10/01/2025

Bài học “phạt trò”

Chuyên mục “Giáo dục dưới mắt mọi người” ngẫu nhiên nhận được bài viết của một giáo viên và một phụ huynh cùng về một nội dung: phạt học trò. Xin giới thiệu với bạn đọc.

 

Bài học “phạt trò”

 

Chuyên mục “Giáo dục dưới mắt mọi người” ngẫu nhiên nhận được bài viết của một giáo viên và một phụ huynh cùng về một nội dung: phạt học trò. Xin giới thiệu với bạn đọc.

 

 

 

 

Tôi dạy toán tại một trường THCS ở Thanh Hoá.

Trong mắt học trò, tôi là cô giáo khá nghiêm khắc, nhất là tôi rất khó chịu mỗi khi các em mắc lỗi không thuộc bài hay không làm bài tập.

Tôi thường yêu cầu học sinh phải hoàn thành bài tập đầy đủ, đi học đúng giờ. Nếu học sinh không chịu làm bài tập ở nhà, tôi sẽ phạt ở lại trường sau giờ học và làm bài tập tại chỗ.

Tạo sức ép cho các em, tôi đã không thể nghĩ rằng những khi tôi đến “soi” các em, rồi lên tiếng chỉ trích, các em rất căng thẳng, lo lắng khi phải hứng chịu cơn giận dữ của tôi.

Tôi đã nghĩ rằng khắt khe như vậy thì các em sẽ không còn mắc lỗi nữa. Nhưng thực tế, thi thoảng vẫn có trường hợp sơ suất, lại “ngựa quen đường cũ” khiến tôi rất bực mình.

Nhưng tôi nhớ có một lần, học trò tên Vân quên làm bài tập. Vốn là một học sinh ngoan, chăm chỉ và học tốt nên điều này khiến trò Vân rất xấu hổ. Thói quen kiểm tra các em đã làm bài chưa khiến tôi trở nên “xấu tính”, già nua trong mắt học trò.

Tôi nói vậy bởi vì cũng như bao học trò khác, tôi đã khiển trách, phê bình em trước lớp và yêu cầu em ở lại lớp sau tan học để làm bài tập. Tôi thấy Vân rất lúng túng, như muốn nói điều gì đó với tôi nhưng lời cô đã át lời trò.

Tôi sẽ vẫn cứ là cô giáo khắt khe, nghiêm khắc thái quá như thế nếu sau đó tôi không biết nguyên nhân vì sao Vân chưa làm bài tập. Vân là trụ cột trong gia đình, cha mất sớm, mẹ bị tai nạn nằm liệt giường. Sau Vân còn hai em nhỏ.

Em vừa đến trường vừa là người phải kiếm cơm nuôi mẹ, kiếm tiền nuôi các em ăn học. Một buổi đi học, một buổi Vân đi bán báo dạo. Buổi tối nào em cũng phải thức khuya để thêu móc. Hôm em “quên” làm bài tập vì phải chăm mẹ ốm.

Tôi thấy mình đã sai khi vội quy kết, phạt trò ấy. Tôi đã không biết rằng khi tôi yêu cầu cô học trò nhỏ này ở lại lớp để làm bài tập thì ở nhà người mẹ tật nguyền của em không có cơm ăn. Cứ nghĩ đến điều đó là tôi lại thấy nhói lòng, một cảm giác ân hận bủa vây.

Tôi chợt nhận ra rằng để cho học trò tốt hơn, ngoan hơn thì không thể chỉ biết trông chờ vào hình phạt là đủ. Không phải một sai sót nào cũng đáng bị phạt.

Nếu tiếp tục cứng nhắc theo kiểu học sinh nào phạm lỗi cũng bị phạt thì tôi sẽ còn mắc sai lầm nhiều nữa. Nếu một người thầy chỉ chăm chăm vào việc phạt học trò thì lâu dần các em sẽ chấp hành cho xong nghĩa vụ, học sẽ không khác gì đối phó.

Sau đó tôi chuyển sang hình thức khác, từ phạt học trò mắc lỗi sang thưởng nếu các em hoàn thành tốt.

Thưởng chỉ là cây bút, một cuốn tập hay đôi khi chỉ là một lời khen. Nhưng hình như em nào cũng háo hức được cô thưởng. Ðể ý sau hơn một tháng như vậy, các em tự giác chấp hành hơn, từ làm bài tập ở nhà đến đi học đúng giờ.

Từ chuyện khen chê, thưởng phạt, tôi rút ra rằng hình phạt nghiêm khắc không phải lúc nào cũng đúng và hiệu quả.

Chúng ta đứng trên bục giảng đừng chỉ vì quy định đặt ra thì học trò cứ phải tuân theo, mà đôi khi nếu không tìm hiểu kỹ lý do, vội quy kết, chúng ta rất dễ mắc sai lầm. Bài học về lần phạt học trò ấy tôi còn nhớ mãi…

“Nay con có mắc lỗi gì không?”

Con trai tôi đang học lớp 11 một trường THPT tại Hà Nội. Từ đầu năm đến nay, mỗi khi đi học trễ, con lại phải đứng ngoài cổng trường.

Nếu nhiều thì chẳng nói làm gì, đằng này muộn ba phút thôi mà con cũng bị phạt khiến tôi rất bất an, lo lắng.

Con trai đi học bằng xe buýt, vì nhà xa trường nên hầu như hôm nào con cũng vội vội vàng vàng, chạy sấp chạy ngửa đi học. Có khi con còn chẳng kịp ăn sáng.

Thế nhưng cũng có hôm tắc đường hay vì lý do gì đó con muộn học. Vậy là hôm đó con cứ lang thang bên ngoài mà không biết làm gì cho đến khi hết tiết trường mới mở cổng cho vào.

Theo lời con nói, mỗi buổi sẽ có vài chục em, ít thì mười mấy em cùng chịu cảnh tương tự như thế. Em thì lôi sách ra đứng ở góc nào đó ôn bài, có em thì chạy ra quán trà đá để ngồi nhưng cũng có em tìm đến quán net để “giết thời gian”…

Ðã vậy, nhà trường còn quy định học sinh nếu mắc quá năm lỗi trên một tháng sẽ bị đình chỉ học một buổi.

Kỷ luật trường học là cần thiết nhưng hình thức khắt khe như vậy khiến phụ huynh chúng tôi rất lo lắng. Bởi vì đứng ngoài trường cả tiết học có thể sẽ gặp phải nhiều rủi ro như bị rủ rê, bị bắt nạt, thậm chí là bị trấn lột và rất nhiều tình huống xấu xảy ra mà không tính hết được.

Tôi tự ý thức được rằng con vẫn là đứa con ngoan. Nhưng dù ngoan đến mấy vẫn không tránh được những lỗi “cỏn con” trên trường học.

Nếu bị phạt quá nhiều, học sinh sẽ căng thẳng, thậm chí nhờn thuốc, bất mãn, đối phó là chính chứ không phải đi học vì niềm vui.

Con căng thẳng, mẹ cũng căng thẳng theo. Con đi học về, câu đầu tiên tôi hỏi là: “Nay con có vào lớp đúng giờ không?” hay: “Nay con có mắc lỗi gì không? Có phải viết bản kiểm điểm không?”. Chỉ đến khi con trả lời là không thì tôi mới thở phào nhẹ nhõm.

HẢI ANH (Hà Nội)

KIM THOA (Thanh Hóa)