10/01/2025

Chờ hệ số K

Việc hệ số điều chỉnh tiền sử dụng đất (hệ số K) đến nay vẫn chưa được ban hành, dù bảng giá đất tại TP.HCM đã ban hành gần 1 tháng, đang gây bức xúc cho người dân.

 

Chờ hệ số K

 

 

Việc hệ số điều chỉnh tiền sử dụng đất (hệ số K) đến nay vẫn chưa được ban hành, dù bảng giá đất tại TP.HCM đã ban hành gần 1 tháng, đang gây bức xúc cho người dân.

 

 

Hệ số K năm 2015 dự kiến sẽ được điều chỉnh giảm  Hệ số K năm 2015 dự kiến sẽ được điều chỉnh giảm – Ảnh: D.Đ.Minh

Một độc giả của Thanh Niên sống tại Q.Thủ Đức phản ánh ngay khi nghe thông tin bảng giá đất mới của TP.HCM tăng gần gấp đôi so với năm 2014, chị vội vàng làm thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất có diện tích 200 m2. “Tôi mang hồ sơ đến phường nộp thì cán bộ phường nhùng nhằng không muốn nhận. Tôi phải nói hết lời vị này mới nhận nhưng cũng thòng thêm một câu là nhận hồ sơ thôi chứ phải chờ TP ban hành quyết định hệ số K mới có thể tính tiền sử dụng đất (SDĐ) được”, độc giả này kể.

 
 

Hệ số K được dùng để tính tiền SDĐ đối với phần diện tích đất ở vượt hạn mức khi người dân làm thủ tục chuyển đổi mục đích SDĐ hợp thức hóa nhà đất. Theo đó, tiền SDĐ đối với phần đất vượt mức được tính theo công thức: hệ số K nhân với giá đất được quy định trong bảng giá đất ở khu vực thửa đất, nhà người dân đang làm thủ tục chuyển đổi, hợp thức hoá nhà đất.

 

Một số độc giả khác đề nghị TP cần điều chỉnh lại hệ số K, nếu giữ nguyên thì tiền SDĐ mà người dân phải đóng rất cao. Năm 2014, khi TP soạn dự thảo về hệ số K từ 2 – 4 lần đã vấp phải sự phản đối của rất nhiều người dân. Sau nhiều lần sửa đổi, cuối cùng TP quyết định hệ số K từ 1,1 đến 2 lần. Năm nay, bảng giá đất của TP tăng gần 2 lần so với năm 2014. Nếu giữ nguyên hệ số K thì nhiều người dân không thể đóng nổi tiền SDĐ khi làm thủ tục hợp thức hoá nhà đất, chuyển đổi mục đích SDĐ.

Lãnh đạo phòng TN-MT một huyện cho biết hiện đã nhận được thông tin phản ánh từ các phường về việc người dân cần hợp thức hoá nhà đất đang rất lo lắng về vấn đề này. Trước tháng 1.2015, người dân nộp hồ sơ hợp thức hoá, chuyển đổi mục đích SDĐ rất nhiều, còn giờ người nộp ít lại vì phải chờ TP ban hành quyết định hệ số K. “Người dân có nhu cầu đang hy vọng TP sẽ điều chỉnh giảm hệ số K xuống để họ đỡ gánh nặng đóng tiền SDĐ”, vị này cho hay.

Ông Nguyễn Như Bình, Trưởng phòng Đăng ký kinh tế đất, Sở TN-MT TP.HCM, cho hay theo khung giá đất do Chính phủ quy định, mức cao nhất là 162 triệu đồng/m2, thấp nhất 1,5 triệu đồng/m2, do đó TP phải điều chỉnh cho phù hợp với khung giá mới. Qua rà soát, cân đối, TP đã thống nhất lấy mức giá đất khoảng 25 – 30% giá thị trường (là mức thấp nhất có thể) để có sự hài hòa giữa mặt bằng chung của giá đất TP, đồng thời phù hợp khung giá của Chính phủ. “Các cơ quan cần nghiên cứu tham mưu với Trung ương để có mức thu hợp lý hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước”, ông Bình kiến nghị.

