Kêu gọi tăng lực lượng chống “IS châu Phi” lên 7.500 quân
Ngày 30-1, Liên hiệp châu Phi (AU) kêu gọi tăng cường sức mạnh lực lượng đa quốc gia chống nhóm khủng bố tàn bạo Boko Haram, được xem là Nhà nước Hồi giáo (IS) ở châu Phi lên 7.500 quân.
Kêu gọi tăng lực lượng chống “IS châu Phi” lên 7.500 quân
Ngày 30-1, Liên hiệp châu Phi (AU) kêu gọi tăng cường sức mạnh lực lượng đa quốc gia chống nhóm khủng bố tàn bạo Boko Haram, được xem là Nhà nước Hồi giáo (IS) ở châu Phi lên 7.500 quân.
Người Nigeria trốn chạy những đợt tấn công đẫm máu của Boko Haram tại một trại tị nạn ở Chad – Ảnh: Reuters |
Theo AFP, bà Nkosazana Dlamini – Zuma, đại diện AU, mô tả sự tàn bạo của Boko Haram là “vượt trên tất cả”. Bà đánh giá dù địa bàn chính là Nigeria nhưng Boko Haram cũng mở rộng các cuộc tấn công đẫm máu ở các nước châu Phi như Cameroon, Chad và Niger và trở thành một cuộc khủng hoảng an ninh châu lục.
Trước đó bốn quốc gia trên cùng Benin đạt thoả thuận thành lập lực lượng quân sự có tên Nhóm công tác chung xuyên quốc gia (MNJTF) để chặn đà tiến của Boko Haram. Các nước cam kết đóng góp tổng cộng 3.000 binh sĩ, nhưng AU cho rằng chừng đó là chưa đủ để đánh bại Boko Haram.
“Do đó chúng tôi đề xuất các nước khu vực tăng cường binh lực của MNJTF lên 7.500 binh sĩ” – bà Dlamini – Zuma cho biết sau cuộc họp của AU tại Ethiopia. Hôm nay hội nghị thượng đỉnh AU kéo dài hai ngày sẽ bắt đầu tại đây.
Tổng thống Chad Idriss Deby cũng cho rằng các nước khu vực cần sớm hành động để chống Boko Haram. “Hôm nay mới chỉ có bốn nước bị Boko Haram đe doạ, nhưng ngày mai nó sẽ trở thành vấn đề chung của cả châu Phi” – Tổng thống Deby cảnh báo.
Nigeria có quân đội lớn nhất ở Tây Phi nhưng không cản nổi bước tiến của Boko Haram. Ban đầu Nigeria bác bỏ việc nhờ lực lượng của Liên HIệp Quốc hoặc AU hỗ trợ chống Boko Haram. Nhưng cộng đồng quốc tế đã gây sức ép dữ dội lên Nigeria.
Tướng David Rodriguez, người đứng đầu Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ, cho rằng chống Boko Haram đòi hỏi nỗ lực quốc tế lớn. Theo đánh giá của AU, hiện Boko Haram đang gây bất ổn lớn ở bốn quốc gia bị ảnh hưởng, dẫn tới những cuộc khủng hoảng an ninh và nhân đạo tồi tệ, ví dụ như vụ hàng trăm nữ sinh Nigeria bị bắt cóc.
Từ năm 2009 đến nay, các vụ tấn công của Boko Haram đã giết chết hơn 13.000 người và khiến hơn 1 triệu người rơi vào cảnh mất nhà cửa.