chế độ ăn giàu chất béo cũng dễ dẫn tới nguy cơ rối loạn phóng noãn, gây rối loạn kinh nguyệt, bác sĩ Diễm Tuyết nhấn mạnh.


THÙY DƯƠNG