11/01/2025

Viết từ Pháp: Ngày mai sẽ rất khó khăn

Phản ứng của cộng đồng Hồi giáo trên thế giới có thể hiểu được. Tính hài hước, trong một số chủ đề, không thể hiểu giống nhau được.

 

Viết từ Pháp: Ngày mai sẽ rất khó khăn

 

Phản ứng của cộng đồng Hồi giáo trên thế giới có thể hiểu được. Tính hài hước, trong một số chủ đề, không thể hiểu giống nhau được.


 

 

Những người biểu tình phản đối tờ báo Charlie Hebdo tại Peshawar (Pakistan) – Ảnh: Reuters 

Giờ đây nước Pháp, cũng như nhiều quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ, đang tự hỏi tại sao điều đó đã xảy ra và làm sao để “sống cùng với lũ”?

Nhà báo Võ Trung Dung
 

Vấn đề là một bộ phận những người biểu tình đó không chỉ chống lại các bức biếm họa của Charlie Hebdo mà còn ủng hộ cả những hành động khủng bố đã xảy ra ở Pháp. Dù rằng chính những người ủng hộ các hành động giết người khủng bố đó đang sống ở Mali, Sudan, Niger, Algeria – những đất nước cũng đang hứng chịu nạn khủng bố cực đoan Hồi giáo.

Thực tế là những bức biếm hoạ và kiểu văn phong báo chí của Charlie Hebdo không thu hút độc giả ở Pháp và ở các nước nói tiếng Pháp. Thậm chí phần đông độc giả Pháp và cả cánh nhà báo không hề thích lối quá đà của những bức biếm họa trên Charlie Hebdo, dù các bức biếm họa này nhắm đúng chủ đề.

Đây là vấn đề còn gây rất nhiều tranh cãi, bởi lẽ những biếm họa ấy nếu bị suy diễn ngoài bối cảnh thời sự thì quả là rất… đáng sợ. Những bức biếm họa ấy sẽ được xem là mang tính báo chí và châm biếm nếu được “đọc” trong dòng sự kiện.

Chẳng hạn cách đây vài năm, một trang bìa của Charlie Hebdo nói thẳng “Kinh Koran là chẳng ra gì!” với dòng dẫn giải bên dưới “(Vì) nó không ngăn chặn được đạn bom!”. Nhìn theo góc độ “ngoài dòng thời sự” thì đây là sự phỉ báng nặng nề với sách thánh của Hồi giáo.

Nhưng “trong thời sự” thì điều đó nên được hiểu là ban biên tập của Charlie Hebdo tố cáo nạn thảm sát người Hồi giáo ở Cairo (Ai Cập) vào năm 2013. Nhưng kẻ thực hiện cuộc tàn sát đó là cảnh sát, binh sĩ và không ít “hung thủ” cũng là người Hồi giáo.

Cũng phải thấy là Charlie Hebdo “chọc ghẹo” đủ mọi giai tầng, đủ mọi tôn giáo, đủ mọi chính trị gia và đương nhiên họ làm theo lý do “dòng thời sự”. Nói thật là các tôn giáo bị “lên tầm ngắm” nhiều nhất. Bởi lẽ ban biên tập của Charlie Hebdo vẫn chủ trương bảo vệ đặc tính “thế tục của nền cộng hoà”.

Charlie Hebdo chọn cho mình một vị trí rất rõ ràng, chống lại mọi áp đặt. Thêm vào đó phải hiểu truyền thống nhiều trăm năm của người Pháp về tinh thần “phê và tự phê”, về tự do suy nghĩ, về việc xây dựng các tư tưởng và phản biện với chính các tư tưởng ấy. Chính truyền thống đó đã tạo ra và tiếp tục tạo ra cho nước Pháp cũng như cho thế giới những thế hệ các nhà tư tưởng hàng đầu.

Cũng phải thấy rằng trong hàng triệu người dân Pháp đã xuống đường tuần hành hôm 11-1 không phải ai cũng đi vì ủng hộ hay bảo vệ tờ Charlie Hebdo. Họ nhất quyết xuống đường vì cảm xúc và tình cảm với các nạn nhân bị bắn chết trong toà soạn Charlie Hebdo là có, nhưng họ cũng xuống đường vì cần bảo vệ quyền tự do ngôn luận, quyền tự do chỉ trích, cần chống kiểu cuồng tín, chống hành vi coi thường pháp luật…

Tóm gọn lại là họ xuống đường để bảo vệ những nền tảng tinh thần dân chủ đầy quý giá của nước Pháp, vốn đã tạo nên nước Pháp ngày nay.

Nếu bạn hỏi họ “Đâu là giới hạn cho Charlie Hebdo?”, chắc chắn người biểu tình sẽ đồng thanh trả lời: “Giới hạn sẽ được nhà nước pháp quyền quy định trước tòa án!”. Cũng cần phải thấy rằng Charlie Hebdo từng thắng lẫn thua trong các vụ kiện do các nhóm Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo đứng nguyên đơn. Điều đó có nghĩa việc giải quyết vấn đề phải tuân thủ theo luật pháp chứ không phải luật… súng!

Nhưng cũng cần thấy rằng sau những phút giây đoàn kết đầy cảm xúc để bảo vệ quyền tự do ngôn luận chống khủng bố, như truyền thống vốn có, người Pháp bắt đầu soi rọi lại bản thân. Họ tự hỏi tại sao và bằng cách nào điều tệ hại đó lại xảy đến với một đất nước dân chủ và vốn vị tha với mọi khác biệt sắc tộc và tôn giáo.

Họ mổ xẻ những “kẽ hở” của xã hội Pháp, những sai lầm, những thành kiến và đưa ra các giải pháp. Họ ở đây gồm các chính trị gia, bậc trí thức, nhà khoa học và cả thường dân. Ai ai cũng tự thấy mình phải góp phần.

Đó vốn là sức mạnh của xã hội Pháp. Họ không ngại đi “ngược dòng chủ lưu” để khẳng khái nói “Tôi không là Charlie” hoặc “Tôi không hoàn toàn là Charlie”.

Giờ đây trước những phản ứng mạnh mẽ từ một số cộng đồng ở các nước Hồi giáo trên thế giới, các lãnh đạo chính trị, ngoại giao và an ninh của Pháp, cũng như của nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, đã chủ động cảnh báo cao độ dù không ở mức “la làng” qua truyền thông.

Các giải pháp giờ đây cũng khá phức tạp vì phải thực hiện trên nhiều mặt trận: phòng chống những vụ khủng bố trong tương lai, bảo vệ người dân sống trong lãnh thổ của mình, rồi lại phải bảo vệ công dân Pháp và công dân châu Âu đang sinh sống, làm việc ở châu Phi, Trung Đông…

Riêng về nguy cơ khủng bố thì gần như nhà chức trách tin chắc rằng sẽ xảy ra. Câu hỏi ở đây là “khi nào và ở mức độ nào?”. Rồi phần quan trọng hơn nữa là “Phải làm gì đây?”.

Đâu phải cứ mỗi góc phố lại đặt một ông cảnh sát. Đâu phải cứ nghe lén, theo dõi mọi công dân có hành vi bất thường vì quyền tự do cá nhân quý giá đã mất bao lâu mới đạt được.

Có một điều đã quá rõ sau sự kiện Charlie Hebdo, đặc biệt là sự kiện tiếp tục đăng ảnh bìa tiên tri Mohammed: Ngày mai sẽ rất khó khăn!


VÕ TRUNG DUNG (từ Paris
)