08/01/2025

Chúa Nhật III TN -B: Sai đi để chinh phục con người

Để thực hiện được nhiệm vụ căn bản của Kitô hữu chúng ta cần ý thức: mình đã được Chúa Giêsu kêu gọi theo Người để chinh phục con người.

            

Sai đi để chinh phục con người

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Tuần trước, chúng ta đã cùng suy niệm về nhiệm vụ căn bản của Kitô hữu là giới thiệu Chúa Kitô cho người khác để họ gặp được Người. Từ đó phát sinh đức tin vì đức tin là cuộc gặp gỡ giữa một con người cụ thể là mỗi người chúng ta với một Thiên Chúa cụ thể là Đức Giêsu Kitô.

Tuần này, Giáo Hội cho chúng ta thấy rằng để thực hiện được nhiệm vụ cao cả này chúng ta cần ý thức: mình đã được Chúa Giêsu kêu gọi theo Người để chinh phục con người. Người nói với chúng ta như đã từng nói với các môn đệ đầu tiên: “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 1,17).

Vì thế chúng ta sẽ dành ít phút để phút để suy niệm về ơn gọi này của Kitô hữu.

1. Chính Chúa đã kêu gọi ta

1.1. Những hiểu lầm về ơn gọi

Điều chúng ta cần ghi nhớ trước tiên là chính Chúa Giêsu đã kêu gọi từng Kitô hữu chúng ta đi theo Người: “Hãy theo tôi“.

Nói đến ơn gọi, nhiều người thường nghĩ ngay đến các linh mục, các tu sĩ được kêu gọi sống đời thánh hiến để thực hiện những công việc mà Giáo Hội giao phó. Nhưng ít ai hiểu được ơn gọi căn bản của Kitô hữu là đi theo Chúa Giêsu để chinh phục con người. Đây là lời mời gọi dành cho mọi thành phần của Giáo Hội, từ Đức Giáo Hoàng, hồng y, giám mục cho đến người tín hữu nhỏ bé nhất.

Tuy nhiên, khi nói đến ơn gọi người ta thường nhấn mạnh về phía người nghe lời kêu gọi để đáp lại tiếng Chúa hơn là phía Chúa gọi mình như một ơn ban. Người ta nhấn mạnh nhiều đến lý trí và ý chí của người được gọi: lý trí dùng để nhận biết lời kêu gọi là sai họ đi đâu, làm công việc gì và ý chí dùng để tự do chấp nhận sứ mạng hay công việc được giao. Họ nghĩ rằng chính mình mới là người quyết định đi theo Chúa, quyết định làm linh mục hay tu sĩ, quyết định dấn thân làm việc tông đồ, chứ không ai có thể bắt ép mình.

Hiểu như thế nên họ đánh mất ý nghĩa của ơn ban: vì chính Chúa đã yêu thương kêu gọi và chọn lựa mỗi người chúng ta bước theo Người, giống như Chúa đã chọn tiên tri Giona trong bài đọc I (x. Gn 3,1-5.10) hay các môn đệ đầu tiên trong bài Phúc Âm (x. Mc 1,14-20).

1.2  Áp lực của ơn gọi

Hơn nữa, khi nhấn mạnh đến việc mình tự nguyện đi theo Chúa bằng lý trí và ý chí, nhiều người lại ngại ngùng vì thấy sứ mạng Chúa trao không phù hợp với ước nguyện của mình, không dễ dàng so với tài năng ít ỏi của mình, khó thực hiện so với phương tiện yếu kém của mình. Họ thấy mình giống như tiên tri Giona phải đến thành Ninivê để nói những lời đe doạ có thể khiến dân chúng bất bình, thay vì lời khích lệ, khen ngợi dễ nghe. Họ thấy mình đến với những con người không mấy tin vào Chúa nhưng lại đang tin vào khoa học, kỹ thuật, vật chất, quyền lực trong khi mình chỉ là một người bình thường, học chẳng hơn ai, tài chẳng bằng ai. Vì vậy, người ta muốn tránh xa cộng đồng được Chúa gửi đến như Giona để sống an thân.

Do đó, đôi khi Chúa phải dùng sức mạnh và quyền năng của mình để bắt chúng ta chọn theo ý của Ngài. Ngài tạo nên cơn bão biển để Giona bị quăng xuống biển, sống trong bụng cá 3 ngày đêm, để cuối cùng vẫn phải đến Ninivê (x. Gn 1,1-2,11). Ngài cũng đã quật ngã Saolô trên đường đi Damas để buộc ông trở thành tông đồ cho dân ngoại (x. Cv 9,1-15). Như thế, có phải Chúa dùng bạo lực bất chấp tự do của con người? Có phải Chúa chà đạp lý trí và ý chí tự nguyện của con người?

