11/01/2025

ĐH Fulbright tại VN phát triển sau đại học trước

Kỷ niệm 20 năm thành lập Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP), ngày 17-1 cũng là khởi đầu cho việc tiến tới thành lập Trường ĐH Fulbright tại VN (FUV).

 

ĐH Fulbright tại VN phát triển sau đại học trước

 

Kỷ niệm 20 năm thành lập Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP), ngày 17-1 cũng là khởi đầu cho việc tiến tới thành lập Trường ĐH Fulbright tại VN (FUV).

 

 

Tuổi Trẻ trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thành – giám đốc FETP, đại diện Trường Harvard Kennedy tại VN.

Ảnh: Thuận Thắng
Ông  Nguyễn Xuân Thành – Ảnh: Thuận Thắng

Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết: “Ngay từ đầu, ý tưởng thành lập FETP là mặc dù đây là chương trình hợp tác của chính phủ hai nước và hợp tác giữa hai trường ĐH, nhưng cả hai trường ĐH và hai chính phủ đều đồng ý tạo không gian độc lập, tự chủ về mặt học thuật cho FETP”.

Tự chủ và trách nhiệm giải trình

* Cơ chế nào giúp cho FETP hoạt động được hiệu quả?

– Đội ngũ bộ máy quản lý chương trình: giám đốc đào tạo và đại diện của Trường Harvard tại VN cùng các nhóm giảng viên tự quyết định chương trình giảng dạy.

Nhóm giảng viên tự quyết định nội dung cụ thể của từng môn học. Đội ngũ quản lý chương trình thực hiện công tác tuyển sinh.

Đổi lại chương trình có trách nhiệm giải trình: trước hết là trước các học viên, thứ hai là trước hai trường ĐH (báo cáo tôi giảng những gì, như thế nào) và trước hai chính phủ.

Mọi nội dung đều báo cáo, nhưng các bên đều không can thiệp vào hoạt động đào tạo của FETP.

Những người có năng lực bao giờ cũng cần có một môi trường tự do học thuật để họ giảng dạy và nghiên cứu. Họ được tưởng thưởng cho sức lao động của họ một cách xứng đáng
Ông NGUYỄN XUÂN THÀNH

Đối với việc phát triển đội ngũ giảng viên thì chương trình cũng thực hiện một cái rất đặc thù: tất cả môn học đều được thực hiện bởi một nhóm giảng viên chứ không phải bằng một giảng viên duy nhất.

Lên lớp là cả nhóm giáo viên cùng lên giảng gồm cả giáo viên chính, đồng giảng viên, trợ giảng, phiên dịch…

Nhóm đông có khi lên tới bảy người cùng dạy, còn thường là khoảng ba người. Nếu để mình ông thầy dạy từ Harvard sẽ rất nhàn nhưng như vậy thì giáo viên của mình sẽ không học được gì. Rất nhiều giáo viên ở trường đi lên từ phiên dịch, trợ giảng rồi thành giảng viên chính.

* Vậy đâu là yếu tố đảm bảo tính cạnh tranh của FETP, thưa ông?

– Chương trình đặt mục tiêu là phải xây dựng được đội ngũ giảng viên cơ hữu và nòng cốt bao gồm cả người nước ngoài và giảng viên VN bằng cách trả lương cạnh tranh, có môi trường thuận tiện, thuận lợi mang tính tự do về mặt học thuật để họ làm việc.

Nếu như một giảng viên toàn thời gian không làm công tác quản lý thì anh sử dụng 40% thời gian để giảng dạy và 60% để nghiên cứu.

Còn giảng viên có làm công tác quản lý thì 30% thời gian của anh làm giảng dạy, 30% thời gian nghiên cứu và 30% thời gian quản lý. Câu chuyện của FETP cho thấy hoàn toàn có thể xây dựng, phát triển cơ sở giáo dục chất lượng cao tại VN.

* Chương trình có định mức là một năm giảng viên phải có bao nhiêu nghiên cứu không?

– Chương trình không có quy định cứng nhắc như thế, nhưng để tồn tại thì giảng viên phải tham gia làm nghiên cứu. Anh giảng bài thì không thể giảng từ sách giáo khoa được mà phải giảng từ những nghiên cứu của anh nữa và những nghiên cứu đó phải gắn với thực tiễn của VN.

Để có uy tín thì anh không chỉ dạy ở trường, không chỉ làm nghiên cứu mà anh phải tham gia thảo luận chính sách với các cơ quan nhà nước các cấp, tham gia viết báo…

Phát triển sau đại học trước

* Hiện tại chương trình vẫn đang nhận kinh phí từ Bộ Ngoại giao Mỹ, còn sau này sẽ phải tự chủ về mặt tài chính. Đó sẽ là thách thức với Trường Fulbright sau này?

– FUV hoạt động không vì lợi nhuận, trường sau này sẽ vẫn thu học phí nhưng chỉ trang trải một phần cho tổng chi phí hoạt động của nhà trường. Phần trang trải kia sẽ là đóng góp của các tổ chức dưới hình thức không hoàn lại.