 Dự kiến giảm

Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, cho biết hiện Sở đã xây dựng dự thảo Quyết định quy định về hệ số K để lấy ý kiến của các địa phương, sở, ngành. Sau khi thống nhất sẽ trình UBND TP ban hành, áp dụng. Hệ số K mới sẽ dao động từ 1 đến 1,2 lần so với bảng giá đất 2015, giảm so với hệ số K năm 2014 (từ 1,1 đến 2 lần).

Theo Sở Tài chính, hiện trên địa bàn TP vẫn còn nhiều trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, trong khi bảng giá đất mới áp dụng từ 1.1.2015 tăng bình quân từ 1,28 đến 1,99 lần so với bảng giá đất năm 2014. Do đó, nhằm tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân sớm hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước và sớm hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ ở, Sở Tài chính kiến nghị UBND TP chấp thuận giảm hệ số K. Cụ thể, đối với khu vực 1 gồm các quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình và Phú Nhuận có hệ số K bằng 1,2 lần (trước đây là 2 lần). Khu vực 2 gồm: các quận 6, 7, Gò Vấp, Bình Thạnh và Tân Phú có hệ số K bằng 1,15 lần (trước đây là 1,5 lần). Khu vực 3 gồm: các quận 2, 8, 9, 12, Bình Tân và Thủ Đức có hệ số K bằng 1,1 lần (trước đây là 1,5 lần). Khu vực 4 gồm các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn hệ số K bằng 1,05 lần (trước đây là 1,3 lần); riêng huyện Cần Giờ sẽ có ưu đãi hơn so với 4 huyện còn lại với hệ số K bằng 1 lần (trước đây là 1,1 lần).

Cũng theo dự thảo, đối với các trường hợp người dân trước đây đã làm thủ tục chuyển đổi mục đích SDĐ, hợp thức hoá nhà đất nhưng còn nợ tiền SDĐ, nếu trả nợ trong thời hạn 5 năm kể từ ngày ghi nợ thì được tính theo giá đất vào thời điểm cấp giấy chứng nhận và còn được hỗ trợ giảm trừ mức 2%/năm vào tiền SDĐ phải nộp. Nếu nộp sau 5 năm kể từ ngày ghi nợ thì phải nộp phần tiền còn lại theo giá đất mới tại thời điểm trả nợ.

Doanh nghiệp cũng áp dụng

Trong dự thảo hệ số K lần này, Sở Tài chính đề xuất các doanh nghiệp (DN) cũng được nộp tiền SDĐ theo hệ số K nếu thoả điều kiện tổng số tiền SDĐ phải nộp của khu đất dưới 30 tỉ đồng (tính theo bảng giá đất) theo quy định tại Nghị định 45 về thu tiền sử dụng đất. Sở cũng chia địa bàn các quận, huyện thành 4 khu vực tương tự như trường hợp hộ gia đình cá nhân. Khu vực 1 có hệ số K cao nhất là 2 lần, khu vực 4 thấp nhất với 1,7 lần, riêng Cần Giờ là 1,6 lần.

Theo Sở Tài chính, trước đây các DN muốn nộp tiền SDĐ phải đi thuê đơn vị thẩm định giá để xác định số tiền phải nộp theo giá thị trường. Sau đó Hội đồng thẩm định giá TP thẩm định lại rồi trình UBND TP phê duyệt cho từng trường hợp cụ thể. Thời gian thực hiện và thủ tục kéo dài, phức tạp nên các DN thường phàn nàn. Nay các DN được áp dụng hệ số K để nộp tiền SDĐ là sự cải tiến thủ tục hành chính theo hướng đơn giản thuận lợi. Nhà nước cũng kịp thời huy động được nguồn thu từ đất đai cho ngân sách.

Đình Sơn