17/11/2024

Quan hệ Việt – Mỹ tiến triển vượt bậc

Các nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ và Việt Nam, những người thiết lập nền móng và giúp phát triển quan hệ Việt – Mỹ trong 20 năm qua, đã có cuộc hội ngộ tại hội nghị quốc tế Việt – Mỹ sáng 26-1.

 

Quan hệ Việt – Mỹ tiến triển vượt bậc

 

Các nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ và Việt Nam, những người thiết lập nền móng và giúp phát triển quan hệ Việt – Mỹ trong 20 năm qua, đã có cuộc hội ngộ tại hội nghị quốc tế Việt – Mỹ sáng 26-1.

 
 

 

 

Cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Công Phụng trao đổi với cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Pete Peterson - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trong số những nhà ngoại giao kỳ cựu này, có người đã nghỉ hưu, người đã chuyển công tác. Tính chất trang trọng của buổi hội thảo không ngăn trở được cuộc hội ngộ thân mật ấm áp của những người bạn. Họ cùng hàn huyên và ôn lại những chuyện xưa kể từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ ngoại giao cách đây 20 năm.

“Ngoài tưởng tượng”

Cựu đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam, ông Pete Peterson, nhớ lại thời điểm ông cùng thượng nghị sĩ John McCain thuyết phục tổng thống Bill Clinton đồng ý bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Ông Peterson cho biết những năm đó chưa có nhiều người muốn bình thường hoá quan hệ với Việt Nam vì đây không phải là chủ đề nhận được sự quan tâm sâu rộng lúc bấy giờ. Trong Quốc hội Mỹ cũng có nhiều ý kiến không đồng tình.

Nhưng sau chuyến thăm Việt Nam vào năm 1991, ông Peterson và thượng nghị sĩ John McCain đã có những thông tin ban đầu về Việt Nam.

“Sau đó chúng tôi gây sức ép với tổng thống Clinton. Chúng tôi là nhóm nhỏ nhưng ảnh hưởng của chúng tôi khá lớn. Và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam là điều chúng tôi phải làm” – ông Peterson kể. “Sau đó, tổng thống Bill Clinton ký quyết định bình thường hoá quan hệ với Việt Nam vào ngày 15-7-1995” – ông nói.

Ông Lê Văn Bàng, đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ (1995-2001), cho biết quan hệ Việt – Mỹ trong những năm vừa qua đã tiến triển vượt bậc, điều nằm ngoài sự tưởng tượng của ông trước đây.

“Năm năm trước cũng tại diễn đàn này, ngài Peterson nói Mỹ và Việt Nam sẽ tiến tới quan hệ đối tác toàn diện và tôi không tin. Nhưng chỉ ba năm sau đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện” – ông kể.

Ông Bàng cho biết có những lực cản do quá khứ để lại trong quan hệ Việt – Mỹ mà ông gọi là “hội chứng Việt Nam” và “hội chứng Mỹ” hình thành trong nhiều năm chiến tranh. Do đó, ông kêu gọi hai nước nỗ lực vượt qua hai “hội chứng” có từ trước này để tăng cường mối quan hệ song phương tốt đẹp.

Trong khi đó, ông Lê Công Phụng, cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ (2008-2011), kể rằng nhân dịp kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ năm 2010, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ có tổ chức tiệc chiêu đãi.

Trong số những khách mời lúc đó có cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, các thượng nghị sĩ như John McCain, John Kerry, cựu đại sứ Pete Peterson… Ông Phụng nói ông nhớ mãi câu nói của ông Bill Clinton thời điểm đó.

“Ông ấy hỏi tôi rằng liệu tôi có thể tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước không? Rồi sau đó ông ấy tiếp tục nói: Ở nước Mỹ, Đảng Dân chủ và Cộng hoà có sự khác biệt lớn, nhưng riêng mối quan hệ với Việt Nam là cả hai đảng đều quan tâm”.

TPP: áp lực tích cực

Trong phiên thảo luận “Quan hệ kinh tế: quan hệ hiện tại và hướng đi tương lai”, tiến sĩ Cù Chí Lợi, viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ (Viện Khoa học xã hội Việt Nam), cho biết quan hệ Việt – Mỹ đã phát triển rất nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại đầu tư, hợp tác quốc phòng.