Những đóng góp này, ngoài việc để xây dựng cơ sở ban đầu cho trường, sẽ dùng để lập quỹ trường. Nguồn sinh lợi từ quỹ đó trong dài hạn sẽ dùng để trang trải một phần đáng kể cho chi phí hoạt động của trường.

Thực chất mọi mô hình trường vẫn luôn có những nguồn tài trợ khác. Không bao giờ học phí đủ chi trả 100% tổng chi phí.

* Ông có thể chia sẻ kế hoạch cụ thể của FUV?

– Đầu tiên sẽ bắt đầu bằng các chương trình sau đại học trước. FETP sẽ trở thành trường chính sách công nằm trong FUV. Thuận lợi sẽ là FUV không bắt đầu từ con số 0 mà thật ra đã có 20 năm của FETP rồi. Hoạt động đó sẽ được tiếp tục.

Cũng căn cứ vào đấy sẽ phát triển các chương trình khác về quản trị, về luật – những chương trình đấy cũng sẽ bắt đầu từ sau đại học.

FUV sẽ phát triển sau đại học trước để xây dựng năng lực đội ngũ giảng dạy. Sau đó mới chuyển sang chương trình đại học. Chương trình chính sách công dự kiến bắt đầu vào năm 2016.

* Phương pháp học ở FETP và FUV có gì khác biệt?

– Bây giờ tất cả môn học chính sách công đều giảng dạy theo phương pháp gọi là nghiên cứu tình huống. Tức không chỉ là các bài giảng mà còn dựa vào những tình huống nghiên cứu thực tiễn.

Ví dụ như giảng về kinh tế vi mô sẽ là tình huống cụ thể về quản lý giá cước viễn thông, dạy về kinh tế vĩ mô sẽ là tình huống cụ thể về bất ổn kinh tế vĩ mô năm 2008, khi dạy về thẩm định dự án sẽ là tình huống cụ thể thẩm định sân bay Long Thành.

Những câu chuyện, những phân tích tình huống các quyết định chính sách thật được đưa vào giảng dạy. Những tình huống ấy ý nghĩa là số liệu thực, bối cảnh thực, thách thức và câu hỏi thực.

Học viên sẽ có nhiệm vụ dựa vào những lý thuyết mình học để tranh luận với nhau, tranh luận với giảng viên để phân tích tình huống và đưa ra khuyến nghị chính sách dựa vào tình huống.

50% là giảng lý thuyết và 50% là thảo luận tình huống. Nhưng muốn có tình huống thì giảng viên phải làm nghiên cứu. Như giảng viên phải nghiên cứu về sân bay Long Thành thì mới viết được tình huống để dạy trên lớp.

Như vậy là có sự đan xen giữa nghiên cứu với giảng dạy để thắt chặt hơn.

Hỗ trợ cho công cuộc đổi mới

FETP được thành lập từ trước khi nối lại quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ.

Đầu những năm 1990, một số thượng nghị sĩ Mỹ trong đó đứng đầu là thượng nghị sĩ John Kerry và John McCain đến VN và bắt đầu các cuộc gặp để bàn về việc thiết lập lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Trong các thảo luận thì cả hai đều nêu việc cần có sáng kiến hỗ trợ cho quá trình xây dựng kinh tế thị trường ở VN, hỗ trợ cho công cuộc đổi mới.

Tiếp đó, Quốc hội Mỹ phê chuẩn luật yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ hằng năm tài trợ cho ĐH Harvard xây dựng chương trình đào tạo về kinh tế thị trường ở VN phối hợp với ĐH Kinh tế TP.HCM.

Chương trình khi đó được xây dựng với mục tiêu truyền đạt được những kiến thức tốt nhất, cập nhật nhất về kinh tế thị trường cho cán bộ nhà nước nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện của VN.

Đến năm 1995, trường bắt đầu đào tạo khóa đầu tiên, lúc đó gọi là khóa đào tạo sau ĐH một năm về kinh tế học ứng dụng.

Mỗi khóa tuyển khoảng 60 học viên, chủ yếu là cán bộ quản lý nhà nước nhưng cũng nhận những cán bộ quản lý doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Đang xin cấp phép đầu tư ĐH Fulbright

Tháng 12-2014, Quốc hội Mỹ thông qua khoản ngân sách khoảng 20 triệu USD cho phép Bộ Ngoại giao Mỹ làm việc với Quỹ sáng kiến giáo dục VN (TUIV) để triển khai tài trợ cho FUV với yêu cầu trường phải đảm bảo độc lập, không vì lợi nhuận và đảm bảo yêu cầu chất lượng đại học Mỹ.

Tổng vốn đầu tư của FUV khoảng 70 triệu USD, trong đó giai đoạn 1 là 5,3 triệu USD; giai đoạn 2 là 20 triệu USD (từ Quốc hội Mỹ) và 44,7 triệu USD của giai đoạn 3.

Sau khi có chủ trương chấp nhận của Thủ tướng vào tháng 4-2014, hiện tại TUIV đang làm việc với Bộ GD-ĐT và UBND TP.HCM để hoàn thành thủ tục xin cấp phép đầu tư FUV tại TP.HCM.

 

THANH TUẤN thực hiện