Thưa không, hoàn toàn không phải như thế. Trong cái nhìn vĩnh cửu, thấu suốt toàn thể đời sống vĩnh hằng của con người, Chúa biết rằng chỉ khi con người chọn hành động theo ý của Ngài, họ mới thật sự hạnh phúc. Vì thế, Ngài đã can thiệp mạnh mẽ vào cuộc đời của ta, giống như chiếc roi mà cha mẹ đưa ra để răn dạy đứa con hư đốn. Ngài buộc ta đáp ứng lời mời gọi của Ngài đồng thời ban muôn vàn ân sủng cho ta như đã ban cho tiên tri Giona, cho Phaolô để hoàn thành sứ mạng Ngài trao. Vì thế, ta hãy quảng đại đáp lại lời gọi của Chúa.

2. Chinh phục con người

2.1. Chinh phục con người cho Chúa Kitô

Yêu cầu thứ hai đó là chúng ta cần quan tâm đến mục đích của ơn gọi là chinh phục con người. “Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ chài lưới người như lưới cá“. Vì thế, con người là mục đích chính yếu của mọi hoạt động loan báo Tin Mừng cứu độ. Tuy nhiên, nhiều người chúng ta quên đi mục đích chinh phục con người cho Chúa Kitô để hướng tới những mục đích khác: hoặc họ chinh phục con người cho mình hoặc chinh phục những cái khác cho Chúa Kitô mà Người lại không cần đến!

Từ khi còn nhỏ cho tới lúc lớn khôn, mỗi người chúng ta có nhiều mục đích cần đạt được trong cuộc đời: từ cái bằng tốt nghiệp Phổ thông Trung học đến bằng bác sĩ, kỹ sư, cử nhân, tiến sĩ. Khi ra làm việc, ta cố gắng để mua được cái xe, cái nhà, đạt được một địa vị cao trong xã hội, một chức vụ an toàn trong công ty xí nghiệp. Tất cả những mục đích ấy đều có ý nghĩa nếu chúng ta biết quy hướng chúng vào mục đích tối hậu là chinh phục con người cho Chúa Kitô. Thí dụ: tôi học hành, làm việc là cốt để cho mình có nhiều khả năng, nhiều kinh nghiệm chinh phục con người cho Thiên Chúa.

Có một số linh mục, tu sĩ đã từng cố gắng làm việc để xây được những nhà thờ thật nguy nga cho Chúa, nhà giáo lý thật lớn cho giáo xứ, tổ chức những lễ nghi hoành tráng cho giáo dân. Nếu biết quy hướng các mục đích ấy vào việc loan báo Tin Mừng cứu độ cho con người thì các hành động ấy đều có giá trị mãi mãi trước mặt Chúa. Nhưng cũng có những người lại chỉ tìm cách chinh phục người khác để chiếm giữ tình cảm của họ cho mình hoặc thoả mãn những tham vọng và dục vọng của mình mà quên rằng tất cả mọi người sẽ chết và chịu phán xét trước mặt Chúa!

Vì thế, nếu ta quên mất mục tiêu chinh phục con người mà chỉ lo xây dựng những công trình để lưu danh cá nhân thì thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng: “Thời gian chẳng còn bao lâu… Kẻ hưởng dùng của cái đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1Cr 7,29-31).

2.2. Bỏ hết để theo Chúa Giêsu

Chúng ta hãy bắt chước các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu: họ bỏ lưới bỏ thuyền là những thứ vật chất, họ bỏ cả cha già và người làm công là những con người mà mình muốn gắn bó để đi theo Chúa Giêsu với mục đích là chinh phục con người cho Chúa.

Trong đời hoạt động tông đồ như lưới cá, nếu ai muốn bắt những con cá cho riêng mình, họ sẽ khó lòng cộng tác với người khác để kéo chung một mẻ lưới. Họ chỉ ngồi riêng ra một nơi, ôm chiếc cần câu và chỉ câu được một vài con cá nhỏ. Những con cá lớn sẽ làm đứt dây câu hoặc sẽ lôi họ chìm theo dòng nước nên họ không thể bắt được chúng. Đức Giêsu muốn mời gọi chúng ta ra khơi để cùng kéo chung mẻ lưới với Người, cùng hoạt động chung với Người để cứu độ thế giới vì chỉ nơi Người mới có ơn cứu độ.

Lời kết

Hôm nay, chúng ta hãy xin Chúa Giêsu cho ta luôn gắn bó với Người để có thể chinh phục nhiều con người về cho Chúa. Chúng ta tự nguyện từ bỏ tất cả như các môn đệ xưa để cùng cảm nghiệm được niềm vui Tin Mừng.