27/11/2024

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015: “Giữ thang điểm 10″

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận giải đáp thắc mắc của đại diện các trường ĐH, CĐ,THPT và các sở GD-ĐT ở phía Nam tại buổi toạ đàm Góp ý dự thảo quy chế thi THPT quốc gia năm 2015 tổ chức ngày 22.1.

 

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015: “Giữ thang điểm 10″

 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận giải đáp thắc mắc của đại diện các trường ĐH, CĐ,THPT và các sở GD-ĐT ở phía Nam tại buổi toạ đàm Góp ý dự thảo quy chế thi THPT quốc gia năm 2015 tổ chức ngày 22.1.

 

 

Trong buổi toạ đàm, nhiều lãnh đạo các sở GD-ĐT, trường ĐH và THPT kiến nghị nên sử dụng thang điểm 10 thay vì thang điểm 20 như dự thảo quy chế. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: “Thang điểm 20 so với thang điểm 10 về bản chất như nhau.
 


Ảnh minh họa

 

Nhưng vấn đề lớn nhất mà xã hội cảm nhận được nếu áp dụng thang điểm mới là điểm ưu tiên tuyển sinh tối đa sẽ tăng lên 7 điểm (thay vì 3,5 điểm như thang điểm 10 - PV). Mức điểm này sẽ là khoảng cách rất xa so với người không được ưu tiên”.
 

 
TS sẽ được mang Atlat Địa lý vào phòng thi


Cấu trúc đề thi sẽ có câu dễ, khó vừa đến khó, đảm bảo việc xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào ĐH, CĐ.


–  Dự kiến trong 10 ngày đầu tháng 2.2015, Bộ sẽ công bố chính thức quy chế.


- Trong mỗi đợt xét tuyển, tất cả các trường cùng tham gia.


–  Sẽ tổ chức thi THPT quốc gia vào tháng 7.


–  Vẫn có cụm thi tỉnh và liên tỉnh, trong đó cụm thi tỉnh tổ chức cho các TS chỉ có nguyện vọng dự thi tốt nghiệp THPT, do các trường ĐH phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức.


- Dự thảo quy chế thi 2015 sẽ là hình hài quy chế áp dụng cho đến lứa học sinh sẽ học chương trình sách giáo khoa mới, có nghĩa phải đến 2021 mới thay đổi phương án thi (nếu có).   

Bà Trương Thị Kim Huệ, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, đề xuất nên duy trì thang điểm 10 vì hiện tại học sinh vẫn đang áp dụng thang điểm 10 trong quá trình học tập. Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho rằng thang điểm 10 là theo thói quen bấy lâu nay nên sẽ tạo đồng thuận nhiều hơn thang điểm 20.

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, đề xuất: “Việc chấm thi ở thang điểm 20 thí sinh (TS) đượcchấm điểm chính xác và chi tiết hơn. Tuy nhiên điều này sẽ khiến TS có thay đổi tâm lý. Trong một kỳ thi có nhiều thay đổi quan trọng thì không nên có những thay đổi nhỏ khiến học sinh và giáo viên phân tâm”.

Trong phần phát biểu kết thúc tọa đàm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận định: “Thang điểm 20 so với thang điểm 10 về bản chất không thay đổi gì. Thực tế với môn ngoại ngữ, chúng ta đang sử dụng thang điểm 100.

Tuy nhiên, sự thay đổi này ban đầu sẽ khiến giáo viên bỡ ngỡ, có thể chấm rồi phải quy đổi lại mất nhiều thời gian. Vì vậy, Bộ sẽ tiếp thu theo hướng giữ thang điểm 10 tránh băn khoăn lo lắng cho học sinh và giáo viên”.
 
Có 2 loại cụm thi theo nguyện vọng thí sinh

Về cụm thi, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nêu: “Theo thống kê hằng năm, kỳ thi ĐH và CĐ có khoảng 80 – 85% số lượng TS tốt nghiẹp THPT dự thi. Vì vậy, không nên tổ chức 2 dạng cụm thi khác nhau (dành cho TS xét tuyển vào ĐH, CĐ và dành cho TS chỉ thi tốt nghiệp) như dự thảo hiện nay. Điều này sẽ khiến bản thân người học có cảm giác người học hạng 2”.

Trong khi đó, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, phản biện: “Tôi không nghĩ sự tồn tại 2 dạng cụm thi tỉnh và liên tỉnh là có phân biệt TS, mà ngược lại còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho TS ở cụm thi tỉnh khi mà họ chỉ có nguyện vọng tốt nghiệp THPT hoặc để xét vào các trường nghề”.
Cũng theo ông Dũng, việc tổ chức cụm thi ở địa phương là phù hợp, tiết kiệm cho TS ở tỉnh, không có điều kiện ra thành phố lớn để thi. Điều này giúp tiết kiệm cả ngàn tỉ đồng ngân sách. Như các năm, có rất nhiều thí sinh phải vào TP.HCM cả nửa tháng trời, rất tốn kém.

