93% HS, SV cần tư vấn tâm lý
Một khảo sát mới nhất của Bộ GD-ĐT cho thấy có tới 93,57% học sinh, sinh viên được hỏi gặp phải những vướng mắc cần được chia sẻ trong học tập và đời sống hằng ngày.
93% HS, SV cần tư vấn tâm lý
Một khảo sát mới nhất của Bộ GD-ĐT cho thấy có tới 93,57% học sinh, sinh viên được hỏi gặp phải những vướng mắc cần được chia sẻ trong học tập và đời sống hằng ngày.
BS.TS Trần Thị Minh Hạnh (phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, phải) tư vấn riêng cho học sinh tại ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2015 do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 18-1 tại ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) – Ảnh: Như Hùng |
Trong đó, nhu cầu chia sẻ của HS phổ thông chiếm tỉ lệ 95,33%, chủ yếu là HS ở bậc THPT.
Không thể trì hoãn
Mới chỉ là “ngọn lửa nhỏ” TP.HCM hiện nay là địa phương đầu tiên ban hành quy định về tư vấn tâm lý học đường, với gần 100 phòng tư vấn tâm lý được thành lập. Nhiều trường đã có cán bộ tư vấn tâm lý chuyên trách và triển khai rất hiệu quả công tác này. Đây là thực tế cho thấy phải có sự tác động tích cực từ cơ quan quản lý các cấp thì khó khăn mới được tháo gỡ, mới có thể giúp các nhà trường không phải “vừa đi vừa mò đường” như hiện nay. Bởi cách khắc phục của mỗi nhà trường chỉ có thể là ngọn lửa nhỏ chưa thể làm thay đổi những bất cập phổ biến hiện nay. |
“Không thể làm ngơ, trì hoãn việc đưa vấn đề tư vấn tâm lý học đường vào trường học” là điều mà nhiều nhà giáo có mặt tại hội thảo về tổ chức hoạt động văn hóa và tư vấn tâm lý trong nhà trường do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 20-1
Bên lề hội thảo, ông Nguyễn Hiệp Thống, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, chia sẻ: “Những ý kiến của ngành GD-ĐT Hải Phòng, Hà Nội, đặc biệt là TP.HCM đều cho thấy trong các nhà trường phổ thông đã bắt đầu quan tâm hơn tới vấn đề tư vấn tâm lý”
Tại Hà Nội, nhiều trường đã chủ động xây dựng phòng tư vấn tâm lý, thu hút sự quan tâm, chia sẻ của hàng trăm HS. Nhưng đây vẫn chủ yếu là việc tự phát, chưa được quan tâm đúng mức.
“Tôi cho rằng trong bối cảnh có những diễn biến phức tạp về hành vi, lối sống của HS hiện nay, Bộ GD-ĐT cần đưa vào điều lệ trường học các cấp quy định bắt buộc xây dựng phòng tư vấn tâm lý, tổ chức hoạt động tư vấn tâm lý cho HS, SV” – ông Thống nói.
Theo ông Thống, việc này phải được làm tương tự như xây dựng hệ thống y tế học đường. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, phải định biên cho cán bộ tư vấn tâm lý được đào tạo bài bản, chuyên trách.
TS Phùng Khắc Bình, nguyên vụ trưởng Vụ Công tác HS, SV – Bộ GD-ĐT, cũng cho rằng qua những nghiên cứu về thực trạng đời sống tinh thần của HS, SV hiện nay và nhu cầu được tư vấn, chia sẻ, định hướng thì thấy cần thiết phải xây dựng một khung chương trình tổ chức hoạt động văn hoá các nhà trường kèm theo tiêu chí đánh giá, kiểm soát việc thực hiện.
Bởi nếu chỉ vận động, khuyến khích, lệ thuộc vào sự chủ động của mỗi cơ sở thì vấn đề chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho HS, SV sẽ khó có được sự quan tâm đúng mức của các cấp quản lý.
Thậm chí càng ở những nơi kinh tế – xã hội phát triển, điều kiện giáo dục thuận lợi nhưng tình trạng đạo đức, lối sống của HS, SV có biểu hiện phức tạp, xuống cấp thì vấn đề tư vấn tâm lý lại càng ít được quan tâm.
Theo TS Hoàng Gia Trang – Viện Khoa học giáo dục, qua nghiên cứu khảo sát đối với HS, SV cho thấy vấn đề đời sống tinh thần của giới trẻ hiện nay đang báo động với những biểu hiện lệch lạc.
Cụ thể như năng lực học tập, hạnh kiểm của HS có xu thế giảm dần từ lớp dưới lên lớp trên, thái độ ứng xử trong nhà trường, trong cuộc sống hằng ngày của HS lại đi xuống.
Tình trạng vi phạm pháp luật, bạo lực học đường, quan hệ tình dục trước hôn nhân, liên quan tới tệ nạn xã hội trong HS, SV cũng gia tăng theo lứa tuổi.
