Bộ Công thương sửa đổi văn bản: Bài học không của riêng ai
Bộ Công thương vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải đi máy bay giá rẻ của Hãng VietJet Air.
Bộ Công thương sửa đổi văn bản: Bài học không của riêng ai
Bộ Công thương vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải đi máy bay giá rẻ của Hãng VietJet Air.
VietJet Air hay Jetstar đều là hãng hàng không giá rẻ. Việc các cơ quan nhà nước chỉ định cán bộ, nhân viên của mình đi máy bay của hãng này hoặc hãng khác là có thể tạo ra bất công trong kinh doanh. Trong ảnh: hành khách lên máy bay của Hãng Jetstar (trên) và VietJet Air - Ảnh: T.T.D. – N.C.Thành |
Dù văn bản này sau đó được sửa đổi, nhưng câu chuyện về vi phạm trong cạnh tranh thương mại vẫn là bài học không chỉ dành riêng cho Bộ Công thương.
Để giảm bớt chi phí, Bộ Công thương yêu cầu các đơn vị khi đi công tác trong nước bằng máy bay, mua vé máy bay giá rẻ của Vietjet Air. Không ai phản đối, thậm chí rất hoan nghênh việc Bộ Công thương thực hành tiết kiệm.
Tuy nhiên, dư luận tỏ ra không đồng tình trong chuyện Bộ Công thương chỉ định đích danh Hãng VietJet Air là địa chỉ để mua vé máy bay.
Sau đó, Bộ Công thương phải ban hành thông báo mới và sửa đổi nội dung thành: “Các đơn vị khi đi công tác trong nước bằng máy bay, mua vé của các hãng hàng không giá rẻ…”.
Điều này có nghĩa là bỏ chỉ định phải mua vé của Hãng hàng không VietJet Air. Theo đại diện Bộ Công thương, sở dĩ trong thông báo trước có quy định mua vé máy bay của Hãng VietJet Air là do… lỗi đánh máy.
Không chỉ riêng Bộ Công thương, một số cơ quan khác cũng có văn bản tương tự. Chẳng hạn trước đây UBND tỉnh Nghệ An có công văn kêu gọi uống bia sản xuất trong tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn yêu cầu ký hợp đồng mua ximăng với Công ty cổ phần ximăng Xuân Thành 2…
Các công văn này bị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp “tuýt còi” do tạo ra sự phân biệt đối xử, tạo ra lợi ích cục bộ, địa phương.
Phân tích những sự việc nêu trên, hầu hết luật sư đều cho rằng rất may là các văn bản đã ban hành được kịp thời sửa đổi hoặc bị huỷ bỏ, nếu không sẽ vi phạm pháp luật hiện hành, gây ra những bất công trong môi trường kinh doanh.
Phân biệt đối xử
Luật sư Trần Minh Hải (Đoàn luật sư TP Hà Nội): “Khoản 1, điều 6 của Luật cạnh tranh có quy định hành vi cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước: buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định, trừ hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp.
Thông báo đầu tiên của Bộ Công thương có quy định chỉ đích danh phải mua vé của một hãng nào đó là có dấu hiệu không đảm bảo quy định của Luật cạnh tranh, có sự phân biệt đối xử.
Nguyên tắc hàng không giá rẻ không còn là khái niệm của một hãng nào. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng có gói hàng không giá rẻ.
Thông báo của Bộ Công thương có thể hiểu là để tiết giảm chi phí. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, đây là điều hoàn toàn cần thiết và nên ủng hộ nhưng việc văn bản có chỉ định, hướng tới cụ thể một hãng hàng không nào đó là không đảm bảo tính công bằng.
Vi phạm Luật cạnh tranh được hiểu là có sự phân biệt đối xử với các doanh nghiệp, tạo ra sự hỗ trợ một cách không sòng phẳng. Nếu áp đặt, chỉ đạo dù ít hay nhiều đều gây tác động đến xu hướng người tiêu dùng, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp”.
Liệu có minh bạch?
Luật sư Phan Thị Hương Thuỷ (Đoàn luật sư TP Hà Nội): “Khi chưa có Luật cạnh tranh, các doanh nghiệp, cá nhân hay có mối quan hệ riêng, có sự cài cắm giá, gửi giá, thoả thuận ngầm để mua hàng của nhau. Đó là vấn đề cạnh tranh không lành mạnh.
Bây giờ có Luật cạnh tranh, Luật đấu thầu là để loại trừ các hành vi kinh doanh không lành mạnh. Việc cạnh tranh này được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, được Nhà nước bảo hộ.
Hiện nhiều cơ quan quản lý nhà nước lại có quy định buộc các đơn vị phải mua hàng của một doanh nghiệp nào đấy. Dư luận sẽ đặt câu hỏi liệu có sự thỏa thuận ngầm hay không?
Điều này thể hiện sự phân biệt đối xử của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp.
Người ta sẽ có suy nghĩ tại sao không chỉ đạo mua hàng của doanh nghiệp này mà lại mua hàng của doanh nghiệp khác, có vấn đề gì không, có minh bạch hay không?
Việc có chỉ đạo phải mua một loại hàng hoá của một hãng nào đó là hành vi vi phạm quy định của Luật cạnh tranh. Đó là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Trở lại câu chuyện của Bộ Công thương, nếu Bộ Công thương không có động thái ban hành văn bản sau bỏ quy định cán bộ nhân viên đi công tác phải mua vé của VietJet Air thì các hãng hàng không giá rẻ khác có quyền khiếu nại. Vì đây là hành vi tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.
Các hành vi này hiện nay xảy ra khá phổ biến, ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp khác nhưng vẫn không bị xử lý. Đây cũng là vấn đề đặt ra đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Luật cạnh tranh không đảm bảo thực hiện sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác, đến thị trường, người tiêu dùng.
Việc Bộ Công thương có văn bản sửa đổi là dấu hiệu tích cực để mọi người không có sự hoài nghi về việc cạnh tranh không lành mạnh”.
Bất hợp pháp Luật sư Đỗ Minh Phương (Đoàn luật sư TP Hà Nội): “Trước tiên, phải nói rằng việc Bộ Công thương có văn bản yêu cầu các đơn vị thuộc bộ khi đi công tác bằng máy bay phải mua vé của hãng hàng không giá rẻ là động thái rất tích cực, góp phần sử dụng hợp lý, hiệu quả khi chi tiêu công. Phải xem việc mua vé máy bay là hoạt động mua sắm thường xuyên của đơn vị bằng vốn ngân sách. Đây là chi tiêu công nên phải chi tiêu hiệu quả. Việc mua vé máy bay là chi tiêu thường xuyên được quy định tại điều 46 Luật đấu thầu. Tiền cán bộ đi công tác là danh mục mua sắm, chi thường xuyên, nên cần đảm bảo quy định của Luật đấu thầu về mua sắm dịch vụ hàng hóa thường xuyên của đơn vị. Điều 89 Luật đấu thầu có quy định các hành vi bị cấm trong đấu thầu là “lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu”. Việc chỉ định mua vé của một hãng nào đó cụ thể trong trường hợp này là sai, bất hợp pháp, vi phạm quy định của Luật đấu thầu. Ngoài ra còn vi phạm quy định của Luật cạnh tranh”. |