Liên quan đến vấn đề cụm thi, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng việc xét tuyển TS vào ĐH và CĐ sẽ do trường ĐH quyết định, không nên khẳng định TS dự thi cụm tỉnh chỉ để xét tốt nghiệp. Vì việc xét tuyển vào các trường ĐH và CĐ đều do các trường quyết định. Thực tế có khoảng 250 trường chỉ xét tuyển TS dự thi cụm thi liên tỉnh, còn 200 trường kết hợp xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia và kết quả học bạ THPT.

Về điểm này, Bộ trưởng Luận trao đổi, với TS chỉ thi tốt nghiệp nếu phải di chuyển qua tỉnh khác sẽ vất vả quá. Các địa bàn khó khăn thuộc Tây Bắc và Tây Nguyên có những huyện rộng hơn cả một tỉnh  đồng bằng, nếu TS chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp, không sử dụng kết quả thi này vào xét tuyển ĐH và CĐ sẽ được tạo điều kiện thi tại địa phương. Tuy nhiên, ông Luận khẳng định: “Cụm thi tỉnh vẫn được tổ chức giống với cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì. Vì vậy, một số trường ĐH sẽ được điều động tổ chức thi ở vùng khó khăn”.

Tranh luận về số nguyện vọng xét tuyển

Đại diện các trường ĐH đặt nhiều tình huống xoay quanh việc xét tuyển nguyện vọng. PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, không đồng ý việc mỗi đợt xét tuyển chỉ nộp một trường, vì như vậy TS sẽ bớt cơ hội được trúng tuyển vào ngành học theo nguyện vọng. Sẽ có trường có 4 ngành cho TS nộp hồ sơ nhưng có trường thì chỉ 1 – 2 ngành. Nếu được nộp 4 hồ sơ ở 4 trường khác nhau thì có lợi cho thí sinh hơn.

Tương tự, tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, đưa ý kiến: “Nói TS có 4 giấy để xét tuyển tối đa 16 nguyện vọng vào các trường ĐH và CĐ, có học sinh cho rằng việc này không công bằng. Bởi lẽ, với quy định mỗi đợt xét tuyển TS chỉ sử dụng một giấy để xét tuyển tối đa 4 ngành một trường, nếu TS đăng ký vào ngành y 26 điểm mà rớt nhưng muốn tiếp tục xét tuyển vào ngành y ở trường khác thi sẽ không còn cơ hội”.

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyền Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, lại cho rằng việc quy định TS trúng tuyển không được tham gia xét tuyển đợt tiếp theo thì quy chế chặt hơn năm trước rất nhiều và sẽ giúp giảm bớt số lượng TS ảo. Muốn làm điều này, cũng cần phải kèm theo phần mềm có thể khoá toàn bộ quyền xin xét tuyển của TS vào các trường khác khi đã trúng tuyển. Các trường vi phạm điều này sẽ xử lý thế nào, vì các năm vẫn tồn tại tình trạng TS đã trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng các trường khác vẫn nhận.
 

 

 

Để trường chuyên môn chấm thi


Kinh nghiệm chấm phúc khảo các năm, có khoảng 10% số bài chênh lệch 0,25-1 điểm so với điểm ban đầu. Năm nay, các trường ĐH kỹ thuật chuyên toán lý hoá phải chấm thi cả các môn xã hội, việc chấm thi sẽ rất khó khăn vì số lượng bài thi tăng rất nhiều lần. Tôi nghĩ nên giao bài thi cho các trường chuyên các khối xã hội, tự nhiên… chấm riêng. Chẳng hạn, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM sẽ chấm toàn bộ các bài thi văn, sử, địa.


PGS-TS ĐỖ VÃN DŨNG

(Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)

 

Thi vào tháng 7 là hợp lý


Việc đổi thời gian thi từ tháng 6 đến đầu tháng 7 rất đúng đắn. Tuy nhiên, từ ngày 30.5 các trường kết thúc chương trình, nếu để thí sinh tự do học thi trong một tháng thì các thầy cô không thể yên tâm và có thể dẫn tới tình trạng thí sinh tập trung vào các lò luyện. Tôi đề xuất Bộ nên có chỉ đạo rõ ràng để các trường vẫn tổ chức cho học sinh ôn luyện trong thời gian này.
 

Ông NGUYỄN THANH GIANG

(Giám đốc SỞ GD-ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu)

 

Ưu điểm của kỳ thi THPT quốc gia


Kỳ thi THTP quốc gia có hai điểm nổi bật là tiết kiệm ngân sách cùng với cách đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả kỳ thi mở ra cơ hội công bằng và ngành nghề tối ưu cho học sinh.
 

Tiến sĩ NGUYỄN VĂN VINH

(Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt)