26/11/2024

Đề thi môn ngữ văn nên như thế nào ?

Cấu trúc đề như thế nào, có tích hợp giữa văn học và xã hội hay không? Đề gồm bao nhiêu câu và số điểm từng câu? Giới hạn nội dung ra sao?… Đó là những thắc mắc của nhiều học sinh hiện nay về đề thi môn văn kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

 

Đề thi môn ngữ văn nên như thế nào ?

 

 

Cấu trúc đề như thế nào, có tích hợp giữa văn học và xã hội hay không? Đề gồm bao nhiêu câu và số điểm từng câu? Giới hạn nội dung ra sao?… Đó là những thắc mắc của nhiều học sinh hiện nay về đề thi môn văn kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

 

 

 

Đề thi môn ngữ văn nên như thế nào ? - ảnh 1Thí sinh chuẩn bị dự thi môn văn kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trong khi chờ đợi câu trả lời chính thức của Bộ GD-ĐT, chúng tôi có những góp ý về vấn đề này.
Trước hết cần thấy các nhân tố chính để quyết định hình thành một đề thi gồm: thời gian làm bài, mục đích thi và giới hạn nội dung. Ba nhân tố này có quyết định qua lại lẫn nhau.
Trước đây, thời gian làm bài của kỳ thi tốt nghiệp THPT là 120 phút nhưng kỳ thi 2015 phải 180 phút như dự thảo, vì kèm theo mục đích xét tuyển CĐ, ĐH. Nếu thời gian 180 phút thì không nên ra 2 câu như kỳ thi tốt nghiệp năm 2014, mà nên ra 3 câu như kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm rồi. Ra càng nhiều câu thì việc đánh giá càng chi tiết, chính xác hơn. Nếu với mục đích để xét tốt nghiệp thì chỉ giới hạn trong chương trình lớp 12 và với lượng thời gian làm bài bằng 2/3 thời gian thi ĐH. Nhưng thi để xét tuyển ĐH, CĐ thì có thể/nên có thêm phần chương trình lớp 11 (theo yêu cầu nội dung trước đây)… Với sự phân tích vừa rồi, cùng với 3 trọng tâm và 4 mức lượng giá mà Bộ chú trọng, chúng tôi đề xuất cấu trúc đề thi cho kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển CĐ, ĐH năm 2015 như sau:
Đề gồm 3 câu, tính theo thang điểm 10 (nếu tính theo thang 20 thì gấp đôi số điểm).
Câu 1: Đọc hiểu (3 điểm). Ngoài yêu cầu cơ bản về phần đọc hiểu mà Bộ quy định thì ở câu này nên tách ra 2 yêu cầu chính để phân loại: 2 điểm cho nhận biết, thông hiểu; 1 điểm cho vận dụng. Phần vận dụng phải có yêu cầu thật cao để phân loại thí sinh. Nên cho câu hỏi theo hướng có tính ứng dụng thực tế (tạo lập văn bản thông tin: báo chí, khoa học, hành chính…; văn bản nhật dụng: thuyết minh…). Hoặc kiểm tra kỹ năng diễn đạt khi bàn về một vấn đề có liên quan với văn bản đọc hiểu (cách triển khai một văn bản: quy nạp, diễn dịch…; sử dụng các thao tác lập luận: giải thích, phân tích, bình luận, chứng minh, so sánh, bác bỏ…)… Tóm lại, phần được 1 điểm này không chỉ đánh giá sự hiểu biết về văn bản, chỉ ra văn bản thuộc loại gì (như câu hỏi trong phần đọc hiểu của kỳ thi tốt nghiệp 2014) mà là đánh giá kỹ năng tạo lập văn bản. Đó là những yêu cầu có tính ứng dụng xã hội và tư duy lập luận, rất đặc trưng cần có của việc học môn ngữ văn, nhưng lại dễ dàng phân loại trình độ thí sinh.
Câu 2: Nghị luận xã hội (viết bài văn khoảng 400 – 600 chữ, 3 điểm). Theo chương trình lớp 12 về một tư tưởng, đạo lý và về một hiện tượng đời sống với mức lượng giá vận dụng cao. Khuyến khích cho điểm để phân loại đối với những bài làm hướng đến yêu cầu 600 chữ.
Câu 3: Nghị luận văn học (4 điểm). Mức lượng giá vận dụng cao. Câu này nên ra theo cách có 2 mức độ đánh giá trong một yêu cầu đề bài. Mức độ 1 (dành cho thí sinh thi để xét tốt nghiệp); mức độ 2 (để phân loại xét tuyển ĐH, CĐ). Ở mức độ 2, câu hỏi có thể khó hơn trong cùng một tác phẩm, các tác phẩm có trong chương trình lớp 12, hoặc có thể là những tác phẩm ở chương trình lớp 11. Ví dụ, đề có thể ra: “Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp sông Hương trong bài bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường (mức độ 1). Từ đó anh/chị có nhận xét gì về đặc trưng phong cách nghệ thuật của tác giả” (mức độ 2). Hoặc đề có thể ra như sau: “Anh/chị hãy làm rõ giá trị hiện thực và nhân văn trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân (mức độ 1). Từ đó hãy so sánh, nhận xét kết cục truyện ngắn này với truyện ngắn Chí Phèo (Nam Cao) mà anh/chị đã học ở lớp 11” (mức độ 2). Với thang điểm 4 thì câu phân loại mức độ 2 nên từ 1 – 1,5 điểm.
Đáp án chấm cần chú trọng sự sáng tạo nhưng cần thật chi tiết, cụ thể, có biên độ ý rõ ràng. Nên tập trung nhiều đến kỹ năng làm bài (nhất là câu nghị luận xã hội), xem đây là một tiêu chí để phân loại thí sinh.

Trần Ngọc Tuấn (Trường THPT Lý Tự Trọng, TP.HCM)