16/11/2024

Nước Pháp “hậu Charlie”: ám ảnh cuộc sống người dân

Vụ thảm sát ở toà báo Charlie Hebdo rõ ràng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Pháp, đặc biệt là cộng đồng người Hồi giáo ở đây.

 

Nước Pháp “hậu Charlie”: ám ảnh cuộc sống người dân

 

Vụ thảm sát ở toà báo Charlie Hebdo rõ ràng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Pháp, đặc biệt là cộng đồng người Hồi giáo ở đây.

 

 

 

 

Người Hồi giáo Iraq ném đá cả vào khu của sứ quán Mỹ tại Baghdad khi biểu tình chống tranh biếm của Charlie Hebdo ngày 23-1 – Ảnh: Reuters

Những ngày này, mùa đông dường như nặng nề và u ám hơn. Ở Paris nhiệt độ dao động quanh 0OC. Gió thổi lạnh buốt các mặt phố ở Paris nhưng dường như người dân cùng chính quyền vẫn còn đang phải băng bó cho vết thương vừa trúng phải.

Chẳng cần nghĩ đâu xa, mỗi ngày truyền thông truyền hình cứ phát hình ảnh xảy ra đâu đó những vài ngàn kilômet nói về những cuộc biểu tình chống nước Pháp, chống người Pháp. Dẫu không nhiều cuộc mang tính bạo lực nhưng nó vẫn đang diễn ra, như cứa vào thêm vết thương bị khủng bố.

Người Pháp, dẫu đã xuống đường hàng triệu người để thể hiện tình đoàn kết chống lại sự tàn bạo của nạn khủng bố nhưng cũng chưa ngăn được những phản ứng chống đạo Hồi ngay trong lòng quốc gia của mình.

Câu chuyện của Ahmed và Nicolas

Anh Ahmed sinh ra ở Pháp, nay tầm 40 tuổi. Cha mẹ anh người gốc Algeria (cùng gốc quê của anh em khủng bố Kouachi). Ahmed theo đạo Hồi nhưng không sùng đạo. Làm nghề bảo trì ở một trung tâm công nghệ thông tin, Ahmed không cầu nguyện năm lần mỗi ngày như quy định.

Tôi hẹn gặp Ahmed sau buổi lễ chiều thứ sáu của anh ở đền thờ Hồi giáo khu vực Evry, ngoại ô Paris. Chúng tôi ngồi trò chuyện trong quán cà phê nhỏ. “Khi có thời gian, tôi chỉ đến buổi cầu nguyện lớn ngày thứ sáu. Thế là đủ cho tôi rồi. Sùng kính đấng tiên tri thì tôi giữ trong tim, dù ở nhà hay ở đền thờ thì cũng thế” – Ahmed tâm sự.

Khi vào quán, Ahmed vào nhà vệ sinh lặng lẽ cởi chiếc áo choàng dài djellaba truyền thống của người Hồi giáo mà anh khoác bên ngoài bộ đồ âu chuẩn là quần jean áo sơmi.

Ahmed như thể thanh minh: “Trước vụ Charlie, tôi vẫn đi bộ từ nhà đến đền thờ và về nhà trong bộ djellaba. Nay tôi thấy những ánh mắt khó chịu khi tôi mặc áo choàng này lúc lên xe buýt hoặc lên xe điện ngầm”.

Vì lẽ để tránh nỗi sợ hãi của những người xung quanh, tự thân Ahmed tránh để lộ ra những dấu hiệu của Hồi giáo trong sinh hoạt hằng ngày. “Kể cả tại công ty tôi cũng nhiều lần gặp những ánh mắt ngờ vực khi đi vào phòng đặt các máy chủ. Không ít lần tôi tím mặt khi nghe những câu đùa ngu ngốc kiểu như: Này, anh không làm nổ tung cái phòng này đó chứ?” – Ahmed buồn buồn kể lại môi trường làm việc của anh hiện nay.

Với công việc và thu nhập hiện tại, Ahmed thuộc giới trung lưu ở Pháp. Anh có thể đến sống tại khu nhà sang hơn ở khu chung cư tại Evry. Nhưng vì cha mẹ anh muốn sống ở đây với giá thuê nhà rẻ hơn nên anh có thể có dư tiền để giúp gia đình và chuẩn bị cưới vợ.

Cùng khu nhà “ổ chuột” của Ahmed là Nicolas, một thanh niên da trắng thất nghiệp. Nicolas và Ahmed không quen biết nhau dù vẫn thường gặp nhau khi ra vào. Họ cũng chẳng tìm cách chào hỏi, làm quen.

