09/01/2025

Học sinh lo lắng về cụm thi

Nhiều phụ huynh, học sinh lớp 12 tại Bến Tre rất lo lắng trước thông tin thí sinh trong tỉnh phải dự kỳ thi THPT quốc gia năm học 2014 – 2015 tại hội đồng thi do Trường ĐH Trà Vinh tổ chức tại TP.Trà Vinh.

 

Học sinh lo lắng về cụm thi

 

 

Nhiều phụ huynh, học sinh lớp 12 tại Bến Tre rất lo lắng trước thông tin thí sinh trong tỉnh phải dự kỳ thi THPT quốc gianăm học 2014 – 2015 tại hội đồng thi do Trường ĐH Trà Vinh tổ chức tại TP.Trà Vinh.

 

 

Đi thi thì phải lụy… phà !

Nguyên do, nếu thí sinh Bến Tre thi tại cụm tổ chức ở TP.Trà Vinh thì phải đi qua phà Cổ Chiên nằm trên QL60 nối liền hai tỉnh Bến Tre – Trà Vinh mới đến được địa điểm thi. Năm học 2014 – 2015, Bến Tre có khoảng 11.600 học sinh lớp 12 sẽ dự thi tốt nghiệp. Thêm vào đó, còn hàng ngàn thí sinh tự do cũng sẽ tham dự kỳ thi này.

 
 

Gây khó khăn cho cả 3 tỉnh

Chiều 29.1, trao đổi với phóng viênThanh Niên, ông Lý Đại Hồng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long, cho biết nếu tổ chức thi THPT năm nay tại cụm Trà Vinh, việc đi lại sẽ rất khó khăn cho thí sinh và tốn kém chi phí rất nhiều. 3 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre gom lại hơn 25.000 thí sinh thì chưa chắc TP.Trà Vinh đã chứa nổi do cơ sở vật chất còn khó khăn. Nếu tính cho hợp lý thì thí sinh Vĩnh Long đi thi tại Cần Thơ tiện hơn, ít nhất là đường đi gần hơn rất nhiều. Tóm lại, việc tổ chức cụm thi tại Trà Vinh sẽ gây khó khăn cho thí sinh cả 3 tỉnh. Trường hợp nếu Bộ chọn Vĩnh Long làm cụm thi và giao cho trường nào trong 3 trường ĐH địa phương chủ trì thì Vĩnh Long rất sẵn sàng.

Thanh Đức

 

Ông Lương Ngọc Hùng, phụ huynh học sinh ngụ xã Bình Hoà (H.Giồng Trôm), cho biết gia đình ông rất lo lắng trước thông tin kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ được tổ chức tại Trà Vinh. Ông cho rằng việc đi qua Trà Vinh rất nghịch đường, gây nhiều khó khăn cho thí sinh cũng như phụ huynh. “Chắc phải sắp xếp đi trước vài ngày vì sợ lỡ kẹt xe, kẹt phà, con mình không đến kịp chỗ thi”, ông Hùng bộc bạch.

Hôm 26.1, Lương Hoàng Dũng, học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Văn Trị (H.Giồng Trôm), chia sẻ: “Khi nghe thầy hiệu trưởng thông báo về việc các thí sinh dự thi THPT quốc gia của trường có thể sẽ phải đến thi tại Trà Vinh, em cùng nhiều bạn rất băn khoăn, không chỉ việc qua phà trở ngại mà còn chuyện nơi ăn, chốn ở tại Trà Vinh liệu có được đảm bảo khi hàng chục ngàn thí sinh 3 tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre dồn về…”.

Hơn 200 lượt xe loại 50 chỗ mới đủ

Ông Nguyễn Thành Tín, Phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Trị, cho biết nhà trường phải thông báo về khả năng địa điểm thi năm nay sẽ là TP.Trà Vinh để hơn 400 học sinh khối lớp 12 biết, nhằm giúp các em và phụ huynh chuẩn bị trước tinh thần, tâm lý, cũng như tính chuyện sắp xếp nơi ăn chốn ở. Trường cũng tính đến phương án tổ chức xe đưa đón các em sang TP.Trà Vinh, tổ chức ăn ở và đưa đón các em từ chỗ ở đến địa điểm thi. Tuy trường đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đưa thí sinh đi thi tại TP.HCM, Cần Thơ nhưng lần này điểm thi lại là TP.Trà Vinh nên sẽ có nhiều khó khăn phát sinh, không chỉ là trở ngại khi qua phà Cổ Chiên, mà còn phải vất vả, lo toan nhiều hơn trong khâu tiền trạm.

