09/01/2025

Indonesia trước thách thức “ngoại giao tàu cá”

Việc Indonesia đánh đắm các tàu cá nước ngoài đánh bắt cá trái phép đã gây ra phản ứng trong giới truyền thông khu vực. Nhưng Jakarta tiếp tục mạnh tay, cả với tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép.

 

Indonesia trước thách thức “ngoại giao tàu cá”

 

Việc Indonesia đánh đắm các tàu cá nước ngoài đánh bắt cá trái phép đã gây ra phản ứng trong giới truyền thông khu vực. Nhưng Jakarta tiếp tục mạnh tay, cả với tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép.

 

 

 

Hai tàu cá đăng ký cờ hiệu Papua New Guinea bị hải quân Indonesia bắt giữ và phá huỷ tháng 12-2014 – Ảnh: Reuters
Thu giữ và phá huỷ tàu cá nước ngoài, đặc biệt là những người láng giềng đáng quý là một hành động không thân thiện
Báo Bangkok Post của Thái Lan

Sau khi Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo lên nắm quyền ở Indonesia hồi tháng 10-2014, đất nước vạn đảo đã tăng cường đấu tranh chống các tàu nước ngoài đánh bắt thuỷ sản bất hợp pháp trên vùng biển nước này.

Nhiều tàu cá nước ngoài đã bị bắt, trong đó bao gồm các tàu của Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Trung Quốc, Papua New Guinea và cả Ðài Loan xa xôi. Các tàu cá bị bắt của Thái Lan, Việt Nam, Papua New Guinea và Malaysia đã bị hải quân Indonesia cho bắn chìm như một hình thức răn đe, cách mà ông Joko Widodo gọi là “liệu pháp sốc”.

Tranh cãi trên truyền thông

Người Trung Quốc chơi trò

Giải thích về việc một số tàu Trung Quốc bị bắt gần đây, quan chức Bộ Hàng hải và ngư nghiệp Indonesia Alina Tampubolon cho hay một số tàu đăng ký quốc tịch Indonesia với cờ Indonesia thuộc liên doanh Trung Quốc – Indonesia Shunlida Fishing, nhưng sau khi đánh bắt xong họ lại không quay về cảng xuất phát để bốc dỡ thuỷ sản đánh bắt được. Chủ tịch liên doanh trên là một người Trung Quốc.

The Jakarta Post cho biết truyền thông khu vực đã đồng loạt lên tiếng thể hiện sự không hài lòng với hành động của Indonesia. Hồi đầu tháng 1 năm nay, tờ Bangkok Post của Thái Lan đăng một bài xã luận với tiêu đề thẳng thắn “Indonesia sai rồi”.

Mở đầu bài báo đã nói ngay rằng biển Ðông vốn là nơi đang chịu nhiều căng thẳng và “giờ đây Indonesia, vì một lý do khác, đã leo thang căng thẳng một cách không cần thiết”.

Ông Joko Widodo từng nói “đây đơn thuần là vấn đề hình sự và không liên quan đến quan hệ láng giềng”.

Thế nhưng bài xã luận phản bác: “Ông ấy sai rồi. Thu giữ và phá huỷ tàu cá nước ngoài, đặc biệt là những người láng giềng đáng quý là một hành động không thân thiện. Indonesia cần dừng lại và thảo luận vấn đề này thông qua con đường ngoại giao hoặc sẽ chịu rủi ro bị phản tác dụng”.

Bài báo nói thêm rằng câu trả lời cho sự bất lực của Indonesia trong việc bảo vệ tài nguyên của mình là việc áp dụng các biện pháp trừng phạt nặng nề đối với tàu cá nước ngoài.

Tuy nhiên, trên Jakarta Post, Bộ trưởng hàng hải và ngư nghiệp Indonesia Susi Pudjiastuti đáp trả bằng cách nêu lên nghi ngờ về sản lượng của Thái Lan, cho rằng nước này xuất khẩu thủy sản nhiều hơn cả Indonesia mặc dù có lãnh hải nhỏ hơn.