Tuy nhiên theo ông Lợi, mối quan hệ thương mại với Mỹ đã tác động lớn đến việc thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam. Xuất khẩu hàng hoá từ Việt Nam sang Mỹ đã giúp người nghèo ở Việt Nam rất nhiều vì hầu hết những hàng hóa này đều sử dụng sức lao động, tạo công ăn việc làm cho người nghèo ở Việt Nam.

Ông Lợi cũng kêu gọi phía Mỹ bỏ qua di sản chiến tranh và sự khác biệt giữa hai quốc gia để tiến lên, cùng nhau hợp tác phát triển, đồng thời kêu gọi Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Bà Ginny Foote, chủ tịch và giám đốc điều hành Bay Global Strategies chuyên về tư vấn và quản lý kinh tế, cho biết bà khá bất ngờ khi đáp xuống nhà ga T2 sân bay Nội Bài mới đây vì “nhà ga hiện đại và đẹp quá”.

Bà cho biết các công ty Mỹ rất quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam. Về Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), bà Foote lạc quan cho rằng các quốc gia đàm phán TPP sẽ vượt qua những trở ngại bất đồng và sẽ kết thúc đàm phán trong năm nay.

Trao đổi bên lề với Tuổi Trẻ, bà Foote dự đoán rằng TPP mà Việt Nam là một thành viên sẽ được ký kết trong khoảng sáu tháng nữa.

Bà Foote thông tin thêm hiện 12 quốc gia thành viên đang tham dự phiên đàm phán TPP cấp cao ở New York (Mỹ). Những quốc gia này đang giải quyết từng vấn đề và phiên đàm phán cấp cao lần này sẽ tập trung vào việc thu hẹp các bất đồng còn lại.

“Tôi rất hi vọng rằng TPP sẽ được ký kết trong vòng sáu tháng tới. Rất khó để dự đoán bởi vì có đến 12 quốc gia thành viên tham gia hiệp định này, mỗi quốc gia đều có nền chính trị khác biệt cũng như có những khó khăn khác nhau. Điều quan trọng hiện nay là tất cả chúng ta phải trong tư thế sẵn sàng” – bà Foote nói với Tuổi Trẻ.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, phó viện trưởng Viện Kinh tế trung ương, nói TPP sẽ giúp Việt Nam tăng xuất khẩu và lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất là ngành may mặc và giày dép. Ngoài ra TPP cũng tạo ra công ăn việc làm cho người dân và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Ông Thành thừa nhận Việt Nam chịu áp lực rất lớn về việc cải cách và hoàn thiện hệ thống pháp lý khi gia nhập TPP. “Đó là áp lực tích cực. Gần đây Việt Nam có chỉnh sửa một số điều luật đầu tư, doanh nghiệp, một mặt để đáp ứng nhu cầu cải cách ở Việt Nam, một mặt đáp ứng yêu cầu của TPP” – ông Thành nói với Tuổi Trẻ.

* Tiến sĩ Murray Hiebert (phó giám đốc Tổ chức nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và nghiên cứu chiến lược – CSIS, Mỹ):

Đang nỗ lực đưa Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam

Việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam là bước đi đầu tiên để cải thiện mối quan hệ giữa hai nước. Về tranh chấp ở biển Đông, Washington hi vọng các cuộc tranh chấp không biến thành xung đột bạo lực. Mỹ mong muốn tất cả các bất đồng đều giải quyết theo phương thức hòa bình mặc dù Trung Quốc ngày càng mang lại thách thức trong thời gian sắp tới.

Hiện tại, có một sự kiện mà phía Mỹ cần phải làm trong thời gian sắp tới là bảo đảm rằng Tổng thống Barack Obama sẽ thăm Việt Nam trong năm nay, nhưng thông tin này hiện chưa được xác nhận chính thức.

Theo lịch trình, ông Obama sẽ thăm Philippines, sau đó tham dự APEC, rồi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Đông Nam Á ở Malaysia. Do vị trí địa lý gần, nên việc ông Obama thăm Việt Nam là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, ông Obama không phải đến đây để “ăn bánh sinh nhật 20 năm” mà sẽ chọn lựa một số thứ cho tương lai.

* Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius:

Có thể kết thúc TPP trong năm nay

Ông Ted Osius - Ảnh: N.Khánh

* Thưa đại sứ, liệu TPP có thể kết thúc trong năm nay – năm kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ?

– Đây là mục tiêu chung rất có khả năng đạt được. Cả hai nước đều coi TPP là thỏa thuận có tính chiến lược, cả Washington và Hà Nội đều có những quyết tâm chính trị để đạt được hiệp định này. Tôi lạc quan cho rằng có thể đạt được hiệp định này vào năm nay và đây là một trong nhiều thành tựu quan trọng để kỷ niệm 20 năm bình thường hoá quan hệ.

* Khi nào hai nước có thể tiến tới quan hệ đối tác chiến lược (hai nước xác lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2013)?

– Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là nội hàm của quan hệ chứ không phải là cái tên của quan hệ. Tại hội thảo, ngài thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nói về chín trụ cột trong quan hệ hai nước. Lãnh đạo hai bên muốn nhấn mạnh đến tính thực chất, những công việc mà hai bên có thể làm cùng với nhau.

* Thưa đại sứ, đâu là những nét lớn của quan hệ hợp tác quốc phòng hai bên trong thời gian tới?

– Trọng tâm quan trọng là xây dựng mối quan hệ và sự hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển của hai nước. Mỹ đã có những trợ giúp đối với hoạt động của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Mục đích sự hợp tác này là thực hiện những hoạt động chung và tiếp tục làm sao để đảm bảo tình hình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương hoà bình, ổn định và thịnh vượng, để các nước trong khu vực tuân thủ luật pháp quốc tế và không có nước nào có những hành động đe dọa nước khác.

* Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ Lê Văn Bàng: 

Có những điểm Mỹ cần làm tốt hơn

Ông Lê Văn Bàng – Ảnh: N.K.

* Sau 20 năm bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ, ông đánh giá thế nào về quan hệ hai nước?

– Trong 20 năm qua, tôi từng là người trong cuộc mà cũng có những điều tôi không ngờ. Ví dụ việc Mỹ trở lại cung cấp vũ khí cho Việt Nam (xoá bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí – PV) là việc mà trước đây chúng tôi phấn đấu “đòi” mà không được.

Hay kim ngạch thương mại hai nước hiện nay là 30 tỉ USD, hồi tôi ở đó thời gian đầu chỉ khoảng 1 tỉ USD. Hay việc có đến 15.000-16.000 du học sinh Việt Nam đang học tại Mỹ. Điều quan trọng là Việt Nam và Mỹ đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.

* Theo ông, hiện nay còn vấn đề gì trở ngại trong quan hệ kinh tế hai nước?

– 30 tỉ USD là một con số đáng mừng, nhưng cũng có những điểm Mỹ cần làm tốt hơn, ví như liên quan đến cá ba sa, tôm. Phía Mỹ cứ hay nêu vấn đề ra để đánh thuế nhưng không thấy rằng đó là cái lợi thế của người nông dân Việt Nam, không phải Chính phủ Việt Nam bảo hộ doanh nghiệp.

Như thế là người Mỹ chưa thông cảm với người Việt Nam, từ đó làm quan hệ hai nước có những điểm chưa tốt lắm. Trong quan hệ kinh tế, tôi cho rằng với những việc như thế, phía Mỹ nên nghĩ kỹ trước khi đưa ra các lệnh áp giá và trừng phạt.

* Thông qua tiến trình liên quan đến vấn đề chất độc da cam (dioxin), theo ông, Mỹ muốn gửi thông điệp gì đến Việt Nam?

– Tôi nghĩ đây là vấn đề rất khó khăn với Mỹ. Tôi nhớ những năm 1990, nói đến vấn đề này Mỹ không nghe, coi như không biết hoặc trốn tránh. Chúng ta đấu tranh mãi Mỹ mới bắt đầu nghe và dần đi đến cung cấp tài chính cho Việt Nam. Đây là vấn đề khó ở phía Mỹ, nhưng là vấn đề chính đáng ở phía Việt Nam. Đến nay, Mỹ đã cung cấp tài chính đã là một vấn đề khá lớn trong nội bộ của họ.

V.V.THÀNH - Q.TRUNG ghi

QUỲNH TRUNG