10/01/2025

Hướng kiều hối vào sản xuất, kinh doanh

Theo dự báo của các chuyên gia, từ nay đến trước Tết Nguyên đán nguồn kiều hối sẽ tiếp tục tăng mạnh, hiện các ngân hàng đua nhau thu hút dòng ngoại tệ này.

 

Hướng kiều hối vào sản xuất, kinh doanh

 

Theo dự báo của các chuyên gia, từ nay đến trước Tết Nguyên đán nguồn kiều hối sẽ tiếp tục tăng mạnh, hiện các ngân hàng đua nhau thu hút dòng ngoại tệ này.

 

 


 

 

(Nguồn: Ngân hàng Nhà nước VN chi nhánh TP.HCM) – Đồ hoạ: V.Anh
71,4% lượng kiều hối chảy vào sản xuất, kinh doanh
71,4% lượng kiều hối chảy vào sản xuất, kinh doanh
Kênh bất động sản cũng sẽ thu hút một lượng kiều hối không nhỏ nhưng hướng dòng kiều hối chạy vào sản xuất sẽ đóng góp tích cực cho nền kinh tế, muốn vậy VN cần phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hơn nữa 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

Kiều hối về VN tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 10% trong năm 2014, ước đạt 12 tỉ USD. 

Các chuyên gia cho rằng trong năm 2015 kiều hối vẫn sẽ tiếp tục giữ mức tăng trưởng như thời gian qua.

Nhộn nhịp mùa kiều hối

Anh Nguyễn Văn Long (Q.Tân Bình, TP.HCM) có người thân ở nước ngoài hay chuyển tiền về để hỗ trợ cuộc sống cũng như công việc kinh doanh, cho biết trước đây thường nhờ dịch vụ “xách tay”, nhưng vài năm gần đây anh chỉ nhận tiền qua các công ty kiều hối của ngân hàng (NH), an tâm hơn.

“Dịch vụ cũng khá nhanh. Hôm nay người nhà báo gửi, hôm sau công ty kiều hối của NH đã gọi điện báo và giao tiền mà người nhận không phải mất phí gì. Vui nhất là ngoại tệ khá mới. Họ nói sẵn sàng quy đổi sang tiền đồng với tỉ giá cao” – anh Long nói.

Theo NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, kiều hối chuyển về các NH trên địa bàn TP.HCM năm 2014 đã tăng 200-300 triệu USD so với năm ngoái, đạt 5 tỉ USD, tăng 4,2% so với năm 2013.

Đáng lưu ý, theo ông Nguyễn Hoàng Minh – phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, đang có sự dịch chuyển qua lại giữa các kênh đầu tư.

Cụ thể theo báo cáo từ các NH trên địa bàn, năm 2014 có 71,4% lượng kiều hối chảy vào sản xuất, kinh doanh (lĩnh vực này năm 2013 là 70,2%), lĩnh vực bất động sản chiếm 22,1%, còn lại dùng vào hỗ trợ, chi tiêu gia đình.

Đại diện NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho rằng kiều bào và lao động xuất khẩu, cộng với nhiều chính sách thông thoáng đã giúp lượng kiều hối đổ về VN tăng liên tục.

Đại diện Công ty kiều hối Đông Á cũng cho rằng trong năm qua lượng kiều hối từ những thị trường lâu năm như Mỹ, Canada, châu Âu vẫn khá ổn định.

Theo thông tin của Cục Lao động ngoài nước, số lượng lao động xuất khẩu năm 2014 là 105.000 người (đạt 115% so với kế hoạch 90.000 lao động), do vậy bên cạnh kiều hối từ kiều bào thì một nguồn doanh số không nhỏ đến từ lao động xuất khẩu.

Những thị trường tập trung nguồn lao động cao là Malaysia và Đài Loan… Chiếm một tỉ trọng khá lớn thị trường kiều hối VN, đại diện Vietcombank cũng cho biết dự kiến năm nay NH sẽ đạt xấp xỉ 1,4 tỉ USD.

Tại Sacombank, kiều hối về VN qua NH này cũng tăng so với năm ngoái, đạt gần 2 tỉ USD.

