10/01/2025

Trái bần xuất ngoại

Từ loại quả chỉ gắn bó với dân nghèo ăn cầm hơi những lúc đói lòng, nay các sản phẩm từ trái bần Việt đã có mặt trên kệ tại các siêu thị trong khắp cả nước và xuất ngoại sang thị trường Canada, Úc, Đức…

 

Trái bần xuất ngoại

Từ loại quả chỉ gắn bó với dân nghèo ăn cầm hơi những lúc đói lòng, nay các sản phẩm từ trái bần Việt đã có mặt trên kệ tại các siêu thị trong khắp cả nước và xuất ngoại sang thị trường Canada, Úc, Đức…

Bà Tư Cúc bên những sản phẩm bột bần, mứt bần – Ảnh: Thành Nhơn

Người có công đưa quả bần từ mảnh đất cù lao đi ra xứ người là bà Võ Thu Cúc (63 tuổi) tại ấp Long Trị, xã Long Đức, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Tuy mới học đến hết lớp 5 nhưng một tay bà gầy dựng nên thương hiệu bột bần, mứt bần Thủy Tiên – Tư Cúc.

Hiện nay mỗi tháng bà Cúc xuất bán hơn 300 thùng bột bần, mứt bần các loại, giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động tại mảnh đất cù lao nghèo ấp Long Trị. Để làm ra các loại bột bần, mứt bần… bà Cúc đi mua bần tươi với giá dao động 6.000-8.000 đồng/kg.

Nhà sáng chế ở cù lao

Giữa năm 2006, tỉnh Trà Vinh chủ trương phát triển cù lao theo hướng du lịch sinh thái, nhiều nông dân thấy vậy bèn cải tạo mảnh ruộng của mình thành vườn cây ăn trái. Khung cảnh nên thơ hữu tình với rặng dừa nước bao bọc cùng trái ngon trĩu cành hút khách thập phương đến cù lao tham quan, ăn uống ngày một đông.

Nhận thấy cơ hội, bà quyết định mở quán ăn trên phần đất xin ở nhờ giữa dòng sông Hậu. “Quán có rất nhiều món phục vụ du khách nhưng không hiểu sao ai đến quán cũng kêu tui làm món canh chua bần cho họ. So với me hay mẻ chua, trái bần chín có vị chua thanh khiến món canh chua cá bông lau hay canh chua cá ngát ngon ngọt, đậm đà hơn” – bà Cúc cười nói.

Tuy nhiên trái bần chỉ chín theo mùa gió chướng từ tháng 8 đến tháng 2 âm lịch hằng năm nên những tháng còn lại du khách đến quán không được thưởng thức canh chua bần. Trằn trọc mãi, bà Cúc quyết định phải tìm cách tích trữ được trái bần trong những tháng nghịch vụ.

“Ban đầu tui đem trái bần luộc chín rồi chà ra nhưng không dùng được vì bột bần chuyển màu đen do hạt bần tiết ra. Không nản lòng, tui chọn trái bần chà ra bỏ hột, lần này bần không đen nhưng bột bần có những hạt nhám như cát rất khó ăn. Tìm hiểu, tui mới biết nguyên nhân là do lớp vỏ mỏng phía ngoài của trái bần” – bà Cúc lý giải.

Sau những lần thử nghiệm thất bại, bà Cúc chọn cách gọt bỏ vỏ trái bần, đem đi chà rồi bỏ hạt. Kết quả dù không có bần chín trong mấy tháng nghịch vụ nhưng năm đó bà vẫn có thể nấu canh chua bần phục vụ du khách nhờ bột bần dự trữ trước đó.

Từ bột bần tới kẹo bần, rượu bần

Những ngày đầu sau khi làm bột bần thành công, mỗi khi có du khách đến quán ăn rồi xin bột bần về nấu tại nhà, bà đều gói ghém vào bọc nilông đưa cho khách. Về sau thấy bất tiện và không được thẩm mỹ, bà quyết định mua những hũ nhựa nhỏ khoảng 300g bỏ bột bần vào cho tiện bảo quản. Tiếng lành từ thương hiệu bột bần vươn xa, khách thập phương kéo đến ngày một nhiều, bà nghĩ ngay đến việc phải tìm mọi cách quảng bá thương hiệu.

Nghĩ rồi bà Cúc nhờ người cháu ở Trung tâm Khuyến công tỉnh Trà Vinh giúp đăng ký nhãn hiệu, giấy phép kinh doanh…. “Những ngày đầu tui mời cô Cúc tham dự hội thảo này nọ để cổ quen với cách làm ăn chuyên nghiệp. Ai đi dự hội thảo cũng mang theo tập hồ sơ dày cộp, chỉ có riêng cổ là mang theo bột bần, mứt bần cùng mấy trái bần tươi. Phải làm riết gần cả năm trời, cổ mới chịu đi đăng ký nhãn hiệu” – anh Võ Văn Khương, cán bộ Sở Khoa học – công nghệ Trà Vinh, kể.

“Hiện nay tui đã đầu tư mua thêm máy tách hột bần, máy khuấy bột và đóng keo, dán nhãn mác, hạn sử dụng. Sắp tới tui sẽ mở rộng cơ sở sản xuất cùng với việc nghiên cứu làm ra sản phẩm kẹo bần, rượu bần giúp trái bần ở quê mình vươn xa” – bà Cúc hào hứng chia sẻ.

 

Làm ăn lớn

Khi đã có thương biệu, bà Cúc tham dự giới thiệu sản phẩm ở những hội chợ hàng Việt trên khắp cả nước rồi “mon men” sang các nước láng giềng như Lào, Campuchia. Thời gian sau đó, lần lượt các hệ thống siêu thị lớn cử người đến ký kết hợp đồng mua bán số lượng lớn. Dù cơ sở của bà hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đủ hàng bán.

Chuyện trái bần xuất ngoại cũng hết sức tình cờ. Bà Cúc kể có ông khách Việt kiều người Đức thấy bà trên tivi nấu canh chua bần bán cho du khách nhưng cho rằng bà nói xạo vì mấy chục năm ở quê đâu nghe ai nói nấu canh chua với bần. Về nước, ông thuê luôn hẳn một chiếc xuồng lớn chở đến cù lao Long Trị. Chỉ khi chứng kiến bà sơ chế, đóng hộp rồi “bo” luôn cho ông một nồi canh chua bần làm bằng chứng ông mới tin.

Từ thùng bần đầu tiên đưa sang Đức bán cho quán ăn, nhà hàng của người Việt, hiện giờ mỗi tháng số lượng bần bà Cúc xuất đi Đức đã lên tới gần 100 thùng. Ngoài ra khách tại Canada, Úc cũng đặt hàng bột bần, mứt bần với số lượng lớn.