Khi được hỏi vì sao, Ahmed nói ngay: “Cậu ta là gã da trắng phân biệt chủng tộc. Tôi từng thấy cậu ta bịt mũi khi đi qua các căn hộ đang nấu ăn!”.

Còn Nicolas cũng có cách lý giải của mình: “Mấy người đó chẳng tôn trọng ai cả. Họ nấu nướng bay mùi, ăn nhậu tận khuya, con cái nheo nhóc ầm ĩ, chỉ chăm chăm nhận trợ cấp xã hội thay vì đi làm việc. Và hơn nữa họ chiếm lấy công việc của tôi”. Mỗi bên giữ lấy cách suy nghĩ của mình khiến hố sâu ngăn cách càng rộng hơn.

Những ẩn hoạ ngấm ngầm

Ở Pháp, người Pháp chính gốc và người nhập cư theo Hồi giáo có vẻ e dè nhau trong cuộc sống hằng ngày. Người Pháp đang nhìn người Hồi giáo với ánh mắt ngờ vực dù thực tâm họ cũng muốn gạt bỏ đi mối nghi ngại này. Tình cảm ghét bỏ người khác không thuộc trong truyền thống cộng hoà và bình đẳng vốn có của nước Pháp. Nhưng cũng khó bỏ được sự ngờ vực trong những ngày tháng này.

Người Hồi giáo ở Pháp trong khi đó đau đáu tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao lớp con cháu lại trở thành những kẻ cuồng tín. Ðó là thực tế không thể chối cãi: có cả ngàn trường hợp trong số 3-4 triệu dân Hồi giáo ở Pháp.

Lâu nay người Pháp nói chung không có tư tưởng phân biệt chủng tộc hay ghét bỏ người nước ngoài. Nhưng người Pháp sống khác kiểu ở Mỹ và Anh, nơi các cộng đồng chủng tộc hoặc tôn giáo sống cùng khu vực.

Bởi lẽ ở Pháp tuân theo kiểu hội nhập cộng đồng quốc gia cộng hoà: dù là gốc gác chủng tộc, tôn giáo thế nào thì đó là vấn đề cá nhân và phải giữ nó trong căn nhà của mình. Bằng chứng là các thăm dò chính thức không có quyền nêu nguồn gốc chủng tộc và tôn giáo của công dân.

Ðó là nguyên tắc của bình đẳng, bình quyền. Và do đó những biểu hiện thể hiện nguồn gốc chủng tộc/tôn giáo sẽ bị người khác khó chịu và bị cấm đoán ở nơi công cộng, theo nguyên tắc của bình đẳng.

Nhưng nguyên tắc đó dần bị bào mòn sau các cuộc khủng hoảng kinh tế. Người nghèo, dù chủng tộc, tôn giáo nào cũng bắt đầu tìm về sống cùng nhau trong những khu chung cư “ổ chuột”. Người giàu tìm đến sống cùng nhau ở “khu nhà giàu”.

Những bất công ngấm ngầm ăn sâu vào từng hơi thở của cuộc sống. Bạn đi tìm việc? Nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào lý lịch để xem bạn gốc gác nơi nào, đang sinh sống ở đâu. Ðịnh kiến đó sẽ khiến bạn mất thế so với một ứng viên khác đang sống ở “khu nhà giàu”.

Hiện tượng “ổ chuột hoá” không chỉ mang tính nơi ở mà đã vươn lên tầm xã hội: nó đồng nghĩa với chuyện bạn sẽ được xem trọng hay không, có tương lai hay không… Dường như nhiều năm qua nó đã tạo thành cái vòng luẩn quẩn.

Nhà nước Pháp dường như thức tỉnh mạnh sau sự kiện Charlie Hebdo vì họ đã không làm gì để thay đổi, để đánh động trong thời gian dài. Sự phân tầng xã hội như thế đã tạo ra những người có tư tưởng cực đoan. Không thể bỏ qua chuyện anh em nhà Kouachi và Coulibaly từng trưởng thành trong môi trường tương đối an ổn.

Vấn đề chuyển hóa thành cực đoan ở đây dường như không phải nằm ở tôn giáo mà ở chính những bất ổn ngấm ngầm trong xã hội.

Chính phủ Pháp vừa tung ra nhiều gói biện pháp để chấn chỉnh vấn đề, trong đó có cả việc giảng dạy những giá trị của nền cộng hòa cho học sinh. Hi vọng muộn còn hơn không…


VÕ TRUNG DUNG (từ Paris
)