10/01/2025

Những xiềng xích lịch sử Đông Á

Những mối quan hệ ngoại giao ở Đông Á từ lâu đã là con tin của lịch sử. Liệu các quốc gia Đông Á có thể vượt qua mâu thuẫn truyền kiếp để xây dựng một tương lai chung có lợi cho tất cả hay không?

 

Những xiềng xích lịch sử Đông Á

Thanh Niên xin giới thiệu bài bình luận độc quyền của Giáo sư người Ấn Độ Brahma Chellaney về tác động của lịch sử đối với quan hệ giữa các nước ở Đông Á.

Những xiềng xích lịch sử Đông ÁThủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye chưa có cuộc gặp song phương chính thức nào kể từ khi lên nắm quyền – Ảnh: AFP
Những mối quan hệ ngoại giao ở Đông Á từ lâu đã là con tin của lịch sử. Nhưng “vấn đề lịch sử” của khu vực leo thang trong thời gian gần đây và chủ nghĩa dân tộc giữa các bên liên quan chính như Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc đang châm ngòi cho các tranh chấp về mọi lĩnh vực từ lãnh thổ, tài nguyên thiên nhiên đến đài tưởng niệm chiến tranh và sách giáo khoa. Liệu các quốc gia Đông Á có thể vượt qua mâu thuẫn truyền kiếp để xây dựng một tương lai chung có lợi cho tất cả hay không?
Gặm nhấm quá khứ
Hãy xem quan hệ giữa hai đồng minh gần gũi nhất của Mỹ ở châu Á là Hàn Quốc và Nhật. Tuy những bất đồng lịch sử từ lâu đã đè nén mối quan hệ song phương này, nhưng chính lập trường chủ nghĩa dân tộc của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye càng làm cho tình trạng căng thẳng dai dẳng trở nên trầm trọng hơn. Nếu họ không thể cùng nhau ngăn chặn sự trở lại của những tranh chấp lịch sử cay đắng, quan hệ hai bên vẫn sẽ đóng băng, khiến Trung Quốc đắc lợi.
Và không ai chơi lá bài lịch sử nhiệt tình như Trung Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc lập ra 2 ngày tưởng niệm cấp quốc gia nhằm tưởng nhớ cuộc chiến trường kỳ chống lại cuộc xâm lược của Nhật trong Thế chiến 2. Đó là ngày Chiến thắng kháng Nhật (3.9) và ngày Tưởng nhớ nạn nhân thảm sát Nam Kinh (13.12)…
Quả thực, việc chính trị hóa lịch sử vẫn là rào cản chính đối với sự hòa giải ở Đông Á. Những nỗ lực viết lại lịch sử – đôi khi theo cả nghĩa đen là sửa đổi sách giáo khoa – cùng những chính sách đậm tính dân tộc chủ nghĩa khiến việc tạo lập các thể chế khu vực là gần như không thể.
Điều đó không nên xảy ra. Chẳng hạn, Hàn Quốc và Nhật là những nền dân chủ năng động và nền kinh tế định hướng xuất khẩu, với những quan hệ văn hóa gần gũi và nhiều giá trị chung. Hay nói cách khác, họ là những ứng viên lý tưởng cho sự hợp tác. Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận ra tiềm năng này nên đã xúc tiến tăng cường hợp tác chiến lược giữa Hàn Quốc và Nhật nhằm củng cố một liên minh an ninh 3 bên có thể làm đối trọng với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Nhưng Hàn Quốc và Nhật không chịu thoát khỏi lịch sử.
Chẳng ai chịu ai
Chắc chắn có phần đúng trong cáo buộc của Hàn Quốc rằng Nhật phủ nhận một số hành vi của họ trong quá khứ. Nhưng cũng không sai khi nói rằng bà Park dùng lịch sử để làm hài lòng thành phần theo chủ nghĩa dân tộc. Quả thực, chọn lập trường cứng rắn giúp bà gột bỏ tai tiếng gia đình: cha của bà, nhà độc tài Park Chung-hee, từng hợp tác với quân đội Nhật khi Triều Tiên còn là thuộc địa.
Ông Abe cũng thêm dầu vào lửa, bằng cách thăm đền Yasukuni ở Tokyo – một đài tưởng niệm gây tranh cãi thờ cúng cả những tội phạm chiến tranh hạng A trong Thế chiến 2. Dù ông Abe thăm đền chỉ một lần, vào tháng 12.2013, ông cảm thấy cần phải làm thế để đáp trả việc Trung Quốc đơn phương lập Vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông.
Tất nhiên, những khác biệt trong câu chuyện lịch sử của Hàn Quốc và Nhật có từ rất lâu trước Thế chiến 2. Cách đây hơn một thế kỷ, nhà hoạt động Triều Tiên Ahn Jung-geun ám sát thủ tướng đầu tiên của Nhật, ông Hirobumi Ito, tại trạm xe lửa ở thành phố Cáp Nhĩ Tân của Trung Quốc, khiến Ahn được tôn vinh là anh hùng ở Triều Tiên, nhưng lại bị xem là khủng bố ở Nhật.
Năm ngoái, bà Park đề nghị ông Tập tôn vinh Ahn. Ông Tập đã cho xây tượng đài Ahn. Nhật phản ứng bằng cách chỉ trích Trung Quốc vinh danh một kẻ khủng bố và tuyên truyền quan niệm lịch sử “một chiều”, một động thái mà Nhật khẳng định “không có lợi cho việc xây dựng hòa bình và ổn định”.
Mọi quốc gia tìm cách hợp lý hóa câu chuyện của họ đều kết hợp sự kiện lịch sử với sự tưởng tượng. Tuy nhiên, trong vài trường hợp, những di sản lịch sử có sức ảnh hưởng lớn, lấn át khả năng đưa ra lựa chọn chính sách hợp lý của giới lãnh đạo. Điều đó lý giải tại sao bà Park tìm cách thắt chặt quan hệ với Trung Quốc dù đối tác khu vực tự nhiên của Hàn Quốc là Nhật. Hy vọng lóe lên từ chiến thắng áp đảo của ông Abe trong cuộc tổng tuyển cử mới đây, giúp ông có vốn liếng chính trị để tiến hành một cuộc đại mặc cả với bà Park: Nếu Nhật bày tỏ sự ăn năn rõ ràng hơn cho quá khứ quân phiệt, Hàn Quốc sẽ đồng ý gạt bỏ những oán hận lịch sử ra khỏi chính sách chính thức.
Nhật và Hàn Quốc không thể thay đổi quá khứ, nhưng họ có thể phấn đấu tạo một tương lai mang tính hợp tác hơn.
Những xiềng xích lịch sử Đông Á - ảnh 2Ảnh: Cprindia.org

Ông Brahma Chellaney (ảnh) hiện là giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm nghiên cứu chính sách ở New Delhi. Ông từng là cố vấn cho Hội đồng an ninh quốc gia Ấn Độ và là thành viên nhóm cố vấn chính sách thuộc Bộ Ngoại giao Ấn Độ. Ông Chellaney còn được xem là một trong những nhà phân tích chiến lược hàng đầu của Ấn Độ và nhà bình luận nổi tiếng về các vấn đề quốc tế.

Văn Khoa
 (chuyển ngữ)
© Project Syndicate

 

Brahma Chellaney 
(Giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu chính sách ở New Delhi)