Trong năm 2013, Thái Lan xuất khẩu hải sản đạt 11 tỉ USD trong khi Indonesia chỉ đứng ở mức 4,19 tỉ USD.

Chuyên gia Malaysia Farish A. Noor chỉ trích nặng nề hơn trên tờ New Straits Times của nước này. Ông Farish nói: “Sự mâu thuẫn trong việc đánh chìm tàu cá Việt Nam là nó để lại ấn tượng rằng Indonesia là nạn nhân duy nhất. Trong khi đó, chúng ta đều biết rằng điều này không phải là sự thật”.

Ông cảnh báo nếu tất cả các nước ASEAN đều đi theo tiền lệ này thì khối sẽ đi về đâu. Tờ The China Post của Ðài Loan cũng yêu cầu Indonesia kiềm chế trong việc phá huỷ tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép sau khi có tin hải quân Indonesia đang săn lùng tàu Ðài Loan.

Hủy thoả thuận với Trung Quốc

Các nhà phân tích nhận định chính sách chống đánh bắt trái phép cứng rắn của Indonesia sẽ gây tác dụng phụ trên mặt trận ngoại giao, nhưng ông Joko Widodo và đội ngũ của mình vẫn bác bỏ quan điểm đó. Ngoại trưởng Indonesia Retno LP Marsudi trấn an: “ASEAN vẫn là mối ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Indonesia”.

Bà Susi Pudjiastuti cũng tự tin rằng chiến dịch chống đánh bắt lậu sẽ không dẫn đến thái độ thù địch quốc tế hoặc gây nguy hại đến ổn định khu vực.

Bà giải thích: “Chúng tôi đã thiết lập những cơ chế phối hợp mang tính thuyết phục với những nước đó, bởi vì đây không chỉ là vấn đề đánh bắt lậu mà còn là vấn đề chủ quyền và sự bền vững của môi trường”.

Báo Jakarta Post cho biết bà Susi đã nói chuyện với đại sứ các nước Malaysia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Trung Quốc và Úc để giải thích về chính sách chống đánh bắt trộm.

Còn trang Malay Mail Online cho biết Malaysia và Indonesia hôm 26-1 đã đồng ý “tiếp tục đàm phán” về những cách thức quản lý biên giới lãnh hải giữa hai nước một cách tốt nhất sau khi nhiều tàu cá và ngư dân Malaysia bị Jakarta bắt giữ.

Trong khi đó, có ý kiến phản ứng chính quyền Jakarta nhẹ tay với tàu cá Trung Quốc. Báo Jakarta Post dẫn lời nghị sĩ Indonesia, Ahmad Hanafi Rais chỉ trích chính phủ: “Bà Susi đã tỏ ra cứng rắn với Việt Nam và Thái Lan nhưng lại tỏ ra yếu đuối đối với Trung Quốc và Nhật Bản. Chuyện gì đang xảy ra?”.

Trên thực tế số tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong lãnh thổ Indonesia được cho là nhiều nhất trong khi Ðài Loan cũng thường xuyên đưa các tàu cá cỡ vừa và lớn đến vùng biển Indonesia.

Chính quyền Jakarta khẳng định chưa phá huỷ tàu cá Trung Quốc bắt được vì vẫn đang trong quá trình xét xử. Tuy nhiên, truyền thông Indonesia hôm 25-1 cho biết Jakarta đang bắt đầu có động thái cứng rắn với các tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép, đồng thời huỷ luôn một thoả thuận về hợp tác nghề cá với Trung Quốc ký hồi năm 2013.

Theo thỏa thuận trước đây, tàu cá Trung Quốc có thể đánh bắt trên vùng biển Indonesia nhưng phải liên doanh với các công ty địa phương và không được sở hữu quá 49% cổ phần. Giờ đây khi luật mới được áp dụng, Indonesia xoá bỏ các thoả thuận đã ký với Trung Quốc.


VIỆT PHƯƠNG