Phân tích của một số nhà giáo tại hội thảo cho thấy những biểu hiện tiêu cực trong HS, SV có những vấn đề khách quan như do khoảng trống về “dạy người” trong chương trình giáo dục phổ thông, áp lực căng thẳng về thi cử, bằng cấp khiến HS phổ thông không được giáo dục về ý thức, trách nhiệm, định hướng đúng về hành vi, lối sống.
Một điểm đáng chú ý là nhu cầu chia sẻ của HS, SV không được đáp ứng.
Đại diện một số trường ĐH tại hội thảo thì cho rằng “các hoạt động văn hoá, tư vấn tâm lý chưa thu hút sự quan tâm của HS, SV do tâm lý e ngại, thiếu chủ động.
Tuy nhiên, phản biện quan điểm này, một số nhà giáo có trải nghiệm về công tác tư vấn tâm lý học đường lại cho rằng việc HS, SV chưa quan tâm chỉ do cách tổ chức của các nhà trường chưa mang lại sự tin tưởng cho giới trẻ.
Thiếu đủ bề
Không có cơ sở vật chất, không có kinh phí tổ chức hoạt động, đặc biệt không có cán bộ chuyên trách được đào tạo bài bản là những khó khăn điển hình được ông Nguyễn Văn Linh, phó vụ trưởng Vụ công tác HS, SV Bộ GD-ĐT, đề cập.
Theo ông Linh, cán bộ làm công tác tư vấn tâm lý trong các nhà trường hiện nay phần lớn là kiêm nhiệm, làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ việc tư vấn tâm lý học đường hiện chưa đáp ứng được cả chất và lượng.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số sở GD-ĐT tại hội thảo, vướng mắc lớn nhất là không có định biên cho cán bộ tư vấn tâm lý. Không có một hành lang pháp lý cần thiết để các nhà trường có thể chuẩn bị điều kiện đủ để tổ chức hoạt động tư vấn tâm lý cho HS.
Trong đó, sự tự lo kinh phí cũng là vấn đề mà các nhà trường đang bị bế tắc, không phải chỉ cho hoạt động tư vấn tâm lý mà cả các hoạt động văn hóa tinh thần nói chung.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp cho SV Trường ĐH Tài nguyên – môi trường, chia sẻ: “Để tổ chức được các hoạt động văn hoá nói chung và tư vấn, định hướng về lối sống cho SV nói riêng, chúng tôi phải xã hội hóa bằng cách đi xin tài trợ. Bởi nếu trông chờ vào kinh phí từ ngân sách sẽ không thể có một hoạt động thiết thực nào cho SV”.
Theo bà Nguyễn Phương Anh – hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội), “có rất nhiều cách để quan tâm, tư vấn cho HS trong điều kiện phải khắc phục khó khăn chung.
Ví dụ như tận dụng sự lan toả của Facebook, trang mạng xã hội có tới trên 90% HS trung học sử dụng. “Trường tôi có cả một nhóm cán bộ được phân công nhiệm vụ theo sát, tư vấn, chia sẻ với các em HS qua Facebook. HS không tìm đến thầy cô thì thầy cô phải tự đi tìm các em. Có rất nhiều vấn đề cán bộ tư vấn đã được các HS chia sẻ, tâm sự, trao đổi qua mạng”.
Từ kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu, ông Phùng Khắc Bình cho biết tại nhiều nhà trường cũng xuất hiện hình thức “phòng tư vấn tâm lý” online, đây là một cách khắc phục khó khăn.
Nhu cầu có thật từ học sinh Bà Lý Thị Lương, hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội, một trong những trường đã có phòng tư vấn tâm lý cho học sinh từ ba năm trước đây, chia sẻ: “Ban đầu phòng tư vấn tâm lý được lập ra ở trường tôi do sự gợi ý giúp đỡ của khoa tâm lý Trường ĐH KHXH và NV (ĐH Quốc Gia Hà Nội)”. Cô Lương cho biết: Lúc đó không chỉ học sinh mà cả phụ huynh và giáo viên cũng thờ ơ mặc dù nhà trường trong các cuộc họp phụ huynh đều dành thời gian giới thiệu về phòng tư vấn này và trao đổi để các bậc phụ huynh thấy tầm quan trọng của hoạt động tư vấn. Nhưng rồi chính hiệu quả của việc tư vấn tâm lý đã kéo các em học sinh đến. Trong ba năm qua, có trên 400 lượt học sinh trường tôi đã tìm đến phòng tư vấn tâm lý. Đến nay trong các buổi tư vấn tâm lý tại trường, cán bộ tư vấn phải làm việc hết công suất. “Điều đó chứng tỏ một nhu cầu có thật từ các em học sinh. Từ chuyện xích mích với bạn bè, buồn chán vì cô giáo không hiểu mình đến những mâu thuẫn, nỗi buồn trong gia đình, vướng mắc trong học tập, trong vấn đề tình yêu học trò đều được các em học sinh thổ lộ. rất nhiều điều các em khó có thể nói với cha mẹ, thầy cô nhưng lại có thể bộc bạch với các nhà tư vấn tâm lý” – cô Lương nói. |