Tiếp xúc với phóng viên Thanh Niên ngày 27.1, TS Nguyễn Văn Huấn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre, cho biết lãnh đạo Sở cũng như những người làm trong ngành giáo dục Bến Tre rất chia sẻ với những lo lắng của thí sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, việc phân bổ cho thí sinh Bến Tre thi tại cụm thi Trà Vinh mới chỉ nằm trong dự kiến của Bộ GD-ĐT và phải chờ quyết định chính thức của Bộ.

Song theo ông Huấn, nếu địa điểm thi vẫn được quyết định tại Trà Vinh thì sẽ rất khó khăn cho thí sinh Bến Tre. Ông Huấn nhẩm tính ít nhất phải có hơn 200 lượt xe loại 50 chỗ mới đủ đưa các em đi. Thêm nữa, việc tổ chức ăn ở của các em cũng rất khó khăn vì ngoài thí sinh Bến Tre còn có thí sinh từ Vĩnh Long và từ các huyện của Trà Vinh cũng tập trung về TP.Trà Vinh, rồi phụ huynh đi theo kèm cặp, lo lắng cho các em nữa. “Việc ùn tắc hai bên bến phà Cổ Chiên là không thể tránh khỏi và sẽ rất khó khăn cho việc đi lại. Chúng tôi cũng chưa hình dung sẽ tổ chức ăn ở như thế nào để đảm bảo cho các em”, ông Huấn nói thêm.

Đề nghị thi ở TP.Mỹ Tho

Theo ông Huấn, hiện UBND tỉnh Bến Tre đã có công văn đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét cho tổ chức cụm thi tại TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), do ĐH Tiền Giang chủ trì. Phương án này vẫn đảm bảo chủ trương của Bộ là tổ chức các cụm thi liên tỉnh, đồng thời tạo thuận lợi cho việc đi lại, ăn ở của thí sinh Bến Tre. Điều tiện nhất là học sinh không phải qua phà do đã có cầu Rạch Miễu bắc ngang sông Tiền. Thứ hai, khoảng cách từ TP.Bến Tre đến Mỹ Tho chỉ 13 km sẽ tiện cho việc đi lại. Các thí sinh ở Bến Tre có thể sáng đi chiều về, giảm bớt áp lực cho việc ăn ở.

Theo ông Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, tại cuộc họp mới đây giữa Bộ và các sở GD-ĐT các tỉnh, thành ĐBSCL tổ chức ở Vĩnh Long, khi nghe dự kiến của Bộ cho thí sinh Tiền Giang thi tại cụm Cần Thơ, ông có đề nghị nên cho một bộ phận thí sinh Tiền Giang được thi tại TP.HCM (các năm trước có đến 80% thí sinh Tiền Giang thi tại TP.HCM vì có nhiều điều kiện thuận lợi). Riêng đề nghị của Bến Tre cho thí sinh của tỉnh được thi tại Tiền Giang (cụm thi do ĐH Tiền Giang tổ chức), ông Oanh cho rằng nếu Bộ tin tưởng giao thì Tiền Giang sẽ làm liền (tất nhiên phải xin ý kiến của tỉnh) nhưng ý kiến cá nhân ông, ông thấy quá tốt và rất ủng hộ vì điều đó thuận lợi cho cả thí sinh Bến Tre lẫn Tiền Giang.

Đường gần không đi, lại đi xa !

 Việc phân bổ cụm thi theo dự kiến ở khu vực ĐBSCL có nhiều điểm không hợp lý nếu tính về khoảng cách, điều kiện địa lý.

Từ Bến Tre đi Trà Vinh nếu qua phà Cổ Chiên khoảng 80 km, trong khi đến TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) chừng 13 km. Với khoảng cách này, các trường có thể tổ chức xe đưa đón thí sinh đi về trong ngày.

Từ Vĩnh Long qua Cần Thơ khoảng 40 km nhưng đi Trà Vinh hơn 65 km. Ngoài ra, tại Vĩnh Long hiện có 3 trường ĐH gồm ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, ĐH Xây dựng miền Tây, ĐH Cửu Long trong khi Trà Vinh chỉ có Trường ĐH Trà Vinh.

Theo dự kiến, thí sinh Tiền Giang sẽ dự thi tại Cần Thơ. Trong khi từ Tiền Giang đi TP.HCM khoảng 70 km, đi Cần Thơ khoảng 120 km. Đó là chưa kể, theo thông tin từ Tiền Giang, hằng năm có đến 80% thí sinh tỉnh này về TP.HCM dự thi.

Không bàn đến điều kiện kinh tế của các tỉnh, năng lực của các trường, chỉ nhìn vào những điều có thể thấy được về khoảng cách địa lý cũng nhận ra rằng cần phải xem lại việc phân bổ cụm thi ở khu vực ĐBSCL, nhằm tạo thuận lợi nhất cho thí sinh như Bộ GD-ĐT từng tuyên bố.

 

Khoa Chiến – Giao Hoà