27/11/2024

Tiền hỗ trợ chưa tới người trồng lúa

Theo nghị định 42 năm 2012, người trực tiếp trồng lúa được hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm, cấp xã được hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm để xây dựng hạ tầng, nhưng ở ĐBSCL rất nhiều hộ trồng lúa chưa nhận được khoản tiền này.

 

Tiền hỗ trợ chưa tới người trồng lúa

 

Theo nghị định 42 năm 2012, người trực tiếp trồng lúa được hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm, cấp xã được hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm để xây dựng hạ tầng, nhưng ở ĐBSCL rất nhiều hộ trồng lúa chưa nhận được khoản tiền này.

 

 


 

 

Anh Ngô Văn Khoái (xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, An Giang) có 2ha đất trồng lúa nhưng đến nay chưa nhận được tiền hỗ trợ của năm 2013 – Ảnh: Đ.Vịnh
Ở huyện Kiên Lương cán bộ xã một tay chi tiền hỗ trợ, tay kia thu tiền làm giao thông nông thôn. Tôi hỏi thì họ giải thích: sở dĩ phải chi rồi mới thu là để bà con khỏi nói mình tự ý cấn trừ
Bà Huỳnh Thu Hiển (phó Ban kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Kiên Giang)

Tại An Giang, với 250.000ha trồng lúa mỗi năm được hỗ trợ 250 tỉ đồng, trong đó cho người trực tiếp sản xuất 125 tỉ đồng. Hiện tỉnh mới phân bổ hai đợt tiền của cuối năm 2012 và 50% của năm 2013 cho các huyện thị để chuyển xuống xã cấp cho dân.

Tiền ít, thủ tục nhiêu khê

Ông Lê Văn Thái, ngụ xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, cho biết ông có 1ha ruộng. Đợt đầu khi xã thông báo phát tiền hỗ trợ nói trên, ông photo các loại giấy tờ theo quy định đem đến xã để nhận được 250.000 đồng.

Thấy đi lại ảnh hưởng đến công ăn chuyện làm, khoản chi phí xe cộ, làm giấy tờ cũng tốn hơn 150.000 đồng nhưng số tiền nhận được chẳng bao nhiêu nên đến đợt sau khi địa phương thông báo ông không đi nhận nữa. “Rất nhiều hộ ít đất như tui đã bỏ luôn tiền hỗ trợ” – ông Thái nói.

Theo UBND huyện Châu Phú, huyện đã chuyển tiền hỗ trợ người trồng lúa về các xã hai đợt, mỗi đợt 9,4 tỉ đồng. Đợt đầu hiện mới phát 80%, đợt hai chỉ phát được hơn 60%.

Ông Nguyễn Phước Nên, phó chủ tịch UBND huyện, cho biết tiền hỗ trợ từ trung ương đưa về quá chậm, mỗi năm phân bổ 50% nên mỗi đợt với 1ha dân chỉ nhận được 250.000 đồng.

Theo quy định, mỗi đợt nhận tiền bà con đều phải kê khai, phải nộp bản photo chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy đỏ của đất trồng lúa. Trong khi phần lớn hộ nông dân ở đây chỉ có vài công đất và hầu hết giấy đỏ đã thế chấp trong ngân hàng, rất khó mượn lại để photo, công chứng.

“Mỗi lần nhận không đủ chi phí đi lại, làm giấy tờ nên những hộ ít đất chẳng thèm nhận. Cán bộ xã ấp phải rà soát, xuống cấp trực tiếp nhưng tới nay vẫn cấp chưa hết” – ông Nên nói.

Phải chi đúng, chi đủ cho dân

Ông Trần Quang Củi, phó giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, cho rằng theo nghị định 42 cấp xã đã được hỗ trợ 500.000 đồng/ha để xây dựng hạ tầng nên khoản tiền 500.000 đồng/ha hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa phải được chi đúng chi đủ cho dân, không được cấn trừ chuyển sang các khoản thu khác.

