26/11/2024

ASEAN lo ngại về xây đắp phi pháp ở biển Đông

Ngoại trưởng các nước ASEAN hôm 28.1 lên tiếng cảnh báo về việc Trung Quốc cấp tập xây dựng phi pháp trên các đảo ở biển Đông.

 

ASEAN lo ngại về xây đắp phi pháp ở biển Đông

 

 

Ngoại trưởng các nước ASEAN hôm 28.1 lên tiếng cảnh báo về việc Trung Quốc cấp tập xây dựng phi pháp trên các đảo ở biển Đông.

 

 

 

ASEAN lo ngại về xây đắp phi pháp ở biển ĐôngTàu vận tải công trình của Trung Quốc và một số cơ sở phi pháp do nước này xây dựng ở Trường Sa – Ảnh: Mai Thanh Hải
Các ngoại trưởng vừa kết thúc hội nghị hẹp 2 ngày diễn ra ở TP.Kota Kinabalu (Malaysia), dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman. Nước này sẽ giữ vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2015. Đây là cuộc họp quan trọng đầu tiên trong năm của khối và “sự gia tăng căng thẳng trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông suốt năm qua đã làm phức tạp tình hình khu vực” tiếp tục là một chủ đề được bàn thảo, theo thông tấn xã Bernama của Malaysia.
Tại cuộc họp kéo dài 3 giờ trong ngày 28.1, các ngoại trưởng thể hiện sự quan ngại trước việc Trung Quốc cấp tập xây đảo nhân tạo và các công trình lớn như sân bay trên những hòn đảo nước này chiếm đóng phi pháp ở biển Đông. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tiếp tục kêu gọi ASEAN có hành động trước tình hình này. “Việc xây cất hàng loạt đặt ASEAN trước tình thế lưỡng nan trong chính sách chiến lược. Thụ động trước vấn đề này sẽ làm tổn hại vai trò trung tâm của khối, khi chúng ta không thể xử lý một vấn đề cấp bách ngay trong khu vực của mình một cách thống nhất và đồng điệu”, ông nói. Ông Rosario cũng đề nghị ASEAN cân nhắc kêu gọi cộng đồng quốc tế có trách nhiệm “chỉ ra cho Trung Quốc thấy rằng những việc nước này đang làm là sai trái và phải chấm dứt ngay lập tức”.
Trong cuộc họp báo chiều qua, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman cho biết 8 ưu tiên mà Malaysia trong vai trò nước chủ nhà đưa ra tại hội nghị “đã nhận được phản hồi tích cực”. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng bên cạnh mục tiêu sẽ đạt được là thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay, thì mục tiêu tiến đến một bộ Quy tắc ứng xử biển Đông (COC) nhằm “cổ vũ hoà bình và an ninh”, đảm bảo “sự ổn định và tính dự báo các hành vi trong khu vực”, như ông Anifah Aman đưa ra, “ít có hy vọng tiến triển”. Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, ông Ooi Kee Beng, cho rằng Malaysia sẽ “hành động một cách thận trọng” về biển Đông trong vai trò Chủ tịch ASEAN.
Từ năm 2014, đã xuất hiện nhiều cảnh báo về việc Trung Quốc tiến hành xây dựng phi pháp lẫn bồi đắp đảo nhân tạo tại các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của VN là Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Gaven, Tư Nghĩa và Én Đất. Mới đây, trang tin Rappler của Philippines công bố một số bức ảnh thu thập được cho thấy đến giữa tháng 12.2014, diện mạo đá Chữ Thập đã bị thay đổi nghiêm trọng và có thể một đường băng sẽ sớm xuất hiện tại đây. Rappler dẫn một số nguồn tin cho rằng có thể Trung Quốc đang nuôi ý định biến Chữ Thập thành một trung tâm chỉ huy. Ngày 22.1, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao VN Phạm Thu Hằng khẳng định VN kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc cải tạo, xây dựng công trình, phá vỡ nguyên trạng tại quần đảo Trường Sa và không để tái diễn những hành động sai trái tương tự.
Trọng Kha

Thục Minh (Văn phòng Singapore)