Theo ông Phan Huy Khang – tổng giám đốc Sacombank, kiều hối chi trả qua Sacombank tăng khoảng 15-17% so với năm ngoái.

Đây là kết quả có được từ việc các NH nỗ lực chi trả nhanh lẹ cho người nhận, không thu phí. Ngoài ra, mạng lưới của NH ở nước ngoài cũng mở rộng, tạo điều kiện cho người gửi dễ dàng tiếp cận. 

lĩnh vực bất động sản chiếm 22,1%
Khoảng 22,1% kiều hối đầu tư vào lĩnh vực bất động sản

Cải thiện kinh tế để thu hút kiều hối

Ông Võ Trí Thành, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đánh giá kiều hối đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của VN.

Theo kết quả nghiên cứu toàn cảnh về kiều hối tại VN do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương vừa hoàn tất, trong giai đoạn 20 năm qua, lượng kiều hối về VN tăng trưởng bình quân hằng năm hơn 38%.

Nếu tính cả năm 2014, tổng giá trị kiều hối về VN đạt hơn 90 tỉ USD.

Tạo niềm tin cho kiều bào

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, muốn thu hút nguồn kiều hối nhiều hơn, đặc biệt vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, VN cần phải có chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, tạo niềm tin cho kiều bào.

Trước đây, kiều hối gửi về chủ yếu cho người thân chi tiêu, mục đích đầu tư, kinh doanh chỉ rõ ràng trong khoảng mười năm gần đây, đặc biệt là những thời điểm lãi suất huy động tiền VN cao.

Kiều hối là nguồn vốn thứ hai tại VN, sau tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thực hiện và lớn hơn cả vốn viện trợ phát triển chính thức ODA đã giải ngân.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2004-2006, kiều hối là nguồn vốn lớn nhất của đất nước. Hoa Kỳ là quốc gia chuyển tiền kiều hối về VN nhiều nhất, trong ba năm trở lại đây chiếm 57% tổng kiều hối chính thức của cả nước.

Tiếp theo là Úc với khoảng 9% tổng giá trị, Canada 8,4%, Đức hơn 6%, Campuchia và Pháp cùng chuyển về khoảng 4%.

Cũng theo ông Thành, tỉ trọng người nhận kiều hối có mục đích chi tiêu hằng ngày lên tới 35,4% tổng lượng kiều hối. Như ở TP.HCM, trong ba năm gần đây tỉ trọng này chiếm 45% tổng lượng kiều hối.

Còn kiều hối đầu tư vào sản xuất – kinh doanh nói chung chiếm khoảng 16% như sản xuất và dịch vụ: 30% đầu tư vào bất động sản, vàng chiếm khoảng 20%…

Có tới 11% tổng kiều hối được gửi tiết kiệm để lấy lãi, còn sử dụng cho các mục đích như chữa bệnh, đi học, trả nợ… chỉ 7-10%.

Các chuyên gia dự báo kiều hối năm 2015 sẽ tiếp tục giữ được mức tăng trưởng 10% nhờ chính sách cho phép người nước ngoài được mua nhà, thu hút một lượng lớn kiều hối vào bất động sản.

Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa, kiều hối về VN trong năm 2015 sẽ gặp một vài áp lực tăng trưởng.

“Gần 47% kiều hối chuyển về VN từ Mỹ. Nước này vừa dừng gói kích thích kinh tế, nếu Mỹ tăng lãi suất đồng USD thì việc gửi tiền về VN để đầu tư không còn hấp dẫn nữa, nguồn kiều hối gửi về có thể giảm.

Hiện nay, kiều hối về VN một mặt để đầu tư, một mặt được đổi ra tiền Việt để gửi ngân hàng vì lãi suất tiền đồng đang cao. Dù lãi suất tiền gửi của VN giảm nhưng vẫn còn hấp dẫn. Nếu quy đổi ra tiền Việt để gửi thì người nhận kiều hối vẫn có lời nhưng sẽ khó có mức lời cao như trước” – ông Nghĩa nhận định.


NHƯ BÌNH – LÊ THANH