Bà Huỳnh Thu Hiển – phó Ban kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Kiên Giang – cho biết năm 2013 HĐND tỉnh giám sát tình hình triển khai nghị định 42 tại một số huyện thì thấy dân bị cấn trừ tiền đúng như bà con phản ảnh.

Tại huyện An Phú, đến nay nông dân mới nhận tiền hỗ trợ của nửa năm 2012, khoản hỗ trợ 50% của năm 2013 (khoảng 7,5 tỉ đồng) vẫn còn nằm ở huyện.

Ông Nguyễn Văn Thao, phó chủ tịch UBND huyện, cho biết mỗi đợt nhận tiền dân phải nộp đủ loại giấy tờ nên phần lớn nông hộ có diện tích canh tác manh mún không đến làm thủ tục. Vì vậy khoản hỗ trợ 50% của năm 2013 huyện giữ lại ở kho bạc, chờ đến đợt tới sẽ chuyển một lượt về xã cấp luôn.

Tại ĐBSCL, số hộ có đất trồng lúa dưới 1ha (10 công) chiếm khoảng 70%. Nhiều địa phương cũng cho rằng tiền hỗ trợ mỗi năm chỉ phát 50% nên mỗi công đất chỉ nhận 25.000 đồng, mà mỗi đợt đều phải làm thủ tục rườm rà khiến người dân không mặn mà.

Mặt khác, theo quy định, khoản hỗ trợ này chỉ cấp cho người trực tiếp canh tác, còn những hộ thuê đất canh tác muốn được nhận phải thương lượng, mượn giấy tờ của chủ đất để đi làm thủ tục rất khó khăn nên họ thường để chủ đất nhận tiền luôn.

Xã ngắt nhéo, cấn trừ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoản tiền hỗ trợ nông dân trồng lúa còn tồn khá lớn ở cấp xã. Sau một thời gian, nhiều xã đã linh động “chuyển” qua các loại quỹ tự nguyện đóng góp ở địa phương.

Gia đình bà Lê Thị Thúy làm 8 ha ruộng ở xã Vĩnh Phước, Tri Tôn (An Giang), mỗi đợt nhận 2 triệu đồng tiền hỗ trợ phải nộp lại một phần tại xã. “Gia đình tôi ở xa đến đây trồng lúa, nghe nói nộp cho quỹ thì nộp chứ không dám hỏi quỹ gì” – bà Thúy kể.

Ông Nguyễn Văn Văn, chủ tịch xã Vĩnh Phước, giải thích khi phát tiền hỗ trợ, cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã vận động hộ có đất canh tác lớn nhận được nhiều tiền đóng góp cho quỹ vì người nghèo. Nhiều xã ở An Giang khi chi tiền hỗ trợ cũng vận động dân góp vào quỹ làm đường, làm đê cống, thủy lợi khiến người dân thắc mắc.

Tại Kiên Giang, người dân khi nhận tiền thường bị xã “trích” lại một nửa đưa vào quỹ làm giao thông nông thôn. Ông Nguyễn Thành Được (xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất) cho biết năm 2013 xã thu của ông 1,25 triệu đồng, năm 2014 trừ tiếp 2,5 triệu đồng… để làm đường.

Ông Trần Văn Liêm (xã Mỹ Lâm, Hòn Đất) kể năm 2013 xã đã tự tiện trừ 50% nhưng không ra phiếu thu, năm 2014 tiếp tục trừ 50%…

Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Chí Bửu – chủ tịch UBND xã Mỹ Lâm – cho rằng việc xã trừ 50% tiền hỗ trợ của dân là đúng theo chủ trương của huyện và nghị quyết của HĐND xã. Trước khi cấn trừ, xã đã cho vận động bà con ký tên vào biên bản với tỉ lệ số hộ đồng ý trên 80%.

“Hộ nào phản ứng thì chắc là do không đi họp nên không biết chủ trương” – ông Bửu giải thích. Nhiều xã khác cũng nói đã họp dân, vận động và được bà con đồng tình, nhất trí cao rồi mới thu, trong khi người dân lại khẳng định không hề có chuyện đó.


ĐỨC VỊNH